Giữ nguyên mức án 20 năm tù giam, 5 năm quản chế đối với Lê Đình Lượng

Nhóm phóng viên 18/10/2018 12:45

(Baonghean.vn) -Qua quá trình xét xử, Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm nhận định việc tòa án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Lê Đình Lượng về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan của Lê Đình Lượng.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm
Toàn cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm.

Sáng 18/10/2018, tại TP. Vinh, Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án Lê Đình Lượng phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Trước đó, ngày 16/8/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án Lê Đình Lượng (sinh 10/12/1965, thường trú tại xã Hợp Thành, huyện Yên Thành) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Qua quá trình xét xử tại phiên sơ thẩm, nhận thấy đây là đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức khủng bố “Việt Tân”, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Lê Đình Lượng 20 năm tù, 5 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, quy định tại Điều 79, Bộ Luật hình sự năm 1999.

Cho rằng mình bị oan, Lê Đình Lượng đã làm đơn kháng cáo bản án phiên sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã tiến hành xét hỏi bị cáo, xem xét, đánh giá những tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án để làm sáng tỏ, đầy đủ các tình tiết về từng sự việc, từng tội của vụ án.

Bị cáo Lê Đình Lượng và các luật sư bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm
Bị cáo Lê Đình Lượng và các luật sư bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm

Quá trình xét xử tại phiên phúc thẩm tiếp tục làm rõ Lê Đình Lượng là đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức khủng bố “Việt Tân”; là đối tượng tích cực tuyên truyền, lôi kéo các đối tượng có tư tưởng chống đối trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia vào tổ chức Việt Tân. Lê Đình Lượng đã rủ rê Nguyễn Văn Hóa (trú tại Kỳ Anh-Hà Tĩnh) vượt biên sang Lào, Campuchia tham gia tập huấn các lớp đào tạo của Việt Tân về “vai trò người lãnh đạo” và “truyền thông báo chí”, do các đối tượng cầm đầu tổ chức Việt Tân dạy, huấn luyện kỹ năng đấu tranh bất bạo động tại Việt Nam.

Ngoài hành vi dụ dỗ, tuyên truyền, lôi kéo, giới thiệu Nguyễn Văn Hóa vào tổ chức Việt Tân, căn cứ các tài liệu được thu thập trong hồ sơ vụ án, đã làm rõ từ năm 2010 đến 2017, Lê Đình Lượng còn rủ rê, lôi kéo, dụ dỗ một số người khác như: Nguyễn Văn Oai, Đinh Hữu Toàn, Ngô Văn Mai, Nguyễn Viết Dũng... tham gia vào tổ chức Việt Tân, nhằm mục đích chống lại Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Lê Đình Lượng
Lê Đình Lượng đã nhiều lần kích động, tham gia chống phá, xuyên tạc, phỉ báng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Lê Đình Lượng đã nhiều lần kích động người dân và trực tiếp tham gia các hoạt động chống đối xảy ra trên địa bàn Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An) như: kích động tụ tập một số người mang băng rôn, khẩu hiệu có nội dung phản động, chống đối để quay phim, chụp ảnh và tung lên mạng internet; tổ chức hát các bài hát phản động tự chế tung lên mạng; kêu gọi việc tẩy chay cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Lợi dụng cái gọi là "bảo vệ môi trường", Lê Đình Lượng cùng một số đối tượng phản động, chống đối khác đã kích động tuần hành, biểu tình phản đối Formosa gây mất an ninh, trật tự, ách tắc giao thông trên một số tuyến đường trọng điểm; cung cấp kinh phí, phương tiện cho một số đối tượng phản động, chống đối phục vụ tuần hành, biểu tình, gây mất an ninh, trật tự tại Hà Tĩnh, Quảng Bình…

Đặc biệt, thông qua Facebook cá nhân “Lỗ Ngọc” của mình, Lê Đình Lượng đã có nhiều bài viết với nội dung tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, phỉ báng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ; gây phức tạp về an ninh, trật tự tại địa phương.

Hành vi tuyển mộ người tham gia tổ chức khủng bố Việt Tân do Lê Đình Lượng thực hiện đi kèm với việc tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là một chuỗi hoạt động xuyên suốt, thể hiện rõ động cơ, mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Quá trình tranh tụng tại phiên phúc thẩm đã làm rõ, các tài liệu, chứng cứ trong vụ án này được thu thập một cách khách quan, toàn diện, đúng trình tự quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Các lời khai của bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng trong vụ việc đều phù hợp với thời gian, không gian, địa điểm, các tình tiết trong vụ án và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác, phù hợp với kết quả giám định của cơ quan chuyên môn.

Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên án
Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên án.

Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm nhận định việc tòa án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Lê Đình Lượng 20 năm tù giam, 5 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, quy định tại Điều 79 Bộ Luật hình sự năm 1999, là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan của Lê Đình Lượng.

Tại phiên tòa, Lê Đình Lượng và các luật sư cũng không có thêm các chứng cứ, tình tiết mới nhằm giảm nhẹ tội danh cho bị cáo, nên Hội đồng xét xử quyết định giữ nguyên tội danh, hình phạt 20 năm tù giam, 5 năm quản chế đối với Lê Đình Lượng.

Bản án được đông đảo người tham dự phiên tòa đồng tình cao, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật với những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam và là cái kết thích đáng với những kẻ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Đây cũng là lời răn đe, cảnh tỉnh với những người còn có tư tưởng và dã tâm chống phá Đảng, Nhà nước ta - nhà nước của dân, do dân và vì dân!

Giữ nguyên mức án 20 năm tù giam, 5 năm quản chế đối với Lê Đình Lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO