Tướng Lê Văn Cương dự báo điều kiện đánh đổi giữa Kim Jong-un và Donald Trump

Chí Linh Sơn 07/04/2018 16:47

(Baonghean.vn) - Dư luận quốc tế thường xuyên theo dõi mối quan hệ giữa Triều Tiên - Hoa Kỳ và nóng lòng chờ cuộc gặp có thể diễn ra vào tháng 5 năm 2018. Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Khoa học Bộ Công an về một số vấn đề liên quan.

Pv:Thưa thiếu tướng, ông có thể lý giải vì sao Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không chính thức công khai mời Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp mặt qua con đường ngoại giao trực tiếp của hai nước, mà lại gửi lời mời qua đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in? Liệu có diễn ra cuộc gặp giữa Kim Jong-un và Donald Trump vào tháng 5?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng là Kim Jong-un không công khai tuyên bố mời gặp Donald Trump, mà lại nhắn gửi qua đặc phái viên của Tổng thống Moon Jae - in. Tôi cho đây là động thái ngoại giao khá khôn ngoan, kín kẽ. Nếu Kim Jong - un công khai mời Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp, lỡ ông Donald Trump không nhận lời thì sao?

Điều thứ hai, với lời mời không chính thức, ông Kim Jong-un còn có đủ thời gian để thăm dò phản ứng các bên như Trung Quốc, Nga... Việc không mời công khai chính thức mà nhắn qua người khác là biện pháp ngoại giao thông minh, vừa biết tiến vừa biết lùi.

Pv: Theo ông, liệu có đảm bảo chắc chắn sẽ có cuộc gặp giữa Kim Jong-un và Donald Trump vào tháng 5 này không?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh BBC
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh BBC

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đến giờ phút này không thể nói chắc chắn sẽ có cuộc gặp, mà theo tôi khả năng chỉ 50/50 thôi. Nếu từ nay đến tháng năm, bản thân Donald Trump và các nhân vật thân cận, không có ai có những phát biểu nào làm cho Kim Jong-un thấy bị xúc phạm. Và cuộc tập trận Mỹ - Hàn Quốc diễn ra trong phạm vi, quy mô mức độ mà ông Kim Jong-un thấy rằng cũng không có gì trực tiếp đe dọa. Tức là không có gì đột biến, thì cuộc gặp có thể xảy ra, nhưng chỉ cần một sơ suất, một quan chức Mỹ phát biểu mà ông Kim Jong-un cảm thấy bị xúc phạm thì ông sẽ từ bỏ cuộc gặp ngay.

Đây là tính cách của người Triều Tiên, họ rất trọng danh dự, không bao giờ bị người khác xem thường. Do đó, khả năng gặp là 50/50. Thế giới hy vọng sẽ có cuộc gặp. Vì thế chính quyền Mỹ trong phát ngôn phải thận trọng.

Pv: Giả sử có cuộc gặp giữa Kim Jong-un và Donald Trump thì theo thiếu tướng họ sẽ bàn nội dung gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là vấn đề khó, nhưng không thể không dự báo. Nếu có cuộc gặp thì Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ có yêu cầu nhất quán là đưa ra yêu cầu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và chương trình tên lửa đạn đạo. Bất cứ một Tổng thống Mỹ nào, quan chức Mỹ nào, lúc nào, chỗ nào cũng phải nói điều này ra.

Đổi lại, ông Kim Jong-un có lẽ cũng sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của Tổng thống Mỹ, với điều kiện là Mỹ phải triệt thoái toàn bộ căn cứ quân sự Mỹ và 20 nghìn quân Mỹ ở Hàn Quốc, toàn bộ căn cứ quân sự Mỹ và 48 nghìn quân Mỹ ở Nhật Bản. Đặc biệt là phải rút ngay hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc. Nếu Kim Jong Un đặt ra vấn đề như vậy thì cũng công bằng, gọi là có đi có lại. Như vậy là 1 đổi 1, không thể một bên mất trắng, một bên được tất cả.

Vậy, hóa ra Kim Jong-un đã đẩy Donald Trump vào thế hoàn toàn bị động, và quả bóng lại lăn về phía Hoa Kỳ vì ông Kim toàn quyền có thể quyết định từ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân, tên lửa đạn đạo. Nhưng ông Donald Trump không hoàn toàn có quyền rút quân và rút căn cứ khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản, bởi việc này phải thông qua quốc hội. Tôi cho đây là việc làm khôn ngoan. Như vậy, sau cuộc gặp này vấn đề sẽ chuyển trọng tâm sang Hòa Kỳ, cuộc chơi trở về số không. Donald Trump sẽ bị đưa vào thế bí, còn ông Kim Jong-un ở vào thế chủ động, đẩy siêu cường Mỹ vào thế bí. Đây là bài toán chính trị ngoại giao cực kỳ khôn ngoan của Kim Jong-un, khả năng diễn vào tháng 5 thì nội dung khả năng sẽ diễn ra như vậy.

Kết thúc cuộc gặp sẽ làm cho vai trò, vị thế của ông Kim Jong-un được củng cố cao hơn, và người ta sẽ nhìn Triều Tiên bằng con mắt khác. Nếu cuộc gặp xảy ra thì Triều Tiên sẽ có lợi nhiều hơn. Còn người được lợi nhiều nhất là Trung Quốc. Vì Trung Quốc có mong muốn cháy bỏng là Mỹ triệt thoái toàn bộ căn cứ quân sự, lính Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Nên cuộc gặp này, bên giành thắng lợi chính là Trung Quốc.

Pv: Thưa ông liệu sau cuộc gặp xảy ra vào tháng 5, Triều Tiên có chuyển sang bước ngoặt mới. Hòa bình sẽ thống trị, trạng thái căng thẳng như năm 2017 không xảy ra nữa?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Dù cuộc gặp có thể diễn ra, cũng không thể phán đoán sau cuộc gặp này Triều Tiên chuyển sang trạng thái hoàn toàn khác? Tất nhiên biện pháp đối thoại sẽ mở ra thời kỳ mới. Điều này phù hợp với xu thế quốc tế, phù hợp với xu thế hợp tác ở khu vực Đông Bắc Á nói riêng, thế giới nói chung.

Thậm chí sau cuộc gặp với ông Donald Trump, ông Kim Jong-un có thể tính đến cuộc gặp với ông Shinzo Abe – Thủ tướng Nhật. Tuy nhiên điều này không có nghĩa sau cuộc gặp này Triều Tiên chuyển sang trạng thái hoàn toàn khác, tức là chỉ đối thoại hòa bình, tôi cho rằng không hoàn toàn đơn giản như vậy.

Các kênh đối thoại hòa bình có thể được mở ra. Triều Tiên sẽ có cuộc ngoại giao con thoi liên tục, song phương và đa phương, nhưng chuyện ổn định không chỉ phụ thuộc vào Triều Tiên mà còn phụ thuộc vào hành động ứng xử của Mỹ nữa.

Nếu Mỹ vẫn tiến hành bao vây cấm vận trừng phạt nghiệt ngã, tập trận lớn hơn, thì chắc chắn Triều Tiên không chịu ngồi yên mà họ tiếp tục thử vũ khí hạt nhân, vũ khí đạn đạo. Bán đảo Triều Tiên ở trong trạng thái xen kẽ những thuận lợi và căng thẳng.

Sau cuộc gặp này các kênh đối thoại song phương, đa phương sẽ mở ra nhiều hơn. Bán đảo Triều Tiên sẽ tương đối ổn định và hòa dịu hơn. Các nguy cơ căng thẳng vẫn có thể diễn ra nhưng dù sao cũng không căng thẳng như năm 2017.

Pv: Cảm ơn Thiếu tướng Lê Văn Cương!

Mới nhất

x
Tướng Lê Văn Cương dự báo điều kiện đánh đổi giữa Kim Jong-un và Donald Trump
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO