Góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030:Hiện đại hóa giáo dục phổ thông – “cú hích” chiến lược để Nghệ An phát triển bền vững
Với gần 40 năm gắn bó với ngành Giáo dục Nghệ An, Nhà giáo Ưu tú Lê Tiến Hưng – nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có những phân tích sâu sắc, đề xuất cụ thể xoay quanh nội dung phát triển nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giáo dục phổ thông và chiến lược hiện đại hóa giáo dục.


Mai Hoa (Ghi) • 23/07/2025

Tôi thực sự ấn tượng với tầm nhìn và khát vọng thể hiện trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2025 – 2030, đặc biệt là việc xác định ba khâu đột phá chiến lược: đột phá thể chế, đột phá phát triển hạ tầng, và đột phá phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, Nghệ An có lợi thế đặc biệt để tạo đột phá về nguồn nhân lực; đây không chỉ là yêu cầu cấp bách trước mắt trong 5 năm tới mà còn là bài toán chiến lược dài hơi cho 10 năm, 20 năm tiếp theo, tạo nền tảng để Nghệ An “sánh vai” với các địa phương dẫn đầu cả nước.

Muốn có nguồn nhân lực chất lượng, điểm xuất phát phải là giáo dục; trong đó, giáo dục phổ thông giữ vai trò nền tảng, quyết định tầm vóc và chất lượng của thế hệ tương lai. Kết quả đáng mừng và đáng khích lệ của giáo dục phổ thông Nghệ An chính là chất lượng mũi nhọn luôn nằm trong nhóm dẫn đầu toàn quốc, chất lượng đại trà cũng có những bước tiến vững chắc. Đây là vấn đề cần tiếp tục tập trung quan tâm đặc biệt, để một mặt vừa giữ sự ổn định về thành tích, vừa phát huy cao hơn nữa trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo một cách mạnh mẽ hơn hiện nay; vì thế, tỉnh cần có “cú hích” lớn cho giáo dục phổ thông.
Để phát triển giáo dục phổ thông, tôi có suy nghĩ cần hiện đại hoá cho giáo dục phổ thông về các điều kiện; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có chất lượng không chỉ mang tầm quốc gia mà phải mang tầm quốc tế, trên cơ sở đầu tư ngân sách để lựa chọn những thầy cô, giáo “tinh hoa” trong những người giỏi đi học tập, nghiên cứu, tiếp cận, giao lưu với các nền giáo dục tiên tiến, hiện đại trong khu vực và trên thế giới nhằm đi trước, đón đầu trong phát triển giáo dục hiện đại cho tỉnh. Khi làm được điều này sẽ lan toả, vươn tầm chất lượng cho cả đội ngũ nhà giáo, góp phần thúc đẩy sự vươn tầm giáo dục – đào tạo Nghệ An trong thời kỳ mới.
.jpg)
Cùng với chăm lo đội ngũ nhà giáo thì tỉnh cũng cần đầu tư hiện đại hóa giáo dục phổ thông, bao gồm cơ sở vật chất trường, lớp và thiết bị dạy học; gắn với tập trung mạnh cho chuyển đổi số, hạ tầng số, trí tuệ nhân tạo và nghĩ đến phủ sóng vệ tinh, trí tuệ đám mây…, dựa trên các công nghệ cốt lõi quốc tế, nhằm “đi tắt, đón đầu” trong phát triển giáo dục toàn diện và đồng đều giữa các vùng, miền.

Về lĩnh vực giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; tuy Nghệ An có nhiều trường đại học, trường dạy nghề, chuyên nghiệp, nhưng đúng như trong dự thảo báo cáo chính trị đã thẳng thắn chỉ ra là “chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ cao và nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng”. Bởi vậy, tỉnh cần nghiên cứu để có chỉ tiêu cụ thể và có các giải pháp đủ mạnh, mang tính đột phá và bứt phá cho lĩnh vực này vào dự thảo báo cáo chính trị làm cơ sở để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.
.jpg)
Với suy nghĩ của tôi thì tỉnh cần chọn một số ngành, nghề mà các trường đại học và trường nghề có thế mạnh để tập trung đầu tư nguồn lực và các điều kiện, bảo đảm các trường và lao động Nghệ An đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động trong tỉnh, cả nước, đồng thời tiếp cận, hội nhập với thị trường lao động khu vực, quốc tế; đồng thời chăm lo đúng mức vào mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, phát huy triệt để thế mạnh con người Nghệ An.
Phát triển giáo dục – đào tạo của Nghệ An được xác định là thế mạnh vượt trội trong cả nước; mong sao nhiệm kỳ mới 2025 – 2030, trên cơ sở xác định rõ được lợi thế so sánh, Đảng bộ tỉnh Nghệ An có sự lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư đúng mức và tổ chức thực hiện quyết liệt, để giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh có bước phát triển đột phá và dấu ấn trong cả nước, góp phần sớm đưa tỉnh Nghệ An trở thành tỉnh khá vào năm 2030.


Ngoài trăn trở, tâm huyết góp ý vào báo cáo chính trị thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tôi suy nghĩ, để đến năm 2030, Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, cực tăng trưởng tầm quốc gia thì cần quan tâm phát triển toàn diện miền Tây Nghệ An.
.jpg)
Muốn hiện thực hóa được nhiệm vụ này, thì trong dự thảo báo cáo chính trị cần dành một mục riêng phát triển miền Tây trở thành nhiệm vụ hết sức trọng tâm và cấp bách, từ đó đề ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt cũng như đầu tư mang tính tổng thể về hạ tầng, kinh tế, giáo dục, y tế…, nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển, đặc biệt là khai thác các tiềm năng, thế mạnh, tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng đô thị, đồng bằng và miền núi, vùng biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số./.