Giáo viên thành Vinh gác 'tình riêng' xung phong đi chống dịch

(Baonghean.vn) - Tình nguyện tăng cường cho các chốt chống dịch, những giáo viên sẵn sàng đối diện với vất vả, hiểm nguy. Nhưng đó là điều cần thiết lúc này khi họ biết dịch bệnh đang kéo dài và cần sự san sẻ.

Vợ mới sinh con đã xung phong ra điểm nóng

Chốt kiểm dịch số 9 ở đường Quốc lộ 1 – giao nhau với Bệnh viện Phổi Nghệ An được xem là điểm nóng trong số 13 chốt chống dịch ở thành phố Vinh. 9h sáng, khi nhiệt độ ngoài trời đang xấp xỉ 40 độ thì tại khu vực này lượng xe cộ có nhu cầu qua lại nơi này vẫn rất đông. Từ thành phố Vinh nhìn sang, từng hàng xe dài từ phía Bắc đổ về đang xếp hàng chờ qua chốt. Phía bên này, xe từ Nam đi ra cũng liên tục không nghỉ…

Từ ngày thành phố Vinh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, lượng người đi ra đường đã giảm hẳn. Tuy vậy, tại điểm quan trọng này, người có nhu cầu đi ra, đi vào hàng ngày vẫn rất nhiều… Chỉ riêng việc dừng xe, kiểm tra giấy tờ, phiếu xét nghiệm Covid – 19 cũng đã là một khối lượng công việc rất lớn…

Chốt kiểm dịch trên đường Quốc lộ 1. Ảnh: MH.
Chốt kiểm dịch trên đường Quốc lộ 1. Ảnh: MH.

Trực chốt được 3 ngày và làm việc vào khung giờ sáng từ 6h đến 12h trưa, thầy giáo Phùng Ngọc Thạch – giáo viên Trường THCS Nghi Kim gần như không được nghỉ.

Nhiệm vụ của thầy và đồng nghiệp là trực tiếp kiểm soát các xe đi từ thành phố ra và hướng dẫn người dân có nhu cầu đi lại thực hiện nghiêm túc các quy định về giãn cách xã hội: Ngày nào cũng vậy, người ra vào liên tục. Bà con qua chốt cũng thực hiện nghiêm túc lắm, trước khi qua chốt đều chuẩn bị giấy xét nghiệm Covid – 19. Tuy vậy, không phải giấy nào cũng có thể qua được vì có thể đã xét nghiệm qua ngày… Chúng tôi phải giải thích cặn kẽ - thầy Thạch chia sẻ.

Hàng ngày có rất nhiều người qua lại tuyến đường này.  Ảnh: MH
Hàng ngày có rất nhiều người qua lại tuyến đường này. Nhiệm vụ của thầy giáo Phùng Ngọc Thạch là kiểm tra giấy tờ của người dân. Ảnh: MH

Thực tế, nói thì đơn giản nhưng để làm tròn trách nhiệm các thầy cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, chuyện “to tiếng”, “nạt nộ” do người dân cố tình không hiểu cũng không ít. 3 ngày trực chốt chống dịch cùng với các lực lượng Cảnh sát cơ động, Giao thông, thầy Thạch càng thấm thía hơn sự vất vả và tin rằng quyết định tình nguyện đi chống dịch là hoàn toàn đúng đắn. "Vợ tôi mới sinh cháu được gần 1 tháng nên ban đầu cũng có sự phân vân. Nhưng rồi, tôi nghĩ, dịch đang kéo dài. Công việc chống dịch đang còn rất khó khăn. Mình cố gắng một tý sẽ góp được một phần nhỏ cho quê nhà…" - Thầy Thạch trải lòng.

Có rất nhiều lý do của người dân trước khi xin qua chốt kiểm dịch. Ảnh: MH.
Có rất nhiều lý do của người dân trước khi xin qua chốt kiểm dịch. Ảnh: MH.

Do tính chất đặc biệt nên điểm chốt ở Nghi Kim cũng là điểm chốt có số lượng giáo viên tăng cường đông nhất – 9 người. Hàng ngày, các thầy chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 2 – 3 người và thay nhau trực chốt 24/24h. Làm  việc cả ngày lẫn đêm, đứng dưới thời tiết nắng nóng 40 độ nên chỉ trong 1 ngày, tất cả anh em trực chốt đều bị cháy nắng. Trên gương mặt đen xạm, mồ hôi rịn kín mặt, thấm ướt qua hai lớp khẩu trang.

