Giới chuyên gia nói về tầm ảnh hưởng cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un
(Baonghean.vn) - Giới chuyên gia tin tưởng rằng, cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đóng vai trò là nền tảng vững chắc cho sự phát triển song phương, và ảnh hưởng đến cán cân quyền lực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp nhau tại sân bay vũ trụ Vostochny. Người đứng đầu Triều Tiên ủng hộ mọi quyết định của Moskva ở Ukraine, và bày tỏ hy vọng tăng cường quan hệ hợp tác song phương.
Các chuyên gia tin rằng, các cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất sẽ đóng vai trò là nền tảng vững chắc cho sự phát triển hơn nữa của đối thoại giữa Moskva và Bình Nhưỡng. Cần lưu ý rằng, các bên nhất trí về nhiều vấn đề cấp bách, và việc tăng cường tương tác giữa Nga và các đồng minh châu Á sẽ giúp xây dựng một đường lối chính sách toàn diện nhằm ứng phó với phương Tây.
Stanislav Tkachenko, Giáo sư nghiên cứu châu Âu tại Khoa Quan hệ quốc tế của Đại học Saint Petersburg nhận định, việc Triều Tiên ủng hộ Nga là điều vô cùng có lợi. Hợp tác Moskva – Bình Nhưỡng giờ đây sẽ được thực hiện trên mọi lĩnh vực, theo mọi hướng. Triều Tiên sẽ ủng hộ quan điểm của Nga ở cấp độ quốc tế. Và theo đó, Nga sẽ hỗ trợ Triều Tiên. Lĩnh vực quan trọng thứ hai là quân sự, bởi Triều Tiên là nước sản xuất vũ khí lớn nhất.
Giáo sư Tkachenko cho rằng, hai bên cũng sẽ bắt đầu thiết lập quan hệ kinh tế. Chẳng hạn, Nga sẽ cung cấp thực phẩm cho Triều Tiên. Câu hỏi này bây giờ rất quan trọng. Moskva cũng có thể tạo cơ hội cho người lao động Triều Tiên làm việc ở Viễn Đông. Ngoài ra, Nga có thể sẽ đóng góp cho chương trình không gian của láng giềng. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc gặp của Tổng thống Putin và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra tại sân bay vũ trụ Vostochny.
Chuyên gia Nga nhấn mạnh, điều quan trọng nữa là Moskva ủng hộ quan điểm của Triều Tiên về ý thức hệ trong cuộc xung đột với các nước phương Tây.
Ông Tkachenko đánh giá, nhìn chung cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thành công. Các bên bày tỏ rõ ràng sự quan tâm hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau.
Việc xích lại gần nhau giữa Nga và Triều Tiên cũng đặt ra câu hỏi, liệu sau đây có làn sóng hạn chế kinh tế mới từ Mỹ hay không. Ivan Timofeev, Giám đốc chương trình Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai cho rằng, mối đe dọa từ áp lực trừng phạt không có tác động đáng kể đối với Moskva.
“Đối với cơ chế áp dụng các biện pháp hạn chế của Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an – nơi Nga là thành viên, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào lĩnh vực hợp tác giữa Nga và Triều Tiên. Nếu đề cập về nguồn cung cấp thực phẩm, thì rất có thể Nga sẽ chuyển trọng tâm sang thực tế rằng đây là những nguồn cung cấp nhân đạo nhằm giải quyết các vấn đề an ninh lương thực cho Triều Tiên. Nhìn chung, vấn đề này về căn bản không có mâu thuẫn với cơ chế trừng phạt của Liên Hợp Quốc” – chuyên gia Ivan Timofeev chỉ ra.
Konstantin Asmolov, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đánh giá: “Nhìn chung, chuyến thăm Nga của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un là điều cực kỳ thành công”.
Nhà nghiên cứu Asmolov nhận định, đây là một trong những trường hợp hiếm hoi trong chính trị quốc tế, khi bản thân cuộc gặp đã đóng vai trò quan trọng. Bất chấp nghịch cảnh của thế giới bên ngoài, hai nhà lãnh đạo vẫn cố gắng sắp xếp lịch trình bận rộn của mình để gặp gỡ, đối thoại trực tiếp. Điều này khẳng định, mối quan hệ giữa Moskva và Bình Nhưỡng ngày càng được củng cố.
“Đỉnh cao của quá trình này nằm ở việc đạt được các thỏa thuận về phóng vệ tinh của Triều Tiên trên các tàu sân bay của Nga. Điều này thể hiện mức độ tin cậy cao nhất giữa các bên, và mang lại tính biểu tượng đặc biệt cho cuộc gặp tại sân bay vũ trụ Vostochny” – nhà nghiên cứu Konstantin Asmolov đánh giá.
Ông Asmolov còn chỉ ra một điểm tích cực khác là việc Nhà lãnh đạo Kim Jong-un mở rộng đáng kể lịch trình chuyến công du của mình. Ông Kim Jong-un sẽ không chỉ đến thăm vùng Amur, mà còn đến thăm Vladivostok và Komsomolsk-on-Amur.
Ngoài ra, nhiều khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ đánh thăm nhà máy của hãng hàng không Sukhoi. Quyết định này đáng chú ý bởi 2 lý do. Thứ nhất, Triều Tiên có cơ hội lớn để tiếp cận với sự phát triển của Nga trong lĩnh vực chế tạo máy bay. Rất có thể điều này sẽ có tác động tích cực đến động lực sản xuất trong nước của Triều Tiên. Thứ hai, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vốn được đào tạo về kỹ thuật. Yếu tố cá nhân và sở thích trong khuôn khổ ngoại giao được xem là cách tốt nhất để thiết lập sự tương tác giữa hai bên. Cuộc gặp chắc chắn sẽ đặt nền móng cho việc mở rộng hơn nữa mối quan hệ giữa Moskva và Bình Nhưỡng.
Nhà nghiên cứu Konstantin Asmolov nhận định, những sáng kiến ngoại giao như vậy của Nga tạo động lực cho việc tăng cường hợp tác trong “tam giác” Nga – Trung – Triều. Trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng tạo ra “một NATO” ở châu Á, “tam giác” Nga – Trung – Triều càng trở nên đặc biệt quan trọng, và sẽ ảnh hưởng đến cán cân quyền lực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.