Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Giải đáp nhiều thắc mắc

12/06/2013 07:11

Cá nhân chứng minh được thu nhập đảm bảo đúng theo quy định sẽ đủ điều kiện vay vốn mua nhà.

Thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng có thể mua được nhà

Để đảm bảo tính tích cực từ gói tín dụng, đảm bảo cho nhiều người thu nhập thấp có thể mua được nhà ở, theo ý kiến của Bộ Xây dựng là nhà đầu tư phải có nhiều gói cũng như nhiều loại hình sản phẩm để các đối tượng người thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở đô thị ở các mức khác nhau đều có thể mua được nhà.



Đối thoại trực tuyến về gói tín dụng 30.000 tỷ do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Với tính toán của Bộ Xây dựng, hiện nay, mức thu nhập thấp được xác định trong dải rộng từ 2 – 3 triệu đồng/tháng đến 9 triệu đồng/tháng. Như vậy, 1 gia đình có 2 vợ chồng có thu nhập tối đa ở mức thu nhập thấp là 18 triệu đồng, nhưng tối thiểu nhiều gia đình cũng chỉ có thể thu nhập tới 5 triệu đồng/tháng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, một người có thu nhập thấp hơn mức 7,5 triệu đồng/tháng là đã có thể mua được nhà. Với những người có thu nhập thấp nhưng đủ khả năng vay ngân hàng thì nhà đầu tư phải có dải sản phẩm từ nhỏ tới lớn. Ví dụ, tiêu chuẩn nhà thu nhập thấp theo quy định là 30 - 70m2. Với mức 30m2 hiện nay có hạ tầng đầy đủ, với thiết kế mới đầy đủ công năng rất phù hợp với vợ chồng trẻ, hoặc thậm chí 2 vợ chồng và 1 con nhỏ sẽ là sản phẩm hút khách và phù hợp với nhiều đối tượng vay mua.

“Nếu ở đây nhà ở tính theo mức tối thiểu là 30m2, ví dụ Viglacera vừa mới khởi công nhà ở khu Đặng Xá bán giá 8,5 triệu đ/m2. Như vậy, với 30m2, giá toàn bộ căn hộ là 250 triệu đồng. Theo quy định, chúng ta phải đặt cọc tức là tự lo khoảng 50 triệu đ (20%), vay 80% là 200 triệu đồng, trả trong 10 năm, mỗi năm trả 20 triệu đồng tiền gốc, mỗi tháng trả 1,8 triệu đồng, lãi 6% tính trên gốc lớn đầu tiên, một năm trả 12 triệu đồng tiền lãi. Đây là những tháng đầu, các tháng sau gốc giảm thì lãi còn giảm nữa. Ngay tháng đầu tiên, lãi mỗi tháng 1 triệu cộng với 1,8 triệu đồng trả gốc. Như vậy, mỗi tháng trả 2,8 triệu đồng. Với thu nhập của những gia đình khoảng 5-6 triệu đồng, dành 30 - 35% thu nhập cùng với sự hỗ trợ của gia đình thì sẽ trả được. Như các NHTM công bố, có thể vay 15 năm, 200 triệu đồng trong 15 năm thì con số trả hàng tháng còn giảm đi nữa. Đây là đối với những hộ gia đình thu nhập 5-6 triệu đồng là mức thấp, nếu cố gắng dành dụm có thể sở hữu được một ngôi nhà”, Thứ trưởng Nam phân tích.
Theo ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng Giám đốc BIDV, với mức vay 500 triệu đồng mua nhà trong khi hộ gia đình có thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng là hoàn toàn không khả thi. Bởi vì thu nhập đó còn phải dành để sinh hoạt gia đình. Với thu nhập đó còn lại bao nhiêu để trả nợ? Ít nhất họ phải chi 3 - 4 triệu đồng/tháng để sinh hoạt, vậy chỉ còn 1-2 triệu đồng để trả nợ. Trong khi NHNN chỉ giới hạn trong 10 năm đối với khách vay là cá nhân.

Tuy nhiên, với hộ thu nhập thấp hơn nữa trong tình hình giá đất, vật liệu hiện nay, không thể đòi hỏi làm sao làm được căn hộ giá 80-90 triệu đồng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, đối với đối tượng này, chúng ta đang có chính sách phát triển và hỗ trợ nhà ở cho thuê.

“Chúng tôi tính toán để làm sao các hộ gia đình đi thuê căn hộ khoảng 40-45m chỉ mất khoảng 2 triệu đ/tháng. Các chính sách này một mặt thể hiện chính trong nội dung Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội đã trình Chính phủ, hiện đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Tôi rất hy vọng được ban hành trong tháng 7, theo đó, Nghị định có riêng một chương về chính sách phát triển hỗ trợ nhà ở cho thuê”, Thứ trưởng Nam cho biết.

Ngân hàng không đòi hỏi tài sản đảm bảo

Nhiều ý kiến cho rằng, theo Thông tư 11 của NHNN quy định về cho vay vốn nhà ở có ghi rõ: “Ngân hàng xem xét và quy định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật” điều này làm khó cho quá trình giải ngân gói hỗ trợ mua nhà của người dân.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng – NHNN giải thích rõ, về tài sản đảm bảo cho khoản vay mua nhà ở, Thông tư 11 giao quyền cho các tổ chức tín dụng quyết định có thế chấp hay không nhưng bản thân Thông tư 11 cũng quy định cho phép các ngân hàng được phép nhận căn nhà mua làm tài sản đảm bảo. Hiện nay, cả 5 ngân hàng thương mại triển khai gói hỗ trợ đều có quy định này, cho nên vấn đề này không làm khó cho người dân.

“Đối với đối tượng công chức mua nhà, do đã có 20% vốn đóng ban đầu cho nên về phía ngân hàng không đòi hỏi bất kỳ tài sản thế chấp nào khác. Tuy nhiên đối tượng này phải chứng minh được thu nhập đảm bảo”, ông Mạnh nêu rõ.

Trước sự e ngại về việc ngân hàng thương mại triển khai việc cho vay vốn mua nhà ở xã hội sẽ tạo ra một món nợ xấu trong tương lai, ông Mạnh cho rằng, để triển khai gói cho vay hỗ trợ này, điều kiện tín dụng phải được chứng minh đảm bảo đối với các ngân hàng thương mại. Các quy định cho vay phải được thẩm định rõ ràng, chặt chẽ giữa ba bên: Chủ đầu tư, ngân hàng và người mua nhà tránh việc nợ xấu về sau đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát mại tài sản của các ngân hàng nếu có phát sinh rủi ro ngoài ý muốn.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, nhà ở xã hội của người thu nhập thấp vay mua đồng thời là tài sản thế chấp đối với ngân hàng thương mại. Vì vậy, người mua không được giao dịch trong vòng 5 năm. Tuy nhiên trong thời gian này, chủ sở hữu được phép giao dịch đối với chủ đầu tư hoặc các đối tượng thuộc diện được xét cho vay mua nhà./.


Theo (vov.vn) - L.T

Mới nhất
x
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Giải đáp nhiều thắc mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO