Giữ chân lao động: Kỳ cuối: Giải bài toán việc làm bền vững

Với trên 22.000 lao động về quê trong bối cảnh tỉnh đang cần nhân lực cho các dự án lớn sắp triển khai thì đây là một nguồn bổ sung cần cân nhắc. Tỉnh sẽ có giải pháp gì để kết nối, thu hút lao động ở lại quê hương làm việc? Ở chiều ngược lại, các lao động hồi hương phải làm gì để thích nghi với hoàn cảnh mới…

Trên tinh thần “chung sống” bằng chiến lược tiêm vắc-xin và 5K, Chính phủ đề nghị các địa phương phải xây dựng kịch bản, phương án để ứng phó với từng tình huống nhằm phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho người dân. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các địa phương đều thống nhất quan điểm sau khi dịch được đẩy lùi sẽ ưu tiên, tạo điều kiện để các lao động trở lại làm ăn, sinh sống.

Vì mục tiêu này, nên từ đầu năm 2021, tỉnh đã tổ chức Hội nghị kết nối cung – cầu lao động giữa ngành lao động, các trường nghề và các doanh nghiệp trong Ban Quản lý KKT Đông Nam và xúc tiến xây dựng đề án việc làm cập nhật đến nhu cầu của doanh nghiệp. Tại buổi góp ý vào Đề án phát triển doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh giai đoạn 2021-2025, đồng chí Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: nguồn nhân lực là một trong những thế mạnh, mời gọi thu hút đầu tư vào tỉnh. Vì vậy, các sở, ngành và doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề tại Nghệ An phải tích cực, nắm bắt cơ hội, hợp tác với nhau để từng bước tạo nguồn lao động phù hợp, không để doanh nghiệp vào đầu tư tại Nghệ An lại than phiền vì thiếu nhân lực.

Công nhân sản xuất cá hộp tại nhà máy Royal Foods (Khu kinh tế Đông Nam). Ảnh: Lâm Tùng
Công nhân sản xuất cá hộp tại nhà máy Royal Foods (Khu kinh tế Đông Nam). Ảnh: Lâm Tùng

Như trên đã đề cập, mỗi năm Nghệ An có từ 45.000 – 50.000 người bước vào tuổi lao động; đồng thời tạo việc làm mới cho từ 37.000 – 42.000 người. Tuy vậy, số liệu của ngành Lao động cũng cho thấy, thực chất số việc làm mới chủ yếu là đi ngoại tỉnh và giải quyết việc làm nội tỉnh chỉ khoảng 30%. Trong số lao động tìm được việc làm tại quê hương, không phải ai cũng đáp ứng được nhu cầu do nhà tuyển dụng đưa ra.

Ông Đặng Văn Lương – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nghi Lộc có cái nhìn khá lạc quan hơn: Nhờ có các dự án đầu tư nên trong 2 năm tới, huyện cần ít nhất 20.000 lao động, trong đó 16.000 lao động trong các KCN và 4.000 lao động tại các dự án của huyện. Phần lớn nhu cầu nhân lực liên quan đến lĩnh vực điện tử, dệt may là thuận lợi và cơ hội tốt cho lao động tự do xa quê Nghi Lộc về làm ăn, an cư. Ngoài ra, nếu dịch Covid-19 được đẩy lui thì thị trường xuất khẩu mở lại, lao động đi được hỗ trợ vốn vay sẽ thuận lợi hơn. Vấn đề là lao động phải thực sự cố gắng và nếu cần phải học chuyển đổi nghề nghiệp để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, để ổn định cuộc sống cho lao động về quê, trước mắt, tỉnh tạo điều kiện tối đa tiếp nhận con em hồi hương được học hành. Về phía ngành Lao động, ngoài việc trích ngân sách 2 tỷ đồng để hỗ trợ 1.000 hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn làm việc phía Nam về quê, tỉnh đang tích cực triển khai gói hỗ trợ cho các lao động thất nghiệp và lao động tự do mất việc làm theo Nghị quyết số 68-NQ/CP cho các lao động trên địa bàn.

