Giúp người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống
(Baonghean.vn) - Chia sẻ nỗi đau mất mát với thị xã Hoàng Mai, trong ngày 1 và 2/10 Hội chữ thập đỏ và hàng chục đoàn cứu trợ đã đến với người dân…
>>Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt, trao quà cứu trợ
Mỳ tôm, nước uống được tiếp tế
Sáng 2/10, mặc dù mưa đã tạnh và nước đã bắt đầu rút nhưng hơn một nửa phường Quỳnh Thiện - thị xã Hoàng Mai vẫn còn ngập trong biển nước. Khung cảnh tan hoang chỉ sau một đêm khiến cho người dân Quỳnh Thiện không khỏi ngỡ ngàng. Gần một năm làm lụng vất vả, trong phút chốc ao cá và hàng trăm ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch, hoa màu, gà lợn, trâu bò đã bị trôi theo dòng nước. Sự lo lắng, hoảng loạn thể hiện rõ trên mỗi gương mặt mà chúng tôi bắt gặp.
Tuy nước vẫn còn ngập nhưng ngay trong sáng sớm, đoàn Hội chữ thập đỏ tỉnh gồm chủ tịch, hai phó chủ tịch và nhân viên trong hội đã đem hơn 500 thùng mì tôm và 10 két nước đến cho người dân trong xã. Đến gia đình anh Lê Văn Hào (khối Nam Mỹ) quang cảnh tang thương khiến cho mọi người không khỏi bùi ngùi. Đêm qua, khi nước lũ dâng lên, cả nhà anh đã cùng nhau chaỵ lũ nhưng vì nước dâng lên quá nhanh, chị Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1978), vợ anh đã bị nước cuốn trôi. Chứng kiến tận mắt cái chết của vợ, anh Hào chưa hết bàng hoàng. Vợ ra đi, anh còn gánh nặng hai con nhỏ, bố mẹ già và một căn nhà tan hoang chưa biết đến bao giờ mới khôi phục lại.
Nhìn cảnh tang thương của gia đình, Hội chữ thập đỏ đã kịp thời ủng hộ tiền và lương thực. Số tiền 2 triệu đồng đến với gia đình anh tuy không lớn nhưng cũng kịp để gia đình lo tang lễ cho chị Huyền.
Hội chữ thập đỏ tỉnh trao tiền cho gia đình anh Lê Văn Hào (xã Quỳnh Thiện) và một số hộ dân bị thiệt hại nặng |
Đoàn cũng đã trực tiếp đến hơn chục hộ dân khác, một phần là để nắm tình hình thiệt hại của các gia đình, đánh giá thiệt hại, nhu cầu sau thiên tai. Một phần cũng là với mong muốn chia sẻ một phần nào nỗi mất mát của các gia đình. Chị Bùi Thị Mai – Chủ tịch Hội chữ thập chia sẻ thêm: Đây chỉ là hỗ trợ ban đầu. Trong hai ngày tới, Trung ương Hội chữ thập đỏ tỉnh sẽ trực tiếp vào Nghệ An hỗ trợ hêm 200 thùng hàng hóa và tiếp cho các gia đình có người chết và bị hư hỏng nặng. Hội cũng sẽ tăng cường kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ thêm cho tỉnh để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Tại Quỳnh Dị - một trong những phường bị thiệt hại nhiều nhất, ông Hồ Sỹ Minh – chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã cho biết: Trận lũ này, Quỳnh Dị bị mất mát hàng chục tỷ đồng, ngoài 2 ngôi nhà bị sập hoàn toàn có 7 ngôi nhà khác cũng đang có nguy cơ sập. Trong xã có 4 chiếc tàu bị chìm, 17 ha hoa màu, 62,5 ha tôm, 47 ha cá nước ngọt bị mất trắng. Ông Trần Văn Đang – Phó làng nghề nước mắm Phú Lợi thì xót xa bởi 300 hộ dân làng Phú Lợi không hộ nào là không bị thiệt hại. Người ít thì một vài tạ, người nhiều thì một vài tấn nguyên liệu mới vừa mua để chuẩn bị cho mùa sau bị hư hỏng hết. Đó là chưa kể hàng nghìn lít nước mắm, hàng chục tấn ruốc chuẩn bị cho dịp Tết cũng bị ngấm nước mưa hoặc bị nước cuốn trôi.
Tuy thiệt hại về tài sản là rất lớn nhưng rất may Quỳnh Dị không có thiệt hại nào về người. Có được điều này, ông Hồ Sỹ Minh nói rằng: Đó là nhờ xã đã huy động rất tốt “4 tại chỗ”. Trong bão lũ, bà con trong xã cũng đã biết nương tựa, chia sẻ khó khăn cho nhau. Nhà nào có nhà cao tầng cũng trở thành nơi trú bão cho bà con trong xóm như nhà ông bà Bưởng – Giáp, ông bà Sơn Đại. Cũng nhờ chuẩn bị rất tốt các điều kiện nên khi đoàn đến gia đình ông bà Văn Huy Tạp và Đậu Thị Trung, dù ông bà đều đã xấp xỉ 80 tuổi, trong nhà còn nuôi người con trai 50 tuổi bị ngớ ngẩn từ nhỏ nhưng đêm qua cả gia đình đều an toàn. Sáng nay (2/10), bà con chòm xóm còn đến giúp đỡ để ông bà dọn dẹp lại nhà cửa, phơi lại số lúa đã bị ngập nước.