Thầy giáo Đậu Văn Tuyên – giáo viên Trường THCS Trường Thi cho biết: Hàng ngày, có hàng trăm xe đường dài chạy tuyến Bắc Nam đều đi qua chốt này và nhiệm vụ chúng tôi là phải kiểm soát chặt chẽ xe đi qua vùng dịch. May mắn là thời điểm này, mọi người đều biết sự nguy hiểm của dịch bệnh nên đa phần đều hợp tác… Cá nhân tôi trước khi ra vùng dịch cũng đã biết sẽ vất vả nhưng mình may mắn còn được về nhà hàng ngày. Công việc của chúng tôi không thấm gì so với các lực lượng khác ở tuyến đầu chống dịch…

Dù mới được tăng cường nhưng các giáo viên đều nỗ lực hoàn thành tốt công việc.  Ảnh: MH
Dù mới được tăng cường nhưng các giáo viên đều nỗ lực hoàn thành tốt công việc. Ảnh: MH

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ

Vợ chồng thầy giáo Trần Tiến Thành – Trường Tiểu học Đội Cung đã có hơn 10 năm cắm bản tại xã Mường Típ – một trong những xã khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn. 4 năm trước, thầy Thành được chuyển về Vinh nhưng vợ thì vẫn đang ở lại. Vì đường xa, một năm chị mới được về nhà 2 lần và dịp hè là thời gian dài nhất mà cả gia đình mới được đoàn tụ đầy đủ.

Nhà 3 người con, con út đang nhỏ nên mấy ngày trước khi có thông báo về việc huy động giáo viên tham gia vào tuyến đầu phòng chống dịch, thầy Thành có nhắn đùa là “xin cho em ở nhà gần vợ con vài hôm”. Nhưng, ngay sau đó thầy lại tình nguyện xung phong bởi “trường chủ yếu là giáo viên nữ, mình không đi thì có ai gánh vác”…

Quốc lộ 46 là tuyến đường có lượng xe di chuyển khá đông và là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp. Ảnh: MH
Quốc lộ 46 là tuyến đường có lượng xe di chuyển khá đông và là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp. Ảnh: MH

Cùng trực chung một điểm với thầy Thành ở điểm chốt đường Quốc lộ 46B (cầu chợ Già) có thầy giáo Nguyễn Văn Phúc - Trường Tiểu học Hưng Đông. Hoàn cảnh hai người giống nhau, vợ thầy Đông hiện cũng đang dạy ở Trường PT DTBT THCS Quỳ Châu, lâu lâu vợ chồng con cái mới được gặp nhau một lần…

Từ ngày trực chung chốt, cả hai cũng có nhiều điều kiện để nói chuyện với nhau. Thế nhưng, thời gian rỗi cũng không có nhiều, bởi điểm cầu chợ Già là tuyến đường có chung  hai Khu công nghiệp là Khu công nghiệp Bắc Vinh và Khu công nghiệp VSIP – hàng ngày lượng xe qua lại rất nhiều với nhiều đối tượng khác nhau. Thầy giáo Nguyễn Văn Phúc cũng chia sẻ: Trước đây, công nhân có thể ở Hưng Nguyên và đi làm việc ở Khu công nghiệp Bắc Vinh là chuyện bình thường. Nhưng giờ thì ngăn cách, công nhân không đi làm được họ cũng sốt ruột lắm. Có những người ra vào chốt đến 6 lần xin được vào đi làm. Chúng tôi biết tâm trạng lo lắng của người dân nhưng vẫn phải động viên để mọi người yên tâm ở nhà để hạn chế dịch bệnh…

Các giáo viên tăng cường cho điểm chốt ở đường Quốc lộ 46. Ảnh: MH
Các giáo viên tăng cường cho điểm chốt ở đường Quốc lộ 46. Ảnh: MH

Tại chốt kiểm soát Nghi Ân tiếp giáp xã Nghi Trường (huyện Nghi Lộc), thầy giáo Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai cùng các đồng nghiệp và lực lượng chức năng căng mình kiểm soát người qua lại. Vợ cũng là giáo viên, hai con còn nhỏ, tuy nhiên, khi thành phố có chủ trương tăng cường giáo viên lên tuyến đầu phòng, chống dịch, thầy Cường không ngần ngại lên đường. "Các chiến sỹ y tế đã quá vất vả rồi. Mình đang trong thời gian nghỉ hè, nhà lại ở thành phố Vinh trong khi thành phố đang có dịch nên không chỉ tôi mà tất cả anh chị em đều sẵn sàng đóng góp một phần công sức nhỏ của mình, tiếp sức cùng thành phố chống dịch", thầy giáo Mạnh Cường tâm sự.

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Cường - Trường THCS Đặng Thai Mai (áo sọc) cùng đồng nghiệp trực tại điểm chốt.
Thầy giáo Nguyễn Mạnh Cường - Trường THCS Đặng Thai Mai (áo sọc) cùng đồng nghiệp trực tại điểm chốt.
Cùng chung suy nghĩ, thầy giáo Hồng Cảnh An trực tại điểm chốt Tỉnh lộ 535 giáp ranh Nghi Đức - Nghi Thái (huyện Nghi Lộc) là một trong hai giáo viên của trường THCS Hưng Lộc có mặt trong đoàn quân giáo viên "ra trận" chống dịch lần này. Thầy cho biết, nhiệm vụ chính của chốt sẽ do các chiến sĩ công an kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện ra vào. Những trường hợp được qua chốt, các thầy giáo sẽ hướng dẫn khai báo y tế, đo thân nhiệt. Ngoài ra còn có lực lượng địa phương là công an xã, đoàn thanh niên, dân quân… cùng tham gia làm các nhiệm vụ khác. "Mình rất tự hào vì được có mặt ở tuyến đầu, góp sức cùng các lực lượng chống dịch để thành phố và tỉnh sớm bình yên", thầy giáo Hồng Cảnh An tâm sự.
Thầy giáo Hoàng Lộc An (đội mũ) đón nhận những suất cơm của các đoàn hỗ trợ chốt phòng dịch.
Thầy giáo Hồng Cảnh An (đội mũ) đón nhận những suất cơm của các đoàn hỗ trợ chốt phòng dịch.

Làm việc giữa trưa nắng, nhưng thầy Phúc, thầy Thành, thầy Cường, thầy An vẫn không cho đó là vất vả, bởi “công việc của chúng tôi chỉ mang tính chất hỗ trợ, không quá nặng nhọc. Vất vả hơn vẫn là lực lượng chức năng. Tôi cũng không biết mình sẽ thực hiện nhiệm vụ đến lúc nào, nhưng anh em xác định khi nào thành phố hết lệnh phong tỏa thì mình mới nghỉ”.

 Đến thời điểm này, 100 giáo viên mới được UBND thành phố Vinh điều động đã được tăng cường về tất cả các điểm chốt trong thành phố. Đây là lực lượng khá đặc biệt, chủ yếu là giáo viên đang tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Bên cạnh đó, có một số trường hợp là chuyên viên phòng giáo dục, có người là hiệu phó của nhà trường như thầy Lê Quang Hùng – Trường Tiểu học Hưng Chính. Vì độ tuổi còn khá trẻ nên trong các giáo viên được tăng cường, hầu hết đều có con nhỏ, có người cả hai vợ chồng đều đang ở tuyến đầu như thầy giáo ở Trường THCS Đặng Thai Mai.

Trong số này cũng có những giáo viên nữ hoặc các nhân viên y tế được tăng cường cho các khu cách ly. Chị Lê Thị Thanh Hà – nhân viên y tế Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 tham gia trực chốt tại cầu Bến Thủy 1 từ ngày đầu thành phố Vinh thực hiện giãn cách xã hội: “Tôi và một đồng nghiệp khác ở Trường Tiểu học Trường Thi cùng trực với nhau, nhưng khối lượng công việc vẫn quá tải. Mỗi ngày trực 2 ca, ca ngày thì nắng nóng, ca đêm thì căng thẳng. Nhưng so với lực lượng tuyến đầu trong ngành, liên tục mặc đồ bảo hộ thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân... thì chúng tôi vẫn còn nhẹ việc hơn”.

Hai nhân viên y tế học đường tăng cường ở chốt cầu Bến Thủy. Ảnh: MH
Hai nhân viên y tế học đường tăng cường ở chốt cầu Bến Thủy. Ảnh: MH

Từ ngày tham gia chống dịch, việc nhà chị cũng phải nhờ cậy các con bởi chồng chị đi công tác xa. Trong khi đó,  con trai đang học lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng… Con gái chị hiện cũng theo nghề mẹ, tốt nghiệp ngành Y và đang làm tại Biện viện Bưu điện TP Hồ Chí Minh. Thời gian này, hai mẹ con trực liên tục nên không nói chuyện được nhiều. Tuy vậy, mỗi khi có dịp cả nhà chị lại tự động viên nhau: Gia đình ta cùng cố gắng, chỉ mong dịch bệnh qua đi, cuộc sống trở lại bình thường…

Những ngày này, thành phố Vinh vẫn tiếp tục nắng nóng… Và ở những chốt dịch, các lực lượng vẫn miệt mài, không ngại khó khăn, không ngại gian khổ với niềm tin ngày mai quê nhà sẽ bình an!.

tin mới

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.

Lớp 10

Thi lớp 10 ở thành phố Vinh: Cửa hẹp vào công lập

(Baonghean.vn) - Tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập là mong muốn của đông đảo phụ huynh, học sinh thành phố Vinh. Điều đó càng cấp thiết hơn khi năm nay, số lượng học sinh thi vào lớp 10 trên địa bàn tăng đột biến với hơn 800 em.