Ngoài ra, trên cơ sở số lao động về, Sở đang giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp nhận hồ sơ giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, hướng dẫn lao động hỗ trợ chuyển đổi việc làm và kết nối tìm việc làm cho các lao động hồi hương.

Kết nối lao động học nghề với doanh nghiệp tuyển dụng tại Trường Cao đẳng công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: P.V
Kết nối lao động học nghề với doanh nghiệp tuyển dụng tại Trường Cao đẳng công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: P.V

Vào ngày 17/8/2021, Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý KKT Đông Nam và UBND các huyện, thành, thị tổ chức khảo sát, nắm tình hình số lao động về quê để sau khi chấp hành xong nghĩa vụ cách ly, nếu có nhu cầu tìm việc làm thì đăng ký chuyên môn nguyện vọng để Sở tổng hợp, giao Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối tìm kiếm việc làm cho các lao động nói chung, trong đó có lao động về quê.

Trước hết phải khẳng định, trong điều kiện bình thường, việc lao động ở vùng nông thôn dịch chuyển vào các đô thị lớn làm ăn là tất yếu khách quan và phổ biến không chỉ nước ta mà các nước cũng vậy. Tuy nhiên, do điều kiện dịch Covid-19 đang phức tạp, chưa biết khi nào chấm dứt nên làm thế nào để các lao động xa quê “bỏ phố về quê” để an cư là vấn đề đặt ra.

Trong khi khá nhiều lao động về quê đang chờ dịch ổn định để trở vào nơi cũ làm việc thì cũng có những người đã chuyển hướng khi thấy dịch bệnh kéo dài, bước đầu lo lắng tìm việc làm. Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, từ đầu năm 2021 đến nay, trung tâm đã nỗ lực kết nối, tìm kiếm được 42.000 vị trí việc làm, trong đó, 54 đơn vị nội tỉnh cần 10.000 lao động và 36 đơn vị ngoài tỉnh cần 32.359 lao động.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, phần lớn vị trí việc làm trên đều đi ngoại tỉnh, một số vị trí việc làm doanh nghiệp nội tỉnh thì có yêu cầu chuyên môn kỹ thuật và mang tính đặc thù cao nên cũng không dễ cho các lao động về quê lựa chọn. Theo các chuyên gia tuyển dụng lao động, với các lao động hồi hương làm nghề tự do thì nghề dệt may, điện tử hay giúp việc gia đình là phù hợp nhất. Các nghề trên cần nhiều lao động, nhất là lao động trẻ chỉ cần chịu khó, tập làm quen vài chục ngày trên dây chuyền là được.

Vấn đề là khi vào lao động trong nhà xưởng, các lao động phải chấp hành ý thức kỷ luật và giờ giấc – một thử thách với lao động tự do thì mới trụ được và thu nhập và ngày công mới đảm bảo. Được biết, hiện Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp với Ban Quản lý KKT nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và chỉ đạo các huyện khảo sát, nắm nhu cầu của lao động con em về quê.

Test nhanh covid-19 đối với lao động trở về từ miền Nam. Ảnh: Quang An
Test nhanh covid-19 đối với lao động trở về từ miền Nam. Ảnh: Quang An

Tại huyện Quế Phong, ông Dương Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện cho biết: Phương án ưu tiên của huyện Quế Phong là vận động lao động giữ liên lạc kết nối với đơn vị, doanh nghiệp cũ để ngay sau khi dịch đẩy lui, huyện ưu tiên và sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để đưa lao động vào nơi làm việc cũ. Nếu lao động nào có nhu cầu ở lại thì huyện sẽ kết nối với các trung tâm dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm trong nội tỉnh; phối hợp với các trường dạy nghề chuyển đổi nghề cho lao động.

Trong khi đó, tại huyện vùng cao Kỳ Sơn, với trên 4.000 lao động về quê nên cùng với chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH và các xã thống kê nắm bắt nhu cầu, khả năng của lao động, huyện đang huy động nguồn lực từ xã hội hóa để hỗ trợ phát triển các mô hình cây, con là thế mạnh nông, lâm của huyện; tiếp tục rà soát lại quỹ đất rừng chưa quản lý để kiến nghị tỉnh giao cho các hộ có lao động về quê được quản lý, chăm sóc.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Sinh – Tổng Giám đốc Công ty May Minh Anh Kim Liên cho biết: Để giữ vững sản xuất và đảm bảo các đơn hàng, công ty đang cần nhiều lao động cho nhà máy tại 2 huyện Đô Lương và Tân Kỳ. So với các nhà máy khác, điều kiện làm việc và lương thưởng của công ty khá hơn và mọi chế độ công ty đều công khai với người lao động khi đến tuyển dụng.

Tương tự, ông Phạm Văn Lương – Giám đốc Công ty May Nam Thuận bộc bạch: Dự án đầu tư là sự cam kết của mình với lãnh đạo tỉnh tại Hội nghị thu hút đầu tư phía Nam nhằm tạo việc làm cho con em Nghệ An. Hiện tại, do dịch nên công ty phải giảm công suất và lao động từ 800 xuống còn 200 người. Sắp tới, nếu dịch bệnh được kiểm soát và công ty hoạt động trở lại có thể tuyển tối đa 1.300 lao động, con em trong vùng đảm bảo sức khỏe thì đến thẳng công ty để xin phỏng vấn, đạt thì nhận ngay.

Nhu cầu nhân lực tại các Nhà máy trong KCN Nam Cấm, WHA hay VSIP nhiều nhưng rất ít lao động đáp ứng vì yêu cầu chuyên môn. Ảnh: Nguyễn Hải – Lâm Tùng
Nhu cầu nhân lực tại các Nhà máy trong KCN Nam Cấm, WHA hay VSIP nhiều nhưng rất ít lao động đáp ứng vì yêu cầu chuyên môn. Ảnh: Nguyễn Hải – Lâm Tùng

Ngoài các dự án trên, các dự án dệt may khác hiện tại do dịch phải cắt giảm nhân công, ngừng sản xuất sau dịch tiếp tục khôi phục và mở rộng sản xuất cũng cần trên 20.000 lao động; bên cạnh đó là các dự án lắp ráp điện tử tại VSIP Hưng Nguyên, WHA.N01, KCN Hoàng Mai 1 đi vào hoạt động. Cụ thể, từ nay đến năm 2022, tỉnh cần thêm khoảng 20.000 và đến năm 2025 cần khoảng 50.000 lao động, trong đó, Dự án Luxshare cần 6.000 trên tổng nhu cầu 20.000 lao động; Dự án Goertek Vina cần 5.000 trên tổng nhu cầu 30.000 lao động; Dự án Everwin đăng ký tuyển 14.000 lao động. KCN Hoàng Mai 1 đăng ký thu hút 30.000 lao động. Đây là cơ hội không thể tốt hơn cho các lao động có nghề may hay điện tử từ miền Nam trở về.

Sắp tới, tỉnh đang tập trung thu hút được một số dự án lớn và đang rất cần nhân lực lao động bao gồm cả chuyên môn tay nghề và lao động tự do. Xu thế lao động ra các đô thị, KCN lớn có thu nhập cao là tốt nhưng điều kiện đi lại khó khăn và dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, chưa biết các địa phương trên mới trở lại trạng thái bình thường và có tiếp nhận lại lao động ngoại tỉnh. Vì vậy, nếu có việc làm ổn định tại quê hương, dù trước mắt thu nhập có thể thấp hơn nhưng an sinh xã hội sẽ tốt hơn, con cái sẽ được học hành, chăm sóc chu đáo hơn. Đây là điều các lao động xa quê cần cân nhắc, lựa chọn thay vì nhất nhất phải tha hương, ly hương làm ăn. – Ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết thêm.