Gồng mình chống nắng nóng chưa từng có!
(Baonghean) Người dân Nghệ An đang trải qua những đợt nắng nóng gay gắt chưa từng có trong hàng chục năm qua. Dự báo từ nay đến hết tháng 5/2012 còn có khả năng xảy ra đợt nắng nóng trên diện rộng. Chưa bao giờ câu chuyện dự báo thời tiết, chuyện mất điện được quan tâm như những ngày này.
(Baonghean) Người dân Nghệ An đang trải qua những đợt nắng nóng gay gắt chưa từng có trong hàng chục năm qua. Dự báo từ nay đến hết tháng 5/2012 còn có khả năng xảy ra đợt nắng nóng trên diện rộng. Chưa bao giờ câu chuyện dự báo thời tiết, chuyện mất điện được quan tâm như những ngày này.
Dù mới bước vào đầu hè, người dân xứ Nghệ đang phải trải qua đợt nắng nóng trên diện rộng với nền nhiệt "khủng" chưa từng xảy ra trong hàng chục năm qua. Mới sáng sớm đã thấy nắng gắt, càng về trưa nhiệt độ càng tăng cao, nắng nóng càng như thiêu như đốt cùng với gió Lào quét ràn rạt.
Trên đường phố, mặt đường đổ nhựa loang loáng, người người trùm kín mít từ đầu đến chân, tìm mọi cách che chắn khi có việc phải ra đường. Giữa trưa, nhiều tuyến phố trở nên vắng vẻ. Bên vỉa hè, dưới bóng cây xanh, hàng nước giải khát trở thành điểm dừng chân lý tưởng của khách qua đường. Nắng nóng hầm hập càng như tăng lên khi suốt cả đêm không có gió. Một số người chọn cách rủ nhau ra công viên, quán bia hơi, trà đá, quán kem để giải khát. Nhiều nhà phun nước ra sân, vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà liên tục để ngăn bụi và giảm hơi nóng bốc lên. Người dân đang vất vả gồng mình chống chọi với nắng nóng.
Lúa thiếu nước không trổ được, người dân bản Đồng Minh (xã Châu Hạnh - Quỳ Châu) phải cắt lúa về cho gia súc ăn. Ảnh: Ngọc Lan
Anh Tăng Văn An - Trưởng phòng Dự báo (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ) cho biết, từ ngày 27 đến 29/4 nắng nóng xảy ra chủ yếu vùng trung du và miền núi phía Tây. Bắt đầu từ ngày 30/4 nắng nóng trên diện rộng, nền nhiệt cao nhất tập trung từ ngày 1-2/5 phổ biến từ 39-41độ C. Ngày 2-3/5 tại Quỳ Hợp lên đến 41,5 độ C. Số liệu mà chúng tôi cung cấp là nhiệt độ đo tại lều khí tượng.
Thực tế nhiệt độ ngoài trời cao hơn vài độ C tùy từng mặt đệm như đường nhựa, bê tông, thảm cỏ, mặt nước... Từ ngày 4/5 còn nắng nóng nhưng giảm do ảnh hưởng của bộ phận tăng áp nén yếu rãnh thấp có trục qua Bắc bộ nên trường nhiệt giảm, nắng nóng chỉ xảy ra cục bộ. Tuy nhiên, khi đó, người dân cần chủ động phòng chống các hiện tượng thời tiết cực đoan như tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh, nhất là khu vực miền núi. Đây là đợt nắng nóng lịch sử, tương đối đặc biệt trong nhiều năm qua. Mới nắng đầu mùa nhưng nền nhiệt ở mức cao, kéo dài. Dự báo nắng nóng sẽ còn tiếp tục duy trì trên diện rộng vào trung tuần tháng 5 tới đây.
Trong nắng nóng, sự cố mất điện trên diện rộng tối ngày 2/5 đã khiến cuộc sống người dân đảo lộn, nhất là gia đình có người già, trẻ nhỏ. Giữa đêm khuya, nhiều gia đình đã phải "sơ tán" đến nhà người thân để tá túc qua đêm. Còn gia đình anh Đoàn ở khu nhà ở xã hội Hưng Lộc đã phải bật điều hòa ô tô cho cả gia đình vào trú. Chị Minh ở khối Văn Tiến, phường Hưng Dũng lo lắng: Người lớn còn chịu khó được, nhưng vất vả nhất là 2 cháu nhỏ và bà cụ ngoài 80 tuổi. Mất điện, vợ chồng thức trắng đêm phải thay phiên nhau quạt tay cho bọn trẻ và bà cụ. Nắng nóng còn dài mà điện chập chờn như vậy không biết sống sao nổi.
