Góp phần bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc

13/11/2009 17:52

Thực hiện Quyết định 53/ CP của Chính phủ và chủ trương của Bộ GD - ĐT về bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số, bắt đầu từ năm học 2009- 2010, Nghệ An triển khai chương trình dạy- học tiếng Mông cho học sinh tiểu học.


Học sinh tiểu học thị trấn Mường Xén
đọc báo trong giờ ra chơi

Số trường tiểu học đang dạy, học tiếng Mông trong toàn tỉnh hiện nay là 27/ 576 trường, số học sinh tiểu học học tiếng dân tộc Mông là 4405/226 934 em. Ba huyện đầu tiên được chọn để triển khai đồng bộ chương trình dạy, học tiếng Mông cho học sinh tiểu học người dân tộc Mông là: Kỳ Sơn (3 trường), Tương Dương (7 trường), Quế Phong (17 trường).

Hiện nay đã có 206/14.393 giáo viên tiểu học toàn tỉnh được tập huấn dạy tiếng dân tộc theo chương trình của Bộ GD - ĐT. Chương trình học đảm bảo mỗi tuần hai tiết do học sinh tự chọn. Sách giáo khoa cho giáo viên và học sinh được cấp đầy đủ. Giáo viên tham gia dạy có chế độ, chính sách đãi ngộ riêng và chủ yếu là giáo viên người Mông hoặc giáo viên cắm bản lâu năm.


Ông Nguyễn Phùng Đạt- Trưởng phòng Dân tộc- Sở Giáo dục- Đào tạo cho biết: Đối với học sinh là người dân tộc thiểu số để đạt được mục đích hình thành và phát triển các kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, học tập và rèn luyện các thao tác tư duy cơ bản bằng tiếng Việt là rất khó. Do vậy song song với dạy tiếng phổ thông (được xem như ngôn ngữ thứ hai) việc lồng ghép dạy- học tiếng mẹ đẻ cho các em là rất cần thiết, vừa là phương tiện chuyển tải kiến thức, hỗ trợ các em học tốt các môn học khác bằng tiếng Việt vừa góp phần bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số.


Chương trình dạy và học tiếng dân tộc đã được triển khai và duy trì nhiều năm ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước góp phần đào tạo một số lượng học sinh dân tộc thiểu số khá đông đảo biết sử dụng tương đối thành thạo cả Tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ. Ở tỉnh ta, mới thực hiện chương trình dạy- học tiếng Mông cho học sinh dân tộc thiểu số bắt đầu từ năm học này nên trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn do: thời lượng dạy- học còn quá ít (2 tiết/1 tuần) nên chất lượng chưa cao, thiết bị dạy học tối thiểu, hệ thống sách công cụ, sách đọc thêm bằng tiếng dân tộc Mông còn thiếu, đội ngũ giáo viên mới chỉ được tập huấn, bồi dưỡng chứ chưa qua chương trình đào tạo dạy tiếng dân tộc trong các trường sư phạm nên trình độ, năng lực còn hạn chế.

Mặt khác việc dạy tiếng dân tộc từ trước tới nay chưa được qui định chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông các cấp. Do vậy, các địa phương gặp lúng túng khi xây dựng kế hoạch dạy học, tiến hành đánh giá chất lượng dạy và học... Cũng theo ông Nguyễn Phùng Đạt thì việc triển khai tốt chương trình dạy và học tiếng Mông sẽ là tiền đề để phát triển việc dạy và học cho học sinh các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh góp phần tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số.


Ly- Hà

Mới nhất
x
Góp phần bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO