Giữ lửa cho làng nghề bánh đa ở Thanh Chương

19/04/2017 15:12

(Baonghean.vn)- Làng Vịnh xã Thanh Tường (Thanh Chương) từ lâu nổi tiếng với nghề bánh đa truyền thống. Bánh đa có chất lượng thơm ngon không chỉ trong tỉnh mà còn được khách hàng nhiều vùng, miền ưa thích.

Đã hơn 43 năm nay, bà Nguyễn Thị Bình ở xóm 4, xã Thanh Tường (Thanh Chương) đều dậy từ 3 giờ sáng để làm bánh đa, cái nghề truyền nối từ nhiều đời đang được bà và nhiều người dân gìn giữ, phát triển.

Bà Bình cho biết,làm bánh đa phải thức khuya, dậy sớm và chỉ thực hiện khi trời nắng, nắng càng to càng vất vả. Ngoài yếu tố thời tiết nghề này còn cần nhiều yếu tố kỹ thuật từ khâu chọn gạo, xay bột, thêm gia vị, tráng, phơi. Bánh đa ở đây làm từ gạo Khang Dân, sau khi ngâm vài giờ, gạo được đưa vào máy xay nhỏ; trước kia đây là công đoạn tốn sức nhất vì phải xay bằng cối đá. Sau khi xay gạo trộn thêm vừng đen, gia vị tiêu, tỏi, bột nêm, mì chính...

Cứ 10 kg gạo thì trộn 3kg vừng, các loại gia vị được gia giảm tùy vào bí quyết của mỗi nhà nghề. Một yêu cầu cũng cần đến kỹ thuật là độ đặc, loãng của bột lúc tráng bánh. Nếu bột đặc quá thì khó tráng, bột loãng bánh sẽ mỏng.

Làng nghề bánh đa truyền thống ở Thanh Chương. Ảnh Trần Đình Hà
Cứ 10 kg gạo thì trộn 3kg vừng, các loại gia vị được gia giảm tùy vào bí quyết của mỗi nhà nghề. Ảnh: Trần Đình Hà

Hàng ngày, người làm nghề dậy từ 3 giờ sáng ngâm gạo, xay bột và từ 6 giờ bắt đầu tráng bánh. Sau đó đưa đi phơi, chừng 1 tiếng sau lại phải trở, sau 4 - 5 tiếng là khô. Bánh nếu phơi quá khô sẽ cong giòn, dễ gãy, khó ép phẳng. Nếu phơi chưa đạt bánh dễ bị mốc. Bánh sau khi phơi về để nguyên trên phên, xếp chồng lên nhau, ép 1 vật nặng chừng vài giờ cho phẳng, sau đó mới gỡ ra, xếp lại và đóng gói.

Theo chị Nguyễn Thị Loan - một nghệ nhân có tiếng của làng nghề, bánh đa làng Vịnh không chỉ tiêu thụ trong trong tỉnh mà còn xuất bán ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, kể cả nước ngoài. Khách hàng mỗi vùng có sở thích riêng; như khách Vinh yêu cầu đường kính chiếc bánh khoảng 18 cm, khách các tỉnh phía Bắc và miền Nam lại thích bánh to hơn (từ 20 - 22 cm) nên hàng ngày, ngoài việc tráng bánh còn phải cân đối các đơn đặt hàng để đáp ứng nhu cầu của khách.

Làng nghề bánh đa truyền thống ở Thanh Chương. Ảnh Trần Đình Hà
Sau khi tráng phải đưa bánh đi phơi nắng ngay; khi phơi khoảng 1 tiếng phải lật trở để bánh khô đều. Ảnh Trần Đình Hà

Bình quân mỗi ngày một lò bánh sản xuất được khoảng 2.500 - 3.000 chiếc bánh, trừ chi phí thu lãi khoảng 1.000 đồng/chiếc. Tuy lãi không cao nhưng vào mùa hè trời nắng làm được nhiều, nghề bánh đa cũng góp phần nâng cao thu nhập.

Theo ông Lưu Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Thanh Tường: Hiện nay ở làng Vịnh có 51 hộ với 170 lao động chuyên làm nghề bánh đa. Họ chính là những người giữ lửa cho làng nghề, tạo thu nhập chính cho làng. Từ bánh đa, các hộ đều xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học, trưởng thành.

Làng nghề bánh đa truyền thống ở Thanh Chương. Ảnh Trần Đình Hà
Bánh đa làng Vịnh được gửi theo các chuyến xe khách đến với khách hàng mọi miền đất nước. Ảnh Trần Đình Hà.

Trên cơ sở truyền thống và kết quả sản xuất của làng, năm 2006, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định công nhận làng nghề bún, bánh làng Vịnh xã Thanh Tường. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường làng nghề đang đứng trước thách thức không nhỏ. Trên thực tế, đã được tiêu thụ ở khắp nơi nhưng vẫn tự phát, sản phẩm chưa có thị trường tiêu thụ ổn định.

Từ khi được công nhận làng nghề, chính quyền cũng như ngành chức năng các cấp chưa có sự hỗ trợ, chủ yếu do người làm nghề tự vận động. Các hộ làm nghề bánh đa Thanh Tường đang cần được đầu tư nhà xưởng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm để có thể "giữ lửa" nghề.

Trần Đình Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Giữ lửa cho làng nghề bánh đa ở Thanh Chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO