Gỡ khó cho “tàu 67”: Bài cuối: Cần tiếng nói chung để sớm có giải pháp

Trả nợ vay đóng tàu 67 đang trong vòng luẩn quẩn. Do đánh bắt không được nên không có tiền trả lãi ngân hàng, và do không trả nợ nên tàu bị niêm phong không thể ra khơi đánh bắt được; lãi mẹ đẻ lãi con và khó khăn ngày càng chồng chất.

Trước tình hình trên, theo ông Nguyễn Chí Lương – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của Ban 67 tỉnh, từ đầu năm 2021, Chi cục Thủy sản liên tục xuống các xã biển để nắm tình hình và tìm giải pháp tháo gỡ. Trên cơ sở trao đổi với các địa phương, ngày 19/5/2021, Chi cục đã có Văn bản số 64/BC đề nghị HĐND tỉnh bổ sung, sửa đổi Nghị quyết số 14/2017, theo đó hỗ trợ 1 lần 50% chi phí chuyển đổi nghề lưới vây sang nghề lưới chụp đối với tàu có chiều dài từ 20m trở lên, mỗi tàu 750 triệu đồng và mỗi năm hỗ trợ tối đa 3 tàu.

Đón nhận thông tin này, ông Vũ Ngọc Chắt – Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) cho rằng: Hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề là tốt, nhưng theo nguyện vọng của đa số ngư dân vay vốn đóng tàu xa bờ nói chung và vay vốn theo Nghị định 67/CP để đóng tàu nói riêng là được khoanh nợ, giãn nợ theo quy định. Chỉ khi cơ cấu lại nợ, giãn nợ để bà con tiếp tục đầu tư lại và đưa tàu ra khơi, thì nghề cá mới hồi sinh và tạo niềm tin để bà con vươn khơi.

Tàu xã bờ của ngư dân chuẩn bị ra khơi tại cảng Lạch Quèn. Ảnh: Nguyễn Hải
Tàu xã bờ của ngư dân chuẩn bị ra khơi tại cảng Lạch Quèn. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Bùi Văn Ân, ngư dân xã Quỳnh Long tâm sự: Lao động nghề biển khá nặng nhọc, bấp bênh và rủi ro cao. Mấy năm lại đây, nghề này đang thu nhập thấp so với nghề khác. Tuy nhiên do đây là nghề mưu sinh từ bao đời, nên không thể bỏ. Cũng theo ông Ân, thay vì quá hạn trả lãi bị phạt hoặc niêm phong tàu, thì ngân hàng nên chọn cách đồng hành gia hạn hoặc dãn nợ cho bà con. Hải sản đánh bắt được bán khắp nơi nên mỗi khi tàu về, cán bộ tín dụng cần giữ quan hệ, sâu sát với chủ tàu để chuyến biển “được” cá thì bố trí trả nợ, nếu không cần có phương án dãn nợ cho bà con. Thực tế, trong số 14 tàu 67/CP, ngoại trừ 4 tàu đã bị ngân hàng khởi kiện, niêm phong và 1 tàu đang gặp khó khăn thì có 8 tàu của xã Quỳnh Long đánh bắt ổn định, hàng tháng đều trả lãi cho ngân hàng.

Cùng quan điểm như trên, ông Lê Hội Hưng – đại diện cho một nhóm tàu 67 trên địa bàn xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) mong muốn, trong xử lý tài sản là tàu 67 nợ quá hạn còn bất cập. Thực tế đánh bắt có nhiều tàu bị cháy, tai nạn trên biển, mặc dù có tham gia mua bảo hiểm, nhưng phía công ty bảo hiểm gây khó khăn trong thủ tục, kéo dài thời gian chi trả tiền… Để bà con ngư dân tiếp tục đi biển khai thác hải sản, có cơ hội trả lãi ngân hàng, phía các ngân hàng thương mại cần có giải pháp dãn nợ cho các chủ tàu.

