Góp ý điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam

Thu Giang 21/06/2019 17:52

(Baonghean.vn) - Sau 12 năm thực hiện, đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cần được xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn phát triển mới.

Chiều 21/6, tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã báo cáo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng (QHCXD) Khu kinh tế Đông Nam.

Dưới sự chủ trì của đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh chiều 21/6 đã nghe trình bày báo cáo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: Thu Giang
Dưới sự chủ trì của đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh chiều 21/6 đã nghe trình bày báo cáo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: Thu Giang

Điều chỉnh quy hoạch cần lộ trình cụ thể, gắn trách nhiệm rõ ràng

Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 85/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007. QHCXD KKT Đông Nam Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1534/QĐ-TTg ngày 21/10/2008.

Đến nay, sau 12 năm thực hiện, đồ án QHCXD KKT Đông Nam Nghệ An cần được xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn phát triển mới.

Sự cần thiết lập nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể QHCXD KKT Đông Nam càng hiện rõ trong bối cảnh, định hướng phát triển của tỉnh Nghệ An, trong đó có KKT Đông Nam có những thay đổi đột phá, đó là: Nghị quyết 26/NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Thông báo số 55-TB/TW ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26/NQ/TW.

Vị trí và mối liên hệ vùng của Khu kinh tế Đông Nam.
Vị trí và mối liên hệ vùng của Khu kinh tế Đông Nam.

Phạm vi, ranh giới KKT Đông Nam Nghệ An đã được điều chỉnh theo các Quyết định số 67/2014/QĐ-TTg ngày 4/12/2014; Quyết định số 10/2015/QĐ-TTg ngày 3/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó phạm vi ranh giới KKT Đông Nam được điều chỉnh bao gồm 1.950 ha của KCN Hoàng Mai, KCN Đông Hồi và Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An. Tuy nhiên, những điều chỉnh này chưa được bổ sung vào quy hoạch chung.

Việc điều chỉnh tổng thể QHCXD lần này nhằm điều chỉnh theo 2 quyết định nói trên, phát huy hơn nữa lợi thế vị trí, tiềm năng của KKT Đông Nam Nghệ An để phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch gắn với hạ tầng khung sẵn có.

Đồng thời, đây cũng là việc làm nhằm khắc phục những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện QHCXD KKT Đông Nam như: Một số khu chức năng như các khu đô thị, khu phi thuế quan, khu trường chuyên nghiệp khó triển khai, khó thu hút đầu tư; trong một số khu chức năng như các khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu du lịch có nhiều dân cư sinh sống, mật độ cao, khó thực hiện công tác GPMB, nên khó thực hiện theo đúng quy hoạch…

Góp ý về nội dung này, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ cho biết việc điều chỉnh lại quy hoạch sau 12 năm thực hiện là hoàn toàn đúng. Từng có thời gian dài làm việc tại cơ sở, đồng chí Đoàn Hồng Vũ cho rằng, cần đưa thêm lĩnh vực công nghiệp nhẹ vào quy hoạch KCN Hoàng Mai, Đông Hồi, để đáp ứng nhu cầu thực tế của một bộ phận nhà đầu tư hiện nay.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thành kiến nghị cần bổ sung công năng để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, trong đó quan tâm đến các ngành chế tạo, chế biến… hướng tới phát triển bền vững. Còn lãnh đạo Sở Công Thương nêu quan điểm, cần sớm hoàn thiện việc điều chỉnh quy hoạch chung, để trình Thủ tướng thông qua, sớm đón đầu làn sóng đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thu Giang
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thu Giang

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định vị thế quan trọng của KKT Đông Nam trong sự phát triển chung của tỉnh, đề nghị cần có lộ trình cụ thể, gắn trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan trong quá trình chuẩn bị nội dung đề xuất Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT này.

Đồng thời, Ban Quản lý KKT Đông Nam và đơn vị tư vấn cần tiếp thu trên tinh thần cầu thị các ý kiến đóng góp trách nhiệm của các sở, ngành dự họp, nhất là liên quan đến các khía cạnh dự báo quỹ đất, tính toán cân đối, hợp lý, có tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì quan điểm cẩn thận trong xem xét, lựa chọn và thu hút đầu tư, không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Đồng ý với quan điểm hạn chế tối đa việc di dời các khu dân cư hiện hữu trong các khu chức năng như: Khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu du lịch…, đồng chí Thái Thanh Quý nói thêm, cần nghiên cứu thuyết minh kỹ lưỡng nội dung: Bổ sung Cảng Đông Hồi, bổ sung diện tích mặt nước thuộc Cảng Cửa Lò và Cảng Đông Hồi vào QHCXD KKT Đông Nam, để phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng trong KKT.

Xác định rõ nguồn lực, tránh dự án treo

Tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế đã trình bày Dự thảo “Đề án xây dựng và phát triển bệnh viện vệ tinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030”.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự họp thống nhất cao về chủ trương, song đề nghị Sở Y tế cần xác định rõ nguồn lực khi xây dựng đề án, tránh để đề án “treo”.

Phẫu thuật nội soi đã trở thành kỹ thuật thường quy ở các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Người đứng đầu chính quyền tỉnh lưu ý, việc phát triển bệnh viện vệ tinh trên địa bàn tỉnh là cần thiết, nhưng cần lưu ý cách tổ chức thực hiện và nguồn lực để thực hiện, cần có được sự thống nhất cao trong nội bộ, để đảm bảo khi thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

Các đại biểu dự họp cũng nhất trí với nội dung Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định việc sử dụng kinh phí từ ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông.

Theo đó, định mức phân bổ 70% kinh phí cho lực lượng công an trên địa bàn; 30% cho các lực lượng khác tại địa phương tham gia công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Dự thảo Nghị quyết sẽ được trình kỳ họp sắp tới của HĐND tỉnh xem xét thông qua.

Góp ý điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO