Góp phần thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

28/11/2016 10:55

(Baonghean) - Chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định 99 của Chính phủ là chính sách mới chưa có tiền lệ, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, phức tạp, nhưng với sự vào cuộc tích cực của các hạt kiểm lâm nên chính sách đã sớm đi vào cuộc sống, góp phần tạo bước chuyển mới trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở các huyện miền núi.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách được triển khai từ năm 2012, nhưng mới thực hiện đối với diện tích do chủ rừng Nhà nước quản lý. Từ năm 2015, theo Quyết định của UBND tỉnh, các hạt kiểm lâm: Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn,Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông - những đơn vị có diện tích rừng nằm trong lưu vực các nhà máy thủy điện được giao làm đầu mối chi trả dịch vụ môi trường rừng cho đối tượng chủ rừng ngoài chủ rừng nhà nước.

Quá trình triển khai, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó phức tạp nhất là nhiều diện tích rừng đang chủ chung (của xã), đại bộ phận hộ được giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 163 có diện tích nhỏ, đơn giá chi trả không đồng nhất (có thủy điện chi trả 400.000 đồng/ha, nhưng cũng có thủy điện chỉ chi trả 180.000 -190.000 đồng/ha). Mặt khác, nhận thức của người dân về pháp luật lâm nghiệp hạn chế, cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào rừng; diện tích rừng được chi trả là rừng sản xuất chủ yếu nằm bên mép sông, gần đường giao thông, khu dân cư gây áp lực lớn trong công tác quản lý bảo vệ...

Nhưng nhận rõ vị trí ý nghĩa to lớn của chính sách là động lực, đòn bẩy đưa công tác quản lý bảo vệ rừng đạt kết quả tốt nên lãnh đạo các hạt đã trăn trở tìm tòi đề ra được phương pháp thực hiện linh hoạt, hiệu quả. Bên cạnh thuê tư vấn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, các hạt đã giao kiểm lâm địa bàn tham mưu chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến Nghị định 99 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; rà soát, thống kê hiện trạng rừng, đối tượng nhận khoán. Đặc biệt công tác khoán, nghiệm thu, chi trả tiền bảo vệ rừng được các hạt hết sức chú trọng tổ chức khá chặt chẽ.

Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn phối hợp với người dân xã Mỹ Lý tuần tra bảo vệ rừng thượng nguồn Nậm Nơn.
Kiểm lâm huyện Quế Phong phối hợp với người dân xã Đồng Văn tuần tra bảo vệ rừng.

Cụ thể, dựa vào thực tế, điều kiện của mỗi địa bàn lưu vực để các hạt lựa chọn đối tượng là hộ, nhóm hộ hay hộ cộng đồng thôn bản ký hợp đồng giao khoán. Nhưng khi thanh toán tiền đều phải có nghiệm thu đánh giá kết quả cụ thể và tiền phải trả công khai trực tiếp cho đối tượng nhận khoán theo đơn giá diện tích rừng được giao khoán. Ví như ở Quế Phong, 4 lưu vực của 4 thủy điện có đặc thù riêng nên 4 lưu vực có 3 cách khoán khác nhau. Ở lưu vực thủy điện Cửa Đạt - Hủa Na cùng chung điều kiện như nhau được thực hiện theo 3 nhóm đối tượng (nhóm hộ gia đình, hộ cộng đồng và tổ bảo vệ rừng xã); lưu vực thủy điện Sao Va thực hiện ký hợp đồng theo 4 loại đối tượng nhận khoán: Nhóm hộ gia đình có đất giao theo Nghị định 163/CP, nhóm hộ giao đất tạm thời, hộ cộng đồng thôn bản, tổ bảo vệ rừng xã.

Theo ông Trần Đức Lợi - Phó hạt trưởng kiểm lâm huyện - người trực tiếp phụ trách chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của hạt lý giải: “Với cách khoán linh hoạt này có rất nhiều ưu điểm nổi trội. Đó là không sai nguyên tắc mà lại đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra là huy động một cách tốt nhất về lực lượng tham gia bảo vệ rừng”.

Qua tìm hiểu, thấy rằng: Nếu ký hợp đồng giao khoán với hộ thấy hay nhưng khi thực hiện rất khó. Vì phần lớn các hộ được giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 163 với diện tích nhỏ, nếu ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ, sẽ bất tiện trong công tác bố trí lao động tuần tra bảo vệ rừng. Ngược lại hợp đồng với nhóm hộ sẽ phát huy tính dân chủ, tính cộng đồng, huy động nhân lực tham gia bảo vệ rừng thuận lợi hơn. Bởi thông qua nhóm hộ hoặc hộ cộng đồng, vai trò của già làng trưởng bản, người uy tín được phát huy, việc bố trí, cắt cử người luân phiên tuần tra bảo vệ rừng sẽ dễ dàng, giúp công tác quản lý bảo vệ rừng đạt kết quả cao. Công tác thanh toán tiền giao khoán được hạt tiến hành chặt chẽ. Trước khi chi trả hạt tổ chức đoàn đại diện chính quyền xã, thôn bản và hạt nghiệm thu diện tích rừng giao khoán. Khi chi trả có thông báo trước để các hộ nhận khoán đến nhận và mời Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh giám sát.

Với cách làm sáng tạo, công khai minh bạch, năm 2015, có 6 hạt được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tổ chức ký hợp đồng với hàng trăm nhóm hộ đại diện cho hàng ngàn gia đình tham gia nhận khoán, bảo vệ an toàn cho trên 91.000 ha rừng thuộc lưu vực các nhà máy thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Nậm Nơn (Tương Dương), Cửa Đạt (Thanh Hóa), Hủa Na, Bản Cốc, Sao Va (Quế Phong), Ca Lôi, Nậm Mô - Nậm Cắn (Kỳ Sơn).

Các hạt đã chi trả cho các đối tượng nhận khoán 22.273,8 triệu đồng, tạo điều kiện cho người dân cải thiện cuộc sống. Nhiều hạt kiểm lâm thực hiện chi trả lớn đạt kết quả cao. Tiêu biểu, Hạt kiểm lâm Tương Dương năm 2015 chi trả cho các đối tượng trên 16,2 tỷ đồng kịp thời đầy đủ, thu hút 374 nhóm hộ và 5.296 hộ tham gia bảo vệ gần 67.000 ha rừng an toàn. Hạt kiểm lâm Quế Phong đã tổ chức ký hợp đồng với 89 nhóm hộ gia đình, 39 hộ cộng đồng, 7 tổ, thực hiện chính sách chi trả DVMTR đất rừng sản xuất trên địa bàn 5 xã và số tiền chi trả 6,312 tỷ đồng, hơn 19.000 ha rừng của 4 lưu vực thủy điện trên địa bàn hạt giao khoán được bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn.

a
Lãnh đạo qũy bảo vệ rừng trình bày về kế hoạch giảm phát thải và suy thoái từ rừng. Ảnh C.L

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn do kiểm lâm đảm nhận đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ về cả môi trường, kinh tế và hiệu ứng xã hội. Điều dễ nhận thấy, người dân được hưởng thụ chính sách tạo điều kiện tăng thu nhập cải thiện đời sống. Ngoài số tiền chi trả mỗi ha từ 200.000 - 400.000 đồng/năm, các hộ còn được tận thu các lâm sản phụ (măng, nứa, luồng, dược liệu) với mức thu nhập 5 - 10 triệu đồng để cải thiện đời sống. Chính sách có ý nghĩa sâu sắc đã tác động làm thay đổi nhận thức, hành vi của chủ rừng, nhất là chủ rừng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.

Khảo sát một số địa bàn như Đồng Văn (Quế Phong), chính sách còn góp phần thúc đẩy xã hội hóa nghề rừng, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo sinh kế của những người làm nghề rừng. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thực sự đã đưa lực lượng kiểm lâm gắn bó chính quyền và bà con thôn bản, đặc biệt đã tạo thuận lợi để các hạt nắm chắc tình hình tham mưu các giải pháp quản lý bảo vệ rừng, kịp thời ngặn chặn nạn khai thác lâm sản, đốt phát rừng trái phép. Qua đó giúp ngành xây dựng lực lượng kiểm lâm ngày càng vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao góp phần đưa công tác bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững.

Từ kết quả đó, năm 2016 chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng do các hạt đảm nhận được mở rộng thêm 49.000 ha, đưa tổng diện tích thực hiện lên hơn 141.000 ha./.

Hải Yến

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Góp phần thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO