Giáo viên Nghệ An nhận định muốn đạt điểm cao môn Ngữ văn, thí sinh phải có 'bản lĩnh'
(Baonghean.vn) - Đề thi môn Ngữ văn năm nay được các giáo viên ở Nghệ An đánh giá phù hợp với đối tượng thí sinh thi để xét tốt nghiệp và có tính phân loại để chọn thí sinh điểm cao vào các trường đại học.
Dù không học tủ, thí sinh vẫn có thể làm bài
Là giáo viên đang dạy môn Ngữ văn lớp 12 tại Trường THPT Quế Phong, thầy giáo Ngô Chiến Thắng đánh giá đề thi môn Ngữ văn năm nay bám sát đề thi tham khảo trước đó của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Cấu trúc đề truyền thống, rõ ràng và quen thuộc như các năm trước đây. Độ khó của đề “đúng tầm”, phù hợp với học sinh cũng như đáp ứng mục tiêu của đề thi nhằm xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Tuy nhiên, đề vẫn có câu hỏi phân loại được thí sinh, dù tổng thể không khó – thầy Thắng nói thêm.
Cụ thể, ở phần Đọc hiểu, những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, chủ yếu kiểm tra kiến thức cơ bản, học sinh có thể dễ dàng trả lời được và “ăn điểm” tuyệt đối của phần này.
Ở phần Làm văn, câu 1 nghị luận xã hội về chủ đề cân bằng cảm xúc vừa có tính thời sự liên quan đến tình trạng bạo lực học đường mà gần đây xã hội đang quan tâm; đồng thời, cũng gần gũi với lứa tuổi học sinh, các em có thể dễ dàng liên hệ với bản thân để phân tích, mở rộng.
Câu 2, phần Làm văn nằm trong nội dung chương trình học mà giáo viên các nhà trường chắc chắn đã ôn tập kỹ càng. Riêng câu phân tích đoạn văn trong tác phẩm "Vợ nhặt", nội dung phân loại nằm ở yêu cầu liên hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, cụ thể là cách nhìn nhận thời cuộc của nhà văn Kim Lân thể hiện trong đoạn trích.
Nói về đề thi năm nay, thầy Thắng cũng khẳng định không có tình trạng học sinh học tủ, bởi lẽ Bộ không giới hạn nội dung ra đề thi như các năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Vì lẽ đó, trong quá trình ôn tập, các nhà trường đều bám sát chương trình sách giáo khoa để dạy học, ôn tập.
Ngoài ra, ở đề thi môn Ngữ văn năm 2023, các thí sinh không khó để đạt điểm trung bình và nếu nắm vững kiến thức, các em có thể đạt điểm 7-8. Tuy nhiên, để đạt điểm giỏi trở lên sẽ rất khó. Riêng với học sinh dân tộc thiểu số ở vùng cao như huyện Quế Phong, thầy Thắng cho rằng, các em sẽ gặp khó khăn nhất định để bài làm chạm được đến yêu cầu mang tính phân hóa trong đề.
Đề Ngữ văn có tính liên kết, có sự phân hóa học sinh
Nói về đề thi môn Ngữ văn năm nay, cô Phan Thị Hồng – Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 cũng khẳng định: Đề Ngữ văn hay, phát hiện được học sinh giỏi có khả năng văn chương.
Theo đó, cái hay của đề Ngữ văn trước hết là trong chỉnh thể có sự liên kết với nhau. Cụ thể, ở phần Đọc hiểu nói đến chủ đề giông bão cuộc đời, đến phần Nghị luận xã hội lại đề cập đến cân bằng cảm xúc để đối mặt với giông bão đó. Ở phần này, các thí sinh đều có thể dễ dàng làm được bởi đã được giáo viên ôn tập nhuần nhuyễn.
Còn phần Làm văn, đoạn trích trong tác phẩm "Vợ nhặt" nhắc đến bối cảnh là tiếng trống thúc thế giữa nạn đói năm 1945. Tuy mỗi nhân vật có một bối cảnh khác nhau nhưng mỗi nhân vật lại đều lấp lánh tinh thần lạc quan, niềm tin trong cuộc sống. Đó là nhân vật “thị” nhắc đến ở trên mạn Thái Nguyên kể chuyện phá kho thóc Nhật, chia cho người nghèo đói, là bà cụ Tứ giấu nước mắt, là nhân vật Tràng thấy thấp thoáng hình ảnh lá cờ Việt Minh... Trong các nhân vật này đều có điểm chung đó là có tư tưởng thoát khỏi hoàn cảnh, những khó khăn ngặt nghèo trong cuộc sống chứ không buông xuôi theo hoàn cảnh.
Cô Hồng còn cho rằng, chủ đề tổng thể rất hay và cũng khơi gợi, hướng đến cảm xúc tích cực cho thí sinh. Ngoài ra, đề thi vẫn đảm bảo có sự phân hóa rõ ràng trong từng phần của đề.
Trước hết, ở phần Đọc hiểu, xác định thể thơ, chỉ ra hình ảnh, từ ngữ miêu tả cơn giông mùa Hè thí sinh có thể dễ dàng ăn điểm. Nhưng đến câu thứ 3 nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong đoạn thơ là bắt đầu mang tính thông hiểu, vận dụng. Thí sinh có thể dễ dàng xác định hình ảnh so sánh là mưa và triệu ngón tay.
Nhưng câu hỏi về tác dụng của biện pháp tu từ này thì đòi hỏi kiến thức, trình độ cảm nhận thơ, văn tinh tế của thí sinh: Thông thường, biện pháp tu từ sẽ làm nổi bật nội dung của đoạn thơ, đoạn văn trong một tác phẩm. Nhưng ở đây, thì cái nổi bật lên là tính đặc sắc của hình ảnh, thể hiện tài năng, sự liên tưởng của tác giả. Chính vì vậy, thí sinh sẽ không dễ dàng để viết và ăn trọn 1 điểm của câu hỏi này, mà đa phần sẽ làm được từ 0,5 – 0,75/1 điểm – cô Hồng cho biết.
Còn phần Làm văn phân tích đoạn trích trong tác phẩm "Vợ nhặt" quen thuộc, không xa lạ và gây bất ngờ cho các em. Nhưng đoạn trích không có nhiều chi tiết để khai thác, học sinh sẽ rất khó để phân tích từ những chi tiết ít ỏi này để lẩy ra ý văn. Hơn thế, học sinh phải bản lĩnh mới tìm được thông điệp của nhà văn gửi gắm qua từng suy nghĩ, hành động của nhân vật trong đoạn trích.
Bên cạnh đó, ý thứ 2 về nhận xét cách nhìn nhận của nhà văn Kim Lân thể hiện trong đoạn trích cũng phải là những em nắm vững kiến thức và am hiểu mới chỉ ra được. Tuy nhiên, các em cũng không nên quá lo lắng, vì thông thường trong barem điểm các năm, ý phân loại này chỉ chiếm tối đa 0,5 điểm.
Với đề thi này, phần đông học sinh sẽ thấy không quá khó, cảm giác dễ viết nhưng chỉ ở mức cơ bản, chưa sâu. Phổ điểm từ 7 – 8 sẽ có nhiều. Nhưng để đạt điểm giỏi, nhất là từ 9 điểm trở lên sẽ ít hơn nhiều so với năm trước.