Trong khó khăn, có nhiều ngư dân tìm tòi phương thức chuyển đổi nghề đánh bắt mới, mang lại hiệu quả. Xã Quỳnh Lập là địa phương có số tàu cá công suất lớn nhiều nhất tỉnh, mặc dù thời gian năm 2020 khó khăn nhưng sau đó ngư dân đã thay đổi phương thức đánh bắt, thay vì đi vây, bà con đầu tư thêm mỗi tàu từ 80-150 triệu đồng để chuyển sang pha xúc và đi chụp. Nhờ đó các tàu đã từng bước vượt qua khó khăn và dần trả nợ được ngân hàng.

Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho tàu 67 như thế nào để các bên liên quan cùng có lợi, thì đến nay vẫn chưa có tiếng nói chung. Theo Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Nghệ An, để tháo gỡ nút thắt cho tàu 67/CP, cần cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu với các điều kiện linh hoạt hơn đảm bảo giá trị tài sản tại thời điểm chuyển đổi tương ứng với giá trị khoản nợ chủ tàu mới nhận bàn giao từ chủ tàu cũ. Phần dư nợ chênh lệch giữa dư nợ hiện tại và giá trị thực tế của con tàu cùng các khoản nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh sẽ do chủ tàu cũ tiếp tục chịu trách nhiệm hoàn trả.

Hiện nay, theo Nghị định 17/2019, nếu tàu 67 trước đây khi vay đóng mới giá trị 10 tỷ đồng nhưng nay đánh bắt không hiệu quả khiến tàu bị niêm phong, đấu giá thì khi chủ tàu mới mua lại tàu hóa giá, ngoài việc thanh toán hoặc nhận nợ giá trị tàu còn lại theo đánh giá của Hội đồng định giá (ví dụ là 2 tỷ đồng) thì chủ tàu mới phải nhận nợ và lãi do chủ cũ vay trước chưa trả là 8 tỷ đồng. Do vướng quy định này nên thủ tục niêm phong, khởi kiện bán đấu giá tàu 67 của các Ngân hàng thương mại gặp không ít khó khăn và tốn kém.

Trong số 20 tàu bị các ngân hàng thương mại niêm phong, bán đấu giá, có tàu lai dắt về cảng Cửa Hội, Cửa Lò rất khó khăn vì khi đánh bắt ở xa tận vùng biển Hoàng Mai, thậm chí tận Đà Nẵng,  phải thuê người lái; có tàu khi đưa về phải neo tại cảng cả năm trời, đồng nghĩa với chi phí quản lý trông nom lên tới hàng trăm triệu đồng. Điển hình là 2 tàu do Ngân hàng Vietinbank Vinh phải đấu giá đến lần 12 mới có người mua và sau 5 năm nhưng giá trị tàu chỉ còn 20% so với giá trị khi đóng mới.

Những con tàu 67 vỏ thép của ngư dân thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Xuân Hoàng
Những con tàu 67 vỏ thép của ngư dân thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Xuân Hoàng

Đối với vấn đề ngư dân còn gặp khó khăn do phía Bảo hiểm PJICO ngừng bán bảo hiểm và chậm chi trả bồi thường bảo hiểm khi tàu thuyền gặp rủi ro, nhất là đối với tàu cá 67, đại diện Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An cho rằng: Có 3 vấn đề đang vướng mắc, đó là: Thứ nhất, các tàu bị cháy khi đang hoạt động trên biển, vì liên quan đến các quy định về thủy sản như văn bằng chứng chỉ đối với thuyền phó, nhằm đảm bảo an toàn trên tàu, nên một số tàu chức danh này không có. Thứ hai, theo quy định là các tàu 67 phải có thiết bị giám sát hành trình, nhưng các tàu này khi xảy ra cháy lại không có thiết bị này, do vậy phía công ty bảo hiểm không biết được diễn biến đánh bắt như thế nào trên biển. Thứ ba, do một số ngư dân khai thác vùng lộng, trong khi kích cỡ của tàu 67 phải khai thác vùng khơi. Những vướng mắc này dẫn đến hồ sơ của ngư dân chưa đầy đủ, trong khi để bồi thường thiệt hại là hồ sơ phải chặt chẽ. Do vậy, hiện nay phía Công ty PJICO Nghệ An tiếp tục liên hệ với các chủ tàu để làm rõ. Nếu như chủ tàu vi phạm các quy định của Nhà nước thì phía bảo hiểm sẽ có những biện pháp chế tài, hoặc từ chối bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp cuối tháng 3/2021 bàn biện pháp tháo gỡ cho tàu xa bờ, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, giao cho Ban chỉ đạo 67 tỉnh đánh giá phân loại các trường hợp chưa hoặc không trả nợ theo hợp đồng tín dụng để có hướng xử lý cụ thể. Theo đó, tiếp tục đôn đốc các chủ tàu thực hiện trả nợ vay ngân hàng đúng hạn theo hợp đồng; tàu nào hoạt động hiệu quả nhưng chây ỳ thì khởi kiện ra tòa để xử lý; đối với chủ tàu khó khăn do yếu tố khách quan nhưng có ý thức trách nhiệm thì xem xét, cơ cấu lại nợ; ngân hàng phối hợp với địa phương giám sát dòng tiền của chủ tàu khi đánh bắt về để đôn đốc, giúp ngân hàng thu nợ; tàu nào đang đánh bắt hiệu quả thì đề nghị hoàn trả tài sản đảm đảo theo tiến độ trả nợ, tiếp tục cho vay phát triển sản xuất.

UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị quan tâm, đôn đốc Cục quản lý giám sát bảo hiểm sớm ban hành quy tắc bảo hiểm tàu cá cho phù hợp với chính sách phát triển thủy sản của của Chính phủ để Tổng Công ty Bảo hiểm PJICO sớm tiếp tục bán bảo hiểm theo quy định. Đồng thời phía Tổng Công ty Bảo hiểm PJICO đẩy nhanh các thủ tục thanh toán bảo hiểm khi rủi ro xảy ra, tạo điều kiện cho ngư dân sớm ổn định cuộc sống và đầu tư khôi phục, phát triển sản xuất.

Những chuyến vươn khơi đánh bắt trúng đậm hải sản từ tàu vỏ sắt giúp ngư dân có nguồn thu nhập, trong khi đó chủ tàu cá 67 cũng có tiền trả nợ ngân hàng. Ảnh: Việt Hùng
Những chuyến vươn khơi đánh bắt trúng đậm hải sản từ tàu vỏ sắt giúp ngư dân có nguồn thu nhập, trong khi đó chủ tàu cá 67 cũng có tiền trả nợ ngân hàng. Ảnh: Việt Hùng

Ngoài giải pháp trên, trước tình hình nóng về dư nợ vay tàu 67 cả nước, liên bộ Ngân hàng – Tài chính và Nông nghiệp đã có Thông tư liên tịch số 01 ngày 13/3/2021 hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19, trong đó có khoản vay tàu 67. Theo Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Nghệ An, hiện việc áp dụng Thông tư này còn một số khó khăn vướng mắc chưa thể viện dẫn vào khoanh nợ hay dãn nợ nhưng một số tàu đã được các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ; các nội dung khác cần được Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan chỉ đạo, hướng dẫn thêm nhưng nếu các bên thực sự có trách nhiệm và tìm được tiếng nói chung thì có thể giải quyết được vướng mắc trên.

Rõ ràng, cũng như một số tỉnh khác, do đánh bắt khó khăn, dư nợ ngày càng tăng, hàng chục chủ tàu 67 trên địa bàn tỉnh đang mất phương hướng vì càng ra khơi càng lỗ và số nợ ngân hàng ngày càng nhiều, mà chưa được các cấp, ngành quan tâm, cùng vào cuộc giải quyết một cách hợp tình hợp lý. Trong số các ngư dân đánh bắt, có một số chủ tàu chây ỳ nhưng đa số là chấp hành tốt nghĩa vụ trả nợ nên cần phân biệt rõ.

Nghề đánh bắt thủy sản là thế mạnh của Nghệ An từ trước đến nay, ngoài giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển, mà còn phát huy sức mạnh tổng hợp của ngư dân trong công tác quản lý, bảo vệ lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia. Do vậy, vấn đề cấp thiết lúc này, ngoài sự quan tâm của nhà nước tạo cơ chế chính sách hợp lý, còn sớm giải quyết những vướng mắc của tàu 67, để ngư dân yên tâm tiếp tục vươn khơi bám biển.

Đồ họa: Lâm Tùng
Đồ họa: Lâm Tùng