Góc tối nhói lòng của ngành công nghiệp giải trí tỷ đô

vietnamnet.vn 09/03/2018 12:30

Đằng sau ánh đèn sân khấu của ngành công nghiệp giải trí tỷ đô, ít ai biết được sự thật nghiệt ngã mà các diễn viên, thần tượng Hàn Quốc phải trải qua để đi đến thành công.

Sức ảnh hưởng của ngành giải trí Hàn

Có thể nói, sự mở đầu cho ngành giải trí Hàn Quốc thâm nhập vào thị trường giải trí thế giới là những năm 2000, khi Hàn Quốc bắt đầu tung ra những bộ phim tình cảm lãng mạn đánh mạnh vào tâm lý của giới trẻ với các diễn viên, nhạc phim, cảnh quay đẹp.

Còn ai nhớ những bộ phim như Nấc thang lên thiên đường, Bản tình ca mùa đông hay Ngôi nhà hạnh phúc,... đình đám một thời?

Sau đó, thị trường âm nhạc Hàn Quốc đã khơi lên một làn sóng mới - làn sóng thần tượng hay còn gọi là “Hallyu”. Lúc này, những công ty giải trí sẽ đào tạo những ca sĩ trẻ, đẹp, kết hợp cho ra thứ âm nhạc bắt tai cùng với những xu hướng và hình tượng độc lạ để thu hút giới trẻ. Mỗi năm, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đem về cho nước này hàng tỉ USD.

Thần tượng Hàn Quốc và những bản "hợp đồng nô lệ"

Đối với những bạn trẻ yêu thích âm nhạc Hàn, thì có lẽ khái niệm "Thần tượng" không mấy xa lạ. Một khi trở thành thần tượng, họ sẽ được đào tạo kĩ lưỡng từ giọng hát đến ngoại hình. Họ được coi là những con gà đẻ trứng vàng cho ngành công nghiệp giải trí với đông đảo người hâm mộ từ khắp các quốc gia trên thế giới. Nhưng, con đường để trở thành thần tượng không dễ dàng như mọi người đều nghĩ.

Trước khi trở thành thần tượng, họ phải ký những bản “hợp đồng nô lệ” với công ty chủ quản. Hợp đồng này dùng để ràng buộc các thực tập sinh làm việc cho công ty sau khi họ trở nên nổi tiếng.

Theo tờ Korea Times, hợp đồng này có giá trị trong 13 năm và đã dẫn đến nhiều vụ kiện giữa idol và công ty. Điển hình là vụ kiện của một thành viên trong ban nhạc Đông Bang Shin Ki (DBSK) đình đám với công ty quản lý vì thời hạn hợp đồng quá dài và không mang lại lợi nhuận nào cho các thành viên ban nhạc sau khi họ thành công.

Sau đó vào năm 2009, thời hạn của “hợp đồng nô lệ” đã được giảm xuống còn 7 năm do FTC (Fair Trade Commission of South Korea) ban hành.

Thần tượng phải ký một bản hợp đồng trước khi được ra mắt.

Sau khi đã nổi tiếng, khi thời hạn của hợp đồng chưa kết thúc thì các thần tượng hoặc các ban nhạc thần tượng không được tự ý chấm dứt hợp đồng. Nếu họ muốn hủy hợp đồng, họ phải trả gấp 3 lần số tiền mà công ty quản lý đã đầu tư cho họ để trở nên nổi tiếng. Nói cách khác, những thần tượng kia phải làm việc cả đời để bù lại khoản tiền đó.

Không những thế, trong thời gian làm thực tập sinh, họ cũng phải bỏ ra một số tiền lớn cho công ty để luyện những kỹ năng cần thiết (thường là 65.000 đô cho một kỳ thực tập).

Các công ty quản lý tại Hàn Quốc nói rằng chi phí đầu tư để “nhào nặn” nên một nhóm nhạc hay một thần tượng vô cùng tốn kém. Từ khoản tiền để thuê đội ngũ quản lý, biên đạo múa, trợ lý trang phục đến khoản đầu tư cho thực tập sinh học hát, nhảy cũng như chi phí ăn ở của họ, nhiều khi lên tới hàng nghìn đô. Vì vậy, các idol mới được chia ít lợi nhuận cũng là điều dễ hiểu.

Sống như những con rối trong thời kỳ thực tập

Trong khoảng 10 năm thực tập, những thực tập sinh phải sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Họ phải ở trong những ký túc xá chật chội, luyện kỹ năng từ sáng đến tối. Vì vậy, lệnh cấm các thực tập sinh không dùng điện thoại hay không được hẹn hò là điều dễ hiểu. Và nếu họ muốn được “thả cửa”, họ phải có bản hit đầu tay trước.

Các thực tập sinh trước khi ra mắt phải làm những công việc như lau dọn, pha cà phê và chạy việc vặt.

Nhưng họ cũng không giành 10 năm chỉ để luyện tập mà còn phải làm những việc vặt khác. Một ca sĩ tên là Jo Kwon có lần chia sẻ với báo chí rằng trong kỳ thực tập, anh phải pha cà phê cho các nhân viên, chạy việc vặt và lau sàn nhà.

Như đã nói ở trên, Hàn Quốc đã cố ban hành một vài điều lệ để giúp các thực tập sinh giành lại lợi ích của họ, dù vậy, luật mới ban hành cũng chưa giúp ích nhiều cho họ.

Nguy cơ bị hãm hại bởi anti-fan

Các thần tượng K-pop không chỉ có fan, mà còn có anti-fan luôn rình rập để đăng những bình luận xấu, hay thậm chí là chửi bới. Nhưng, một vài người còn đi xa hơn, họ nung nấu ý định ám sát thần tượng.

Nhóm trưởng ban nhạc DBSK - Yunho trên chương trình “Stagazing” đã chia sẻ có lần anh suýt mất mạng vì uống nước có pha keo dán sắt được đặt trong phòng nghỉ.

Lá thư đe dọa mà antifan gửi cho trưởng nhóm Yunho (DBSK).

Còn rất nhiều vụ việc khác như antifan đe dọa sẽ phá hủy concert của Big Bang, hay khi anh chàng ca sĩ Jay Park rời khỏi 2pm, nhiều anti fan đã ký một bản kiến nghị kêu gọi Jay Park phải tự sát. Bản kiến nghị điên rồ này đã thu được tới hơn 3000 chữ ký.

Lạm dụng tình dục

Vào năm 2009, một diễn viên Hàn Quốc tên là Jang Ja-Yeon đã tự tử trong chính căn phòng của mình vì bị lạm dụng tình dục. Trước khi chết, cô đã để lại vài dòng tâm sự rằng cô buộc phải quan hệ với một số lãnh đạo của mình. Cô viết, nếu cô từ chối lời đề nghị đó, quản lý sẽ đánh đập cô không thương tiếc.

Để điều tra rõ vụ việc, cảnh sát đã đến tòa nhà làm việc của Ja-Yeon và tìm thấy một căn phòng bí mật ẩn sau tấm panen ốp tương chuyên dành để phục vụ “nhu cầu” cho các 'ông lớn'.

Đây là một tin tức động trời ở Hàn Quốc tại thời điểm đó, nhưng sự vụ này không phải hiếm. 2/3 số phụ nữ làm việc trong ngành giải trí Hàn đều nói rằng họ bị bắt phải quan hệ với các lãnh đạo để phát triển sự nghiệp.

Năm 2012, CEO của công ty giải trí Open World Entertainment Jang Seok Woo đã bị bắt vì tội quấy rối 30 thực tập sinh, trong đó có những cô bé đang học lớp 6. Theo báo cáo của chương trình Good Day - Entertainment Plus phát sóng trên đài MBC, Jang Seok Woo thường bỏ thuốc kích dục vào nước uống của nữ thực tập sinh để ép họ khỏa thân rồi cưỡng bức.

CEO công ty giải trí Open World Entertainment Jang Seok Woo bị bắt vì tội quấy rồi các thực tập sinh.

Buộc phải phẫu thuật thẩm mỹ

Một số ngôi sao trước khi ra mắt sẽ được yêu cầu phẫu thuật thẩm mỹ để phù hợp với tiêu chuẩn. Không chỉ có những thần tượng nữ, những nam thần tượng cũng được yêu cầu như vậy. Tại Hàn Quốc, trước khi ký hợp đồng thực tập, cả nữ và nam sinh thực tập nếu muốn trở thành thần tượng K-pop, họ phải đồng ý đi nâng mũi.

Ở Hàn Quốc phẫu thuật thẩm mỹ rất phổ biến. Hầu hết các nữ sinh người Hàn sẽ đi phẫu thuật khi họ đủ 19-20 tuổi. Vì vậy, nếu muốn trở thành thần tượng nổi tiếng, họ phải đi “làm mặt” để cải thiện hình ảnh và phù hợp với tiêu chuẩn hoàn mỹ. Trước kia đã có một nhà báo người Hàn viết bài về những ca phẫu thuật của các ngôi sao. Nhưng khi được phỏng vấn, tất cả người nổi tiếng đều cho rằng cũng không có vấn đề gì khi họ muốn trở nên đẹp hơn.

Mới nhất
x
x
Góc tối nhói lòng của ngành công nghiệp giải trí tỷ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO