Giới trẻ Nghệ An với tình yêu quê hương, đất nước
Việc dạy Sử, học Sử luôn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của mỗi quốc gia, cũng như trong xây dựng, bồi dưỡng nhân cách của mỗi cá nhân. Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ Nghệ An, sinh ra và lớn lên trong "cái nôi" của các bậc chí nhân hào kiệt, học Sử còn là cách thức để gìn giữ bản sắc quê hương, truyền lại cho thế hệ mai sau niềm tự hào về mảnh đất địa linh.
Tìm hiểu, khám phá những di sản văn hóa của quê hương
Giáo dục hiện nay ngày càng chú trọng đến việc trải nghiệm thực tế, giúp học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn có cơ hội khám phá, phát triển kỹ năng và hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh. Nắm bắt xu thế ấy, nhiều trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tổ chức các buổi trải nghiệm, tham quan thực tế tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, hay tham gia các hoạt động triển lãm, trưng bày, tuyên truyền về những giá trị di sản văn hóa quý báu của địa phương.
Những hoạt động này góp phần giúp học sinh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; khơi dậy lòng tự hào, ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập.
Phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống
Những năm gần đây, các tiết mục biểu diễn sân khấu như văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hay các sự kiện âm nhạc lớn, quy mô toàn quốc đã và đang trở thành cơ hội để giới trẻ được bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước, ngợi ca những giá trị văn hóa đặc sắc của nước nhà thông qua nghệ thuật.
Giới trẻ Nghệ An cũng đã và đang bắt kịp với xu hướng ấy, chủ động, sáng tạo, tự tin đưa những nét đẹp của bản sắc dân tộc lên sân khấu. Sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại chính là minh chứng thể hiện rằng thế hệ trẻ đang hiểu rõ và trân trọng giá trị di sản văn hóa của dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Những màn biểu diễn sáng tạo không chỉ mang đến cho người xem những trải nghiệm mới mẻ, mà còn tạo ra cầu nối vững chắc giữa các thế hệ. Việc kết hợp nhạc cụ dân tộc như sáo, đàn tranh... với những thể loại âm nhạc hiện đại như rap, nhảy, hát, múa đương đại... đã phần nào giúp truyền tải những thông điệp về lòng yêu nước, về sức mạnh văn hóa dân tộc một cách dễ tiếp cận và gần gũi hơn với giới trẻ ngày nay.
Đặc biệt, sự sáng tạo này còn phản ánh khát khao của thế hệ trẻ về một Việt Nam “hòa nhập nhưng không hòa tan”, tiếp thu cái đổi thay của thời đại nhưng không làm mờ đi những giá trị cốt lõi của dân tộc.
Chính từ việc dung hòa giữa cái cũ và cái mới, các bạn trẻ không chỉ làm sống lại những giá trị truyền thống mà còn khẳng định rằng văn hóa dân tộc luôn có sức sống mạnh mẽ, có thể thích ứng và phát triển mạnh mẽ trong thời đại số và toàn cầu hóa.
Quảng bá di tích lịch sử văn hóa địa phương qua mạng xã hội
Trước sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, việc lập ra những trang Fanpage hay các hội, nhóm trên Facebook để tuyên truyền, cung cấp thông tin về di sản văn hóa dân tộc là điều dễ thấy trong cộng đồng người trẻ yêu nước tại Việt Nam. Và giới trẻ xứ Nghệ cũng không phải là ngoại lệ, khi thời gian gần đây, một trang fanpage mang tên “Trang Sử Xứ Nghệ - Nghe An Chronophile” được lập nên bởi các bạn học sinh trường THPT Chuyên Phan Bội Châu thu hút nhiều lượt quan tâm và theo dõi.
Người sáng lập Fanpage cho hay: “Chúng em sáng lập page với mục đích nâng cao tình yêu quê hương cho các bạn học sinh xứ Nghệ thông qua việc cung cấp tư liệu, hình ảnh về các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Page được viết bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh nhằm truyền tải nội dung đến với bạn bè trong nước và quốc tế một cách chính xác và chân thực nhất".
Về ý nghĩa của tên page, những người sáng lập chia sẻ: “Chrono là tiền tố trong Tiếng Anh, chỉ về thời gian, còn phile là hậu tố chỉ niềm đam mê, yêu thích. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng em đã quyết định để tên Tiếng Anh cho page là “Nghe An Chronophile” nhằm nói về sự say mê khám phá những nét đẹp văn hóa, lịch sử, những giá trị truyền thống của mảnh đất xứ Nghệ, nơi chúng em được sinh ra và lớn lên".
Trong khoảng thời gian vừa qua, page đã đăng tải không ít nội dung nói về các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh như Truông Bồn, Thành cổ Vinh,... và mới đây nhất, page đã khởi động chiến dịch “Chìa khóa di tích - Tìm hiểu di tích thông qua mã QR” được đông đảo các bạn trẻ đón nhận.
Tư liệu ẩn trong mã QR bao gồm thông tin, hình ảnh về gần 20 di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Điều này tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu về di tích lịch sử văn hóa mà không phải tra cứu ở nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Việc thành lập page và chiến dịch “Chìa khóa di tích - Tìm hiểu di tích thông qua mã QR” phần nào cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc tiếp nhận, giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của giới trẻ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Trước thách thức của thời đại, giới trẻ Nghệ An vẫn luôn gìn giữ, trân trọng, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa vẻ vang của quê hương, của dân tộc thông qua nhiều phương tiện khác nhau. Những nỗ lực đó không chỉ khẳng định tình yêu quê hương, mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng trẻ năng động, sáng tạo, giàu bản sắc và tự hào về lịch sử, văn hóa dân tộc trong thời đại hội nhập.