Trong ngày 2/10 dù gần đến 9h sáng toàn tuyến quốc lộ 1A mới kịp thông nhưng cũng đã có hàng chục đoàn cứu hộ đến với người dân thị xã Hoàng Mai. Tại điểm nhận hàng cứu trợ, ông Hoàng Quốc Hoàn – Phó trưởng phòng Lao động Thương binh xã hội thị xã cho biết: Thị xã đã nhận đươc gần 8000 thùng mì tôm, 301 thùng nước, sữa, lương khô và một ít nhu yếu phẩm. Toàn bộ số hàng này hiện đã chuyển hết xuống các xã. Chiều 2/10, ngoài Quỳnh Vinh, một số nơi vẫn còn bị cô lập còn đa phần người dân đã không còn bị đói, bị rét nữa. Lo nhất là về lâu dài bởi hiện nay lúa đã bị hư hại hết, hoa màu lương thực cũng đã trôi rất nhiều. Để khôi phục lại, thị xã và người dân đang cần rất nhiều sự hỗ trợ giúp đỡ.
Tập trung phòng trừ dịch bệnh
Sau lũ, công tác y tế, phòng trừ dịch bệnh cũng được chú trọng. Tại trạm y tế phường Quỳnh Dị, chúng tôi nghe được câu chuyện cảm động về bác sỹ Nguyễn Thị Phương – Trạm trưởng và y tá Hồ Sỹ Trung. 11h đêm 1/10, giữa lúc trời đang mưa to nhất trạm y tế nhận được tin chị Nguyễn Thị Thủy (Khối Sỹ Tân) chuyển dạ, sắp sinh. Dù chị Phương nhà còn hai con nhỏ, y tá Hồ Sỹ Trung cũng đã gần 60 tuổi thế nhưng không quản mưa gió, nước ngập đến ngang mái nhà cả hai vẫn chèo thuyền đến tận nhà chị Thủy để giúp chị “mẹ tròn con vuông”. Đỡ đẻ xong đã gần nửa đêm, sáng sớm 5 giờ chị Phương lại vòng ra trạm xá để tiếp tục đỡ thêm một ca khác là chị Nguyễn Thị Nụ (Khối Yên Ninh), sinh con đầu. Bà Nguyễn Thị Cần – mẹ chồng chị Nụ chia sẻ: Đêm hôm qua khi con gần sinh, chúng tôi không còn bụng dạ nào nghĩ đến tài sản, nhà cửa, chỉ mong con vượt cạn thành công. Nếu không có sự tận tình của y bác sỹ thì con cháu chúng tôi khó mà qua khỏi.
Trạm y tế phường Quỳnh Dị khắc phục thiệt hại |
Cùng với hai ca vừa sinh và một ca cấp cứu người bị thương thì chiều 2/10 trạm xá Quỳnh Dị đang nhận thêm 2 bệnh nhân đang có dấu hiệu chuyển dạ. Công việc bận nhưng anh chị em trong trạm vẫn tranh thủ chia nhau ra để dọn vệ sinh các phòng bệnh và phòng điều trị. Điều lo lắng là hiện nay một số trang thiết bị y tế của trạm đã bị mưa lũ làm hỏng như máy sấy, máy nghe tim và dàn máy vi tính bị hỏng. Trạm cũng đã lên kế hoạch và phân phát clopheramin cho các hộ dân để tiêu độc, khử trùng. Trước khi lũ diễn ra, 50% người dân Quỳnh Dị cũng đã bị dịch đau mắt đỏ, thế nên nguy cơ dịch bệnh cũng đang rất lớn, nhất là trước đây Quỳnh Dị đã có dịch tả, dịch sốt xuất huyết.
Bác sỹ Phương và sản phụ Nguyễn Thị Nụ tại trạm y tế xã Quỳnh Dị |
Trao đổi với chúng tôi về công tác phòng trừ dịch bệnh ở Hoàng Mai hiện nay, ông Hoàng Đăng Hảo – Phó Giám đốc Sở y tế nói rằng, lo nhất là vấn đề nước sạch bởi hiện nay hơn 80% giếng, bể chứa nước mưa, bể nước của thị xã đã bị ngập nên bà con rất thiếu nước sinh hoạt. Sau khi nước rút nguy cơ dịch bệnh cũng rất dễ xảy ra, đặc biệt là các bệnh về tiêu chảy, đau mắt đỏ, dịch tả.
Để kịp thời hỗ trợ cho người dân thị xã Hoàng Mai, sáng 2/10 đoàn công tác của Sở Y tế đã ra kiểm tra đồng thời Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cũng đã cử nhân viên ra để hỗ trợ cho công tác phòng trừ dịch bệnh trong xã. Ngoài hỗ trợ clopheramin, Sở đã cấp 14.000 viên aquatap để lọc nước và 4 cơ số thuốc. Trong ngày đầu tiên sau khi nước rút, ngoài việc tuyên truyền để người dân dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, tiêu hủy gia súc, gia cầm chết, hóa chất cũng đã chuyển về các xã, phường bị ngập lụt.
Mỹ Hà