Góc khất 'bắt tay' chia chác với nhau?
Ông Trương Quang Nghĩa trên cương vị tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng mới đây đã có những chia sẻ đáng chú ý về một vấn đề “nóng” mà bất cứ người dân nào cũng đều đang quan tâm: BOT – một nội dung quan trọng do Bộ Giao thông và Vận tải quản lý, nơi mới chỉ cách đây ít lâu ông Nghĩa còn làm “tư lệnh”.
Trải lòng trong buổi tiếp xúc cử tri, ông Nghĩa nói: “Sau khi tổng kết đánh giá lại các dự án BOT thì có hai việc lớn tôi đã quyết trong thời gian tôi làm Bộ trưởng Bộ GTVT là tạm dừng dự án BOT để rà soát và làm quyết toán. Từ chỗ quyết toán phản ánh một số vấn đề của BOT, dự án của ai, của anh hay của em thì sẽ lộ hết ra”.
Phát biểu của ông Nghĩa nhằm trả lời cho chất vấn của cử tri: “Có lợi ích nhóm trong BOT không?” Vị cử tri này còn dẫn nhận xét của một người khác, cá rằng “không có lợi ích nhóm (trong BOT) thì tui chết liền”.
Quả là những câu hỏi thẳng và trả lời cũng rất… thật lòng! Cụ thể, ông Nghĩa cho rằng: “Những bất cập trong triển khai thực hiện các dự án BOT xuất phát từ sự nóng vội của Bộ GTVT, xuất phát từ tính phong trào, xây dựng hình ảnh cá nhân. Và tôi nói luôn là có vấn đề lợi ích riêng trong đấy”.
Tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Bộ trưởng Nghĩa khẳng định chắc nịch: có tiêu cực, có “lợi ích riêng”, có yếu tố “của anh”, “của em” trong các dự án BOT. Và ông cũng nói trắng các BOT chủ yếu “tay không bắt giặc” - vay tiền ngân hàng chứ không hẳn là huy động nguồn lực xã hội như chủ trương tốt đẹp của hình thức này.
Có gì buồn hơn khi một vị từng là tư lệnh ngành mà buộc phải “kéo áo” phơi bày tình trạng chia chác xảy ra ở “chốn cũ, nhà xưa” như vậy!
Làm Bộ trưởng Bộ GTVT dù chỉ khoảng hơn một năm, nói gì thì nói, ông Nghĩa có một phần trách nhiệm với những tiêu cực trong ngành nghề mình quản lý. Và khi ông không ngại nói thẳng ra với dân rằng ngành GTVT có tiêu cực, để rồi khi ra đi, bàn giao lại công việc cho người kế nhiệm mà tình trạng đó vẫn không “dẹp” được, mới thấy quyền lực của “nhóm lợi ích” kinh khủng thế nào!?
Lại nhớ, lúc còn đương quyền Bộ trưởng, ông Nghĩa cũng có không ít phát ngôn liên quan đến câu chuyện dài hơi này:
Ngày 14/4/2016, trả lời báo chí sau khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Trương Quang Nghĩa nói: “Trong công tác đầu tư, chúng tôi sẽ giữ nguyên tắc là chi tiêu một đồng tiền của nhân dân đều phải cân nhắc”. Sau đó, vào tháng 6/2016, khi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông tuyên bố: “Việc thực hiện BOT quan tâm đường mới, tránh đường độc đạo, tránh các tuyến BOT mà người dân không có lựa chọn khác”.
Thẳng thắn mà nói thì những nội dung đó chẳng có gì mới. Tư tưởng đó đã xuất hiện từ 22 năm trước (hoặc hơn) dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Phó Thủ tướng Phan Văn Khải lúc bấy giờ đã từ chối đề xuất của một nhóm nhà đầu tư từ Dubai xin làm đường 5 Hà Nội – Hải Phòng theo hình thức BOT và chỉ đồng ý nếu dự án BOT được làm song song với đường 5 nhằm đảm bảo cho nhân dân có sự lựa chọn.
Tuy vậy, làm lãnh đạo mà nghĩ đến trách nhiệm với túi tiền của người dân như nguyên Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thì cũng đã đáng quý lắm rồi! Chỉ tiếc rằng, trong thực tế, theo như nhận xét của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, “hầu hết quốc lộ, cầu đường trở thành độc đạo cho chủ đầu tư BOT, không cho người dân lựa chọn đường đi thay thế. Dự án trở thành độc quyền và nhà đầu tư độc quyền thu tiền”. Khoảng cách đặt các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường theo quy định, tối thiểu phải là 70km, nhưng có tới 33/88 trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách.
Từ một chủ trương tốt đẹp, BOT trở thành mảnh sân sau của một bộ phận “công bộc của dân”, là miếng bánh lợi ích để các bên lấy phần còn dân thì “oằn lưng” gánh phí. Có điều, nhóm lợi ích là những ai, ai là “anh”, ai là “em”, người dân rất cần một câu trả lời rõ hơn nữa, sòng phẳng hơn nữa.
BOT – đó chỉ là một góc chính sách mà thôi. Còn bao nhiêu góc khuất khác, bao nhiêu chính sách khác, họ bắt tay chia chác với nhau?
Theo Dân trí
TIN LIÊN QUAN |
---|