Giữ lửa đam mê
(Baonghean) - Là một vận động viên bóng chuyền từng giành nhiều Huy chương Vàng, huy chương Bạc tại các giải đấu toàn quốc nhưng vận động viên Hà Thị Ngân lại không đi theo con đường chuyên nghiệp mà chọn làm giáo viên thể dục của trường Tiểu học Môn Sơn 1 (Con Cuông) - một điểm trường thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Con Cuông.
Mấy ngày liền trời mưa liên tiếp khiến con đường vào bản Thái Sơn, nơi đứng chân của Trường Tiểu học Môn Sơn 1 trở nên lầy lội. Quãng đường vào trường chỉ chừng 5 cây số nhưng gần một nửa chúng tôi phải vừa đi, vừa dắt bộ. Đến nơi, đúng vào Ngày Nhà giáo Việt Nam nên các thầy, cô trong trường vui lắm. Riêng cô giáo Hà Thị Ngân thì ngại ngùng: “Trường có bao nhiêu điển hình, mình chỉ là cô giáo thể dục thôi mà”.
Với chiều cao gần 1m 75, lại là dân thể thao chính hiệu nên trông cô Hà Thị Ngân thật lóng ngóng trong bộ áo dài. Ngay cả cách nói chuyện cũng nhút nhát, e dè. Chỉ có khi nói đến thể thao, đến bộ môn đẩy gậy, bóng chuyền, kéo co cô Ngân mới trở về đúng với bản tính của mình. Hà Thị Ngân “bén duyên” với thể thao từ khi còn là cô nữ sinh cấp III của Trường THPT DTNT Mường Quạ. Hồi đó, Ngân có chiều cao lại có năng khiếu về môn thể dục nên nhà trường cử Ngân tham dự Đại hội TDTT của xã. Với thành tích Huy chương Vàng ở môn đẩy gậy, Ngân tiếp tục được chọn đi dự Đại hội TDTT của huyện rồi của tỉnh. Dù chỉ là vận động viên nghiệp dư nhưng ở giải đấu nào Ngân cũng đạt giải cao.
Cô giáo Hà Thị Ngân bên các học trò trong Ngày Nhà giáo Việt Nam. |
Khởi nghiệp với môn đẩy gậy nhưng sau đó Ngân lại gắn bó lâu hơn ở đội tuyển bóng chuyền nữ “chắc cũng vì em có chiều cao”, Ngân cho biết. Đây là một bộ môn hoàn toàn khác so với sở trường lâu nay của Ngân. Vì ngoài thể lực, Ngân còn phải dành nhiều thời gian để học về kỹ thuật, khả năng phối hợp đồng đội. Rất may, đội tuyển của Ngân có tới 3 người bạn cùng quê, chị em trong đội cũng đa phần từ miền núi xuống nên dễ hiểu, dễ thông cảm.
Sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý đó giúp đội tuyển bóng chuyền nữ dành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác, thành tích xuất sắc nhất là ba lần liên tiếp dành Huy chương Vàng tại Đại hội Thể dục thể thao dân tộc thiểu số năm 2007 – 2009 – 2011. Riêng tại Đại hội tổ chức năm 2007, ngoài Huy chương Vàng môn bóng chuyền, Ngân còn tham gia môn kéo co và dành thêm một Huy chương Đồng nữa.
Đang thời kỳ thi đấu sung sức thì Ngân thi đậu vào Trường Cao đẳng sư phạm. Ra trường, Ngân xin về Môn Sơn, nơi em sinh ra và lớn lên để làm cô giáo. Một tuần, ngoài 14 tiết dạy ở điểm trường chính, Ngân còn 2 buổi khác đi bộ hơn một tiếng đồng hồ vào bản Yên để dạy cho các em ở điểm lẻ. Được ban giám hiệu ủng hộ, nhà trường đều tạo điều kiện nên các giải đấu từ huyện cho đến tỉnh Ngân đều được tham gia.
Bên cạnh đó, Ngân cũng tích cực tuyển chọn và đào tạo những học sinh có năng khiếu, thế nên từ ngày Ngân về dạy ở trường, thành tích thể dục thể thao của nhà trường được cải thiện rõ rệt. Mới đây trường đoạt giải Ba môn Bóng đá tại Hội khỏe Phù Đổng của huyện. Với Ngân, nghề thể thao và nghề giáo viên tuy là hai nghề khác nhau nhưng lại bổ trợ cho nhau nhiều. Ví như, nhờ đi thi đấu nhiều, được cọ xát với nhiều đội tuyển, được gặp gỡ nhiều vận động viên nên tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm cho giảng dạy. Ngược lại, nghề giáo viên với tính kỷ luật cao lại tạo sự cẩn thận, không vội vàng, không hấp tấp trong thi đấu.
Những giải đấu, những chuyến giao lưu cũng giúp Ngân gặp được chồng là một nhân viên kiểm lâm làm việc tại Trạm Pù Mát. Hạnh phúc càng trọn vẹn hơn khi Ngân được bố mẹ hai bên ủng hộ. Có những giải đấu như Giải Đại hội Thể dục thể thao dân tộc thiểu số năm 2011, khi đó con trai còn nhỏ, để tạo điều kiện cho con dâu đi thi đấu, mẹ chồng Ngân còn cùng Ngân ra tận Yên Bái để chăm cháu. Có những đợt tập huấn kéo dài từ 2 tuần đến 1 tháng, gia đình nội, ngoại lại thay nhau giữ cháu để Ngân yên tâm luyện tập. Thuận lợi như vậy nên, dù có theo nghề giáo viên nhưng Ngân vẫn sẽ cống hiến cho thể thao, sẽ cố gắng cho thành tích thể thao của tỉnh…
Bài, ảnh: Mỹ Hà