'Giữ lửa' nghề đan ở bản Diềm

Đình Tuyên 12/05/2023 08:48

(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, nghề mây, tre đan đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông). Không chỉ vậy, nghề còn góp phần lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông nằm giữa đại ngàn, khu vực biên giới Việt - Lào. Nơi đây có hơn 150 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và Đan Lai sinh sống. Tận dụng nguồn nguyên liệu từ rừng với các loại cây mây, tre, bà con bản Diềm đã tạo ra những vật dụng phục vụ cho cuộc sống thường ngày như rổ, rá, thúng, mủng… và mang bán khắp nơi. Tuy nhiên, có thời điểm làm ra không bán được, vì thế, nhiều người trong bản đã phải đổi nghề để mưu sinh. Ảnh: Đình Tuyên

Trước thực tế đó, với mong muốn giữ lại nghề truyền thống của bản làng, các cao niên và bà con trong bản không ngừng học hỏi, hoàn thiện sản phẩm của mình, đồng thời, nghiên cứu những mẫu mã mới, đa dạng hóa sản phẩm. Ảnh: Đình Tuyên

Hiện nay, những sản phẩm đan lát ở bản Diềm đang dần có mặt tại các hội chợ thương mại lớn, các triển lãm từ trong tỉnh đến Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… và đặc biệt, hiện nay đã có những đơn hàng sang các nước như Nhật Bản, Pháp, Đức... Ảnh: Đình Tuyên

Dù đã 64 tuổi, nhưng đôi tay bà Lưu Thị Hải vẫn thoăn thoắt đan những sợi mây rất điêu luyện để tạo nên những sản phẩm đẹp. Ảnh: Đình Tuyên

Nguyên liệu tự nhiên, nhuộm màu tự nhiên và hoàn toàn thủ công trong khâu đan lát đã tạo nên sự khác biệt của sản phẩm mây, tre đan bản Diềm. Họ dùng những củ, cây rừng như: cây phang, săng vì, củ nâu, củ nghệ... để nhuộm màu cho những sợi tre, mây trước khi đan thành sản phẩm. Ảnh: Đình Tuyên

Những đường nét hoa văn vô cùng độc đáo trong từng sản phẩm chính là những hoa văn trên trang phục của đồng bào dân tộc Thái nơi đây, chính vì vậy, ngoài giá trị sử dụng, các sản phẩm còn có giá trị thẩm mỹ, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Đình Tuyên

Ông Vy Hùng Thiện (dân tộc Thái) cho biết: Để có được sản phẩm ưng ý, người làm nghề phải rất kỹ càng từ khâu chọn lựa và sơ chế nguyên liệu. Các sản phẩm ông Thiện thường làm là ghế mây, mâm mây, rổ,... "để làm một chiếc ghế mây từ khâu chọn mây, uốn, đan và hoàn thiện tôi phải làm mất 3 ngày và phải mất đến 5 ngày để hoàn thành 1 cái bàn mây. Trung bình mỗi tháng cho tôi thu nhập từ 3 triệu đồng, có những tháng cao điểm có thể lên đến 4 triệu đồng, với mức thu nhập đó đủ để gia đình tôi chi tiêu và trang trải trong cuộc sống. Tôi luôn mong muốn có thể giữ gìn và phát huy được bản sắc của làng nghề ở bản mình, vì những năm gần đây nghề mây, tre đan mang lại thu nhập ổn định cho những người già như chúng tôi", ông Thiện chia sẻ thêm. Ảnh: Đình Tuyên

Từ một nghề có nguy cơ mai một, nhưng giờ đây, nghề mây, tre đan đã mang lại thu nhập khá cho những người già ở bản Diềm, với đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo không ngừng, những bậc cao niên ở miền Trà Lân đã tạo ra những sản phẩm mây, tre đan tinh xảo. Không chỉ cho thu nhập ổn định, nghề đan lát còn góp phần gìn giữ bản sắc của dân tộc. Ảnh: Đình Tuyên

Mới nhất

x
'Giữ lửa' nghề đan ở bản Diềm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO