Góc nhìn: Đến bao giờ bóng đá Việt Nam tự tin với cầu thủ nhập tịch?
(Baonghean.vn) - Tất cả chúng ta đều hiểu rằng, khi đã trở thành một công dân của đất nước Việt Nam, họ có đủ quyền lợi và trách nhiệm để cống hiến cho Tổ quốc mà không phân biệt màu da. Một cầu thủ đẳng cấp như Hoàng Vũ Samson của Hà Nội T&T thừa sức đáp ứng yêu cầu về mặt chuyên môn lẫn khát khao để cống hiến cho đội tuyển. Tuy nhiên rào cản để họ đến với ĐTQG là gì?
Sử dụng cầu thủ nhập tịch không có trong suy nghĩ của người hâm mộ và nhà quản lý bóng đá Thái Lan |
ĐT Việt Nam đã từng triệu tập các cầu thủ nhập tịch, đó là Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max hay Phan Văn Santos… Họ đều là những cầu thủ có chuyên môn vượt trội so với mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam và đủ tiêu chí trở thành một tuyển thủ.
Có nhiều lý do để các cầu thủ nhập tịch khó lòng được trọng dụng. Một trong số đó chính là sự trì trệ của một nền bóng đá mà các nhà hoạch định đang loay hoay tìm ra một chiến dịch dài hơi, thay vì tìm đến những phương án tình thế.
Người hâm mộ Việt Nam cần nhìn nhận đúng và kiên nhẫn với bóng đá Việt Nam thay vì đòi hỏi thành tích. |
Tôi xin lấy tiền đạo Lê Công Vinh để làm thước đo cho sự phát triển của một nền bóng đá. Trong số lứa cầu thủ từng cùng với HLV Calisto đăng quang AFF Cup 2008 chỉ còn sót lại tiền đạo của B. Bình Dương khoác áo đội tuyển. Mặc dù xét về mặt thể lực, chuyên môn, khát khao và tầm ảnh hưởng, Công Vinh vẫn là sự lựa chọn số 1 của ĐT Việt Nam vào thời điểm này. Điều đó tốt cho Công Vinh và ĐTQG Việt Nam, tuy nhiên với góc nhìn của một CĐV như tôi thì đó là một thất bại.
Lê Công Vinh có khát khao, điều đó rất đáng hoan nghênh, nhưng việc Tấn Tài giã từ Đội tuyển để nhường chỗ cho các tài năng trẻ (Xuân Trường, Tuấn Anh, Hoàng Thịnh, Duy Mạnh) cũng là một hành động rất đáng trân trọng. Một cầu thủ được cho là đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp như Công Vinh vẫn phải gánh vác trên vai nhiệm vụ ghi bàn cho cả một đội tuyển, nên vui hay nên buồn. Suốt 8 năm đằng đẵng kể từ chức vô địch đó, không một tài năng trẻ nào mang dáng dấc của một tiền đạo cắm như Lê Huỳnh Đức thuở nào để cạnh tranh với tiền đạo sinh năm 1985.
Để tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ, cực chẳng đã, bóng đá Việt ngày một hạn chế cầu thủ ngoại đến với V.League, tuy nhiên đó chỉ là cách giải quyết phần ngọn. Để không còn phải thu hẹp đất diễn của các cầu thủ ngoại, bóng đá Việt cần đầu tư nội lực, chiều sâu. Theo chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế, lẽ ra Việt Nam cần có nhiều hơn các CLB tham gia giải VĐQG và giải hạng Nhất, có nhiều sân chơi, đất diễn cho các tài năng thì việc “xuất khẩu” cầu thủ cũng như mở của đối với các ngoại binh nhằm tăng chất lượng giải ngoại hạng thì Việt Nam lại làm điều ngược lại. Bản đồ các địa phương đầu tư bóng đá cũng ngày một thu hẹp, không ít đội bóng nơm nớp lo sợ giải thể, cầu thủ thất nghiệp….
Bóng đá Thái Lan, nơi có công tác đào tạo trẻ tốt và giải VĐQG chất lượng, vô vàn những tài năng được phát hiện và chăm bẵm. Từ đó HLV trưởng ĐTQG Thái Lan cũng có trong tay hàng loạt sự lựa chọn ưng ý. Bóng đá Việt Nam đang tụt hậu với bóng đá Thái Lan quá xa, nhưng người Thái không hề sử dụng cầu thủ nhập tịch mà họ vẫn liên tục gặt hái thành công và hướng đến tầm châu Lục.
Không phải họ không cần thành tích, không phải họ không nhìn nhận ra cái được mà các cầu thủ nhập tịch mang lại, mà tôi cho rằng người Thái trong quá khứ và hiện tại, họ có một kế hoạch dài hơi để phát triển nền bóng đá. Và việc mà họ đã, đang và sẽ làm là làm tốt công tác đào tạo trẻ và chuyên nghiệp hơn nữa giải VĐQG. Thay vì dồn hết áp lực và trọng trách cho HLV trưởng như tại Việt Nam và nghĩ đến chuyện sử dụng cầu thủ nhập tịch để theo đuổi thành tích. HLV Kiatisuk có trong tay dàn cầu thủ trẻ đầy tài năng và bản lĩnh trận mạc, đủ sức chinh phục những thử thách mới, làm thỏa lòng người hâm mộ, không việc gì họ phải nghĩ đến chuyện “đốt cháy giai đoạn” hay băn khoăn chuyện có nên mở cửa cho cầu thủ nhập tịch hay không…
Đến một thời điểm nào đó, khi bóng đá Thái đạt đến tầm châu Lục, có thể họ sẽ mở cửa cho cầu thủ nhập tịch, nhưng liệu đến lúc đó, các cầu thủ nhập tịch có cạnh tranh được với các cầu thủ gốc Thái nữa hay không khi mà bóng đá Thái phát triển từng ngày từ gốc đến ngọn.
Với quan điểm của một cổ động viên bóng đá nước nhà, tôi cho rằng nếu triệu tập cầu thủ nhập tích vào lúc này chỉ là một phương án tình thế để đối phó cho những mục tiêu ngắn hạn, cho những tham vọng thiếu căn cứ trước mắt chứ không phải dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ của một nền bóng đá.
Có thể vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, thậm chí tế nhị mà cầu thủ nhập tịch vắng bóng tại đội tuyển. Nhưng tôi chắc chắn một điều rằng, những nhà hoạch định cho bóng đá Việt Nam (nếu có) ý thức được mặt tích cực đằng sau việc tạo cơ hội cho các cầu thủ nhập tịch. Chúng ta luôn mở lòng ghi nhận khát khao cống hiến của những Samson, Đặng Văn Robert… Nhưng sự nôn nóng, nhìn nhận thiếu khách quan về sức mạnh của đội tuyển của người hâm mộ vô tình sẽ càng làm cho nền bóng đá này chìm trong vòng luẩn quẩn.
Tôi tin rằng sớm hay muộn thì cầu thủ nhập tịch cũng sẽ có cơ hội cống hiến cho đội tuyển, vì họ xứng đáng, quan trọng hơn cả đó là trách nhiệm của bóng đá. Tuy nhiên bao lâu thì còn tùy vào hiệu quả từ một lộ trình phát triển dài hơi cho bóng đá Việt.
Thẳng thắn mà nói, nếu sử dụng cầu thủ nhập tịch mà vừa có thể giúp bóng đá Việt phát trển bền vững, bắt kịp đà phát triển với các nước trong khu vực, cải thiện được diện mạo của mình thì câu trả lời nên hay không đã quá rõ.
Thành tích của ĐTQG là một quá trình chứ không phải nhờ vào một phương án mang tính tình thế. Vậy nên, xin đừng xem việc tạo cơ hội cho các cầu thủ nhập tịch là một biện pháp “chữa cháy”…
Hoài Hoan
TIN LIÊN QUAN