Về sự cố này, ông Bành Hồng Hiển - Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Điện lực Nghệ An cho biết: Do nắng nóng gay gắt trên diện rộng, sản lượng tiêu thụ tăng đột biến. Nếu như ngày hè bình thường sản lượng điện tiêu thụ là 4,5 triệu Kwh/ngày, thì vào đợt cao điểm nắng nóng vào các ngày 2 - 3/5 mức tiêu thụ điện tăng lên 5,5 triệu Kwh/ngày. Do đó, 11 giờ tối 2/5 đã xảy ra sự cố đường dây 472 E15.7 cấp điện cho khu vực Bến Thủy, Trường Thi, Hưng Dũng, Hưng Lộc và một phần Nghi Phú bị hỏng đường nối cáp ngầm đoạn đi qua cổng phụ Đại học Vinh. Sau khi sự cố xảy ra, chúng tôi đã tích cực xử lý, tiến hành cô lập khu vực sự cố và đóng điện trở lại trong đêm, trừ trạm Nguyễn Văn Trỗi 1 và 2.
Lúc 10h trưa ngày 3/5, do quá tải đường dây 473 (hiện đang vận hành cấp điện cho đường dây 472 theo hệ thống mạch vòng) nên phải sa thải thêm một số khu vực Nghi Phú, Hưng Dũng và đến 3h chiều 3/5 đã khôi phục trở lại. "Hiện nay không xảy ra mất điện diện rộng do thiếu nguồn và dựa trên cơ sở cung cầu và dự báo phát triển phụ tải năm 2012, chúng tôi đảm bảo việc cung cấp điện. Tuy nhiên, trừ trường hợp khi có sự cố và sửa chữa theo kế hoạch. Đối với trường hợp sửa chữa, chúng tôi sẽ có thông báo trước." - ông Hiển cho biết.
Nắng nóng cũng khiến cho thị trường điện lạnh, đặc biệt là máy điều hòa, quạt hơi nước... trở nên đắt khách. Chị Cúc - chủ đại lý điện tử điện lạnh trên đường Quang Trung cho biết, so với 2 tháng trước, sức mua các mặt hàng điện lạnh như máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, quạt hơi nước, quạt máy... tăng mạnh. Có ngày cửa hàng còn xảy ra tình trạng cháy hàng. Cầu tăng, giá bán bắt đầu tăng. Giá máy điều hòa loại tiết kiệm điện (áp dụng công nghệ inverter) của Panasonic tăng đến 30% và thậm chí không có hàng để bán. Chẳng hạn, loại 1,5HP hiện có giá từ 11,7-12,3 triệu đồng, loại 2HP có giá từ 16,9-18,5 triệu đồng...
Năm nay nhuần 2 tháng Tư, nắng nóng cũng mới chỉ bắt đầu và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sức khoẻ của người dân.
Vụ xuân năm 2012, bản Thắm, xã Châu Thuận (Quỳ Châu) gieo cấy được 10 ha lúa nước, 7 ha ngô và một số cây màu khác. Đến thời điểm hiện nay, cây lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ rất cần nước tưới dưỡng. Tuy nhiên, do nhiều ngày qua trên địa bàn không có mưa nên nhiều diện tích lúa của bà con bị khô héo. Ở xã Châu Hạnh có khoảng 200 ha lúa xuân, trong đó, có hàng chục ha ở cánh đồng Na Àng, Na Puốm, thuộc các bản Đồng Minh, Na Ca... nhiều diện tích đã bị khô hạn, nứt nẻ, lúa bắt đầu ngả màu vàng. Bí thư Chi bộ bản Đồng Minh cho biết: Nhiều ngày qua, bà con đã đi cắt lúa cây về cho trâu ăn bởi thiếu nước lúa không trổ được.Trần Ngọc Lan
Hầu như các bệnh viện đều chật cứng bệnh nhân, như Bệnh viện Nhi Nghệ An - số bệnh nhân tăng tới 150%. Tỷ lệ mắc bệnh thông thường ở mức rất cao so với các năm trước, như viêm não, nhiễm khuẩn hô hấp... bệnh viện đã phải tăng thêm giờ khám bệnh. Do đó, người dân cần có phương án chống nóng, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Trên địa bàn huyện Thanh Chương đã xảy ra hạn hán cục bộ tại nhiều địa phương. Riêng xã vùng sâu, vùng có giáo dân Thanh Khê có khoảng 80 ha lúa ở các vùng Cơn Lội, Ruộng Vắt, Ruộng Nậy và Đồng Mô Vịnh thuộc thôn 10 với khoảng 80 ha bị hạn nặng, có nguy cơ bị mất trắng hoặc giảm trên 50% năng suất. Nguyên nhân vì đây là những vùng đồng nằm ở cuối nguồn nước của hồ Lại Lò, trong lúc hệ thống kênh mương xuống cấp nên nước bị thất thoát không đến được. Địa phương cũng có 1 trạm bơm nhưng đã bị hư hỏng do trận lụt năm 2011. Ngoài lúa xuân, xã Thanh Khê còn khoảng 50 ha ngô xuân muộn cũng bị hạn nặng. Hiện tại người dân đang tích cực chống hạn nhưng nếu tình trạng nắng nóng vẫn kéo dài thì xã vùng giáo này đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Đình Hà
Thu Huyền