Giúp thanh niên gắn bó với quê hương

26/08/2016 16:13

(Baonghean.vn) - Thực hiện Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015” của Tỉnh đoàn Nghệ An, những năm gần đây Huyện đoàn Anh Sơn đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo, hướng nghiệp, ưu tiên giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, và đã có những chuyển biến tích cực.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đoàn xã Cẩm Sơn triển khai trong chương trình kế hoạch hoạt động hàng năm là “Đồng hành cùng thanh niên trong hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm”, giúp thanh niên tìm hiểu thực tế, từng bước định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Cụ thể, trong năm 2015, BTV đoàn xã đã phối hợp mở được 2 lớp dạy nghề về trồng trọt và chăn nuôi thú y cho thanh niên. Đã xuất hiện một số gương điển hình thanh niên trẻ sản xuất, kinh doanh giỏi. Hiện nay, xã Cẩm Sơn có 10 mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập từ 50- 100 triệu đồng/năm.

Mô hình chăn nuôi lớn của anh Tô Duy Bình ở thôn 1/5, xã Cẩm Sơn.
Mô hình chăn nuôi lớn của anh Tô Duy Bình ở thôn 1/5, xã Cẩm Sơn.

Điển hình là mô hình phát triển kinh tế của anh Tô Duy Bình ở thôn 1/5, xã Cẩm Sơn với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp, trong đó tập trung vào lợn thịt, cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Mô hình này của anh Bình được nhiều bạn trẻ các địa phương khác học tập, triển khai thực hiện, dấy lên phong trào thanh niên bám trụ quê hương để làm giàu.

Hiện nay huyện Anh Sơn có 25.544 đoàn viên thanh niên, trong đó có 7.463 ĐVTN đang ở địa phương với 3.643 người chưa có việc làm và phải xa hương đi làm ăn ở trong Nam, ngoài Bắc. Thực trạng này đang diễn ra khá phổ biến ở các vùng nông thôn bởi đa số họ còn nhiều hạn chế về kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Nhiều thanh niên chưa xác định được năng lực bản thân cũng như nhu cầu thị trường lao động để lựa chọn hướng đi phù hợp. Một bộ phận thanh niên ngại khó, ngại khổ; thiếu chủ động, nhạy bén, chưa chịu khó trau dồi tay nghề, rèn luyện bản thân. Một số muốn có việc làm tại quê hương mình thì lại không có vốn.

Mô hình phát triển kinh tế rừng của anh Lô Văn quân thôn 13, xã Bình Sơn
Mô hình phát triển kinh tế rừng của anh Lô Văn Quân ở thôn 13, xã Bình Sơn.

Trước thực trạng đó, năm 2015 BTV Huyện đoàn Anh Sơn chỉ đạo đoàn khối trường học tổ chức các chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên thông qua các chương trình “Khi tôi 18”, “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”, “Bạn chọn nghề gì” với hơn 1500 ĐVTN tham gia. Ngoài ra, BTV huyện đoàn còn tạo điều kiện để ĐVTN tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, giảm nghèo và tạo việc làm cho thanh niên, giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp.

Đến thời điểm này ĐVTN trong toàn huyện đã thông qua BTV đoàn cơ sở vay vốn từ Ngân hàng Chính sách- Xã hội được 49 tỷ đồng, giúp ĐVTN làm ăn phát triển kinh tế, phục vụ học tập. Trong năm 2015, Huyện đoàn Anh Sơn phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện mở được 16 lớp dạy các nghề ngắn hạn như trồng mía, trồng lúa, khoai lang nhật, làm chổi đót, may công nghiệp, kỹ thuật hàn chăn nuôi, cho 482 học viên.

Định hướng đào tạo nghề ngay từ khi còn học phổ thông chính là giải pháp cần làm ngay để giảm tình trạng thất nghiệp trong thanh niên nông thôn.
Định hướng đào tạo nghề ngay từ khi còn học phổ thông được Huyện đoàn Anh Sơn tổ chức thường xuyên nhằm hướng nghiệp cho thanh niên tìm việc làm phù hợp.

Anh Nguyễn Đình Hà - Bí thư Huyện đoàn Anh Sơn cho biết: “Trong thời gian tới, BTV Huyện đoàn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ĐVTN tích cực tham gia vào các hoạt động hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động để họ biết và chọn lựa ngành nghề phù hợp; tạo điều kiện để thanh niên được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH; thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn; tạo điều kiện để thanh niên tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh; chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đoàn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên”.

Thái Hiền

Đài Anh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Giúp thanh niên gắn bó với quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO