Giống cây trồng ngoại lấn át giống nội?

22/07/2017 07:35

Tình trạng gia tăng nhập khẩu giống cây một phần do các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực chọn tạo, sản xuất giống cây trồng còn hạn chế.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2016 Việt Nam đã nhập khẩu gần 150 nghìn tấn giống cây trồng, trong đó có hơn 7.000 tấn giống lúa, còn lại là các giống cỏ, ngô, rau, hoa và dưa hấu... Còn trong 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam cũng nhập khẩu hơn 4.800 tấn giống cây các loại, trong đó có gần 220 tấn giống lúa và chủ yếu là giống của Trung Quốc.

thieu nguon cung  giong cay trong dang phu thuoc rat lon vao viec nhap khau hinh 1
Chất lượng giống cây trồng trong nước đang dần phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhập khẩu. (Ảnh minh họa: KT)

Thời gian gần đây, TP HCM phát triển mạnh nghề trồng hoa lan và cây cảnh. Do vậy, riêng năm 2016 các nhà sản xuất trên địa bàn đã nhập khẩu khoảng 1,5 triệu cây giống lan các loại để phục vụ cho thị trường thành phố cũng như các tỉnh lân cận.

Ông Bùi Văn My, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TP HCM cho biết, hiện các công ty giống và trung tâm nghiên cứu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước.

“Giống lan ở Việt Nam dù vẫn lai tạo được giống mới, nhưng chất lượng bông không đẹp, số bông trên một cành ít. Một số giống cây khác cũng chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, trong khi người sản xuất lại căn cứ vào nhu cầu của người tiêu dùng muốn thay đổi mới liên tục nên nhu cầu nhập khẩu giống cây vẫn tăng”, ông My cho biết.

Trước tình trạng các nhà sản xuất và kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào giống nhập khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng, muốn giảm phụ thuộc nguồn giống nhập khẩu, Việt Nam phải từng bước nâng cao chất lượng chọn tạo giống và đầu tư hơn nữa kinh phí, nhân lực trong việc chọn tạo giống. Đây là việc không chỉ Nhà nước mà phải xã hội hóa và thu hút các doanh nghiệp tư nhân cùng làm.

TS. Lê Quí Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam cho rằng, năng suất một số loại giống cây trồng như ngô, lúa ở thị trường Trung Quốc và Mỹ, giống rau ở thị trường Đài Loan (Trung Quốc) khá tốt, nên nước ta thường nhập khẩu.

Không riêng gì nước ta, nhiều nước trên thế giới cũng phải nhập khẩu giống cây trồng. Tuy nhiên, việc nhập khẩu này sẽ dẫn tới độc quyền và phụ thuộc giống nhập khẩu. Trong khi Việt Nam năm nào cũng có những đề tài nghiên cứu về giống cây trồng nhưng lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học đang thiếu hụt.

“Trong mấy năm gần đây, nhiều công ty đa quốc gia đã trả lương cao nhằm thu hút những cán bộ kĩ thuật có kỹ năng của Việt Nam. Từ đó dẫn đến tình trạng cán bộ đầu đàn, cán bộ đầu ngành nghiên cứu về chế tạo giống của Việt Nam bây giờ không còn mạnh”, TS. Lê Quí Kha cho biết.

Hiện Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện tạo ra được những giống cây trồng chất lượng, điều quan trọng là phải tập trung vào nguồn nhân lực và phương thức tổ chức cho phù hợp. Lực lượng chuyên gia làm giống của Việt Nam cũng không thiếu và đã sản xuất được nhiều giống tốt.

Cụ thể là trong hơn 100 giống lúa tại khu vực ĐBSCL hiện nay, ít nhất có 4 giống có thể sản xuất gạo bán với mức giá từ 600 - 800 USD/tấn… Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là khi đã có giống tốt, khâu tổ chức quản lý, sản xuất, cơ giới hóa lại làm chưa tốt khiến cho nông sản làm ra kém sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nhiều vào nghiên cứu, tạo ra giống cây trồng tốt, đặc biệt là những giống cây ăn quả nổi bật đang là vấn đề rất đáng được quan tâm thực hiện.

“Điểm yếu cốt tử của giống cây ăn quả Việt Nam là chất lượng giống vẫn còn thấp nên trong thời gian tới vấn đề này sẽ được đưa vào công tác quản lý. Cục đang tăng cường giám sát quyền tác giả để làm sao quản lý được giống gốc, giống đầu dòng do chính tác giả đưa ra”, ông Sơn cho hay.

Các chuyên gia cho rằng, hiện Việt Nam chỉ có một số giống bản địa, nhưng một số nước có công nghệ tiên tiến đã lấy về cải tiến và đưa vào thương mại. Nhiều nguồn gen quý hiếm của Việt Nam đang ngày dần mất đi, bởi kinh phí cho việc chọn tạo giống của Việt Nam còn hạn chế, trong khi ở nước ngoài lại có nguồn lực khoa học công nghệ rất dồi dào.

Vì vậy, vấn đề bảo vệ bản quyền, thương hiệu nguồn giống rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu tiếp tục như thực tế hiện nay, Việt Nam sẽ mất hết các nguồn gen quý hiếm. Do đó, rất cần các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực chọn tạo, sản xuất giống cây trồng, nhất là các doanh nghiệp khoa học công nghệ./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Giống cây trồng ngoại lấn át giống nội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO