Pháp luật

Hạ màn kịch đóng giả gái xinh, 'lừa tình' cụ ông U70 của nhóm đối tượng ở Đặc khu Tam giác vàng

Trần Vũ 24/07/2025 10:17

Sau khi được huấn luyện “kịch bản lừa đảo” tại Đặc khu Tam giác vàng, Vi Văn Linh đã giả gái xinh để tiếp cận, làm quen, tán đổ cụ ông U70. Trong vòng hơn 1 tháng, vì tin tưởng người yêu mà cụ ông đã đầu tư hơn 18 tỷ đồng vào tiền ảo. Chưa hết, Linh và đồng bọn còn nhiều lần nhắn tin xin tiền mua nữ trang, quà cáp dịp lễ, “bỏ túi” số tiền lớn.

Kịch bản lừa đảo 4 bước

Một ngày cuối tháng 7, cụ ông 68 tuổi, trú tỉnh Lâm Đồng đã có mặt tại phòng xử án của TAND tỉnh Nghệ An từ sớm. Mái tóc muối tiêu được cắt gọn gàng, làn da ngăm, ông lặng lẽ ngồi tại vị trí bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông không ngờ lại bị đám thanh niên trạc tuổi con, cháu lừa đảo bằng thủ đoạn tinh vi.

lua dao
Bị cáo Vi Văn Linh khai nhận đã đóng giả gái xinh để lừa bị hại. Ảnh: Trần Vũ

Kẻ suốt nhiều tháng đóng vai gái xinh, buông lời đường mật với bị hại là Vi Văn Linh (SN 2003), trú xã Con Cuông. Ngoài ra còn có các đối tượng khác giúp sức gồm: Kha Văn Úc (SN 2002, trú xã Mậu Thạch), Lộc Văn Tào (SN 2001) và Lương Văn Hiền (SN 2002) cùng trú xã Nga My, Vi Thị Lệ (SN 2002, trú xã Bình Chuẩn, Nghệ An).

Những “nam thanh, nữ tú” này sang Đặc khu kinh tế Tam giác vàng (thuộc tỉnh Bô Keo, nước Lào) vào khoảng tháng 9/2023, làm việc cho các đối tượng người Trung Quốc. Nhóm này hoạt động dưới dạng công ty, chuyên lôi kéo, tuyển mộ người Việt Nam và Lào tham gia lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người Việt.

Khi vào “công ty” các đối tượng sẽ được người Trung Quốc phân chia thành từng tổ để làm việc. Các thành viên sẽ được cung cấp máy tính, điện thoại, được đào tạo, huấn luyện sử dụng “kịch bản lừa đảo” gồm 4 bước.

Đầu tiên, chúng sẽ tạo các tài khoản mạng Facebook, Zalo giả của nhiều người, chia sẻ hình ảnh độc thân, giàu có, cuộc sống sung túc có được từ việc tham gia đầu tư qua ứng dụng “Biconomynft” (đây là ứng dụng sàn giao dịch tiền điện tử ảo do các đối tượng người Trung Quốc tự lập ra và điều khiển theo ý muốn của chúng).

Sau đó, các đối tượng sẽ lựa chọn “con mồi” phù hợp để gửi lời kết bạn, nhắn tin làm quen, tạo mối quan hệ yêu đương, hẹn hò qua mạng. Một thời gian sau, các đối tượng sẽ tìm cách kêu gọi, dụ dỗ nạn nhân đầu tư tiền ảo.

Lúc đầu, các đối tượng sẽ chuyển trả một số tiền để nạn nhân tin tưởng, tăng dần khoản tiền đầu tư. Sau đó, căn cứ kết quả đầu tư của “con mồi”, nhóm chủ mưu sẽ đưa ra các đánh giá nhằm quyết định “vỗ béo” hay “giết thịt”.

Cuối cùng, khi các nạn nhân đã tham gia đầu tư đến một số tiền nhất định, đối tượng chủ mưu sẽ “đóng băng” tài khoản, không cho phép rút tiền và đưa ra nhiều lý do như nạp thêm phí mở tài khoản, phí rút tiền, thuế thu nhập… để lừa nạn nhân tiếp tục chuyển tiền. Bước này sẽ diễn ra cho đến khi nạn nhân không còn tiền để chuyển hoặc nhận ra mình bị lừa mà dừng lại.

Giả gái xinh “tán đổ” cụ ông, lừa đảo hàng chục tỷ

Từ tháng 9/2023 đến ngày 12/6/2024, Tào, Hiền, Linh, Úc, Lệ sang đặc khu Tam giác vàng làm việc. Vi Văn Linh được phân về tổ do người Lào quản lý. Các đối tượng còn lại được phân công về tổ do Lộc Văn Tào làm tổ trưởng. Hàng ngày, tổ trưởng sẽ đôn đốc, thúc giục các thành viên tập trung làm nhiệm vụ.

nhom lua dao1
Các bị cáo tham gia lừa đảo tại đặc khu Tam giác vàng. Ảnh: Trần Vũ

Theo hồ sơ vụ án, các đối tượng này đã cùng nhau lừa ông N.V.H. (68 tuổi, trú tỉnh Lâm Đồng) hơn 19,3 tỷ đồng. Trong đó, Vi Văn Linh là người trực tiếp lừa đảo bằng hình thức giả gái xinh để tiếp cận, tán tỉnh yêu đương ông H.

Thông qua tài khoản “Phạm Quỳnh Châu” Linh nói chuyện, tán tỉnh ông L. Khi bị hại nảy sinh tình cảm, Linh dụ dỗ cài đặt, hướng dẫn đầu tư tiền ảo với nhiều hứa hẹn về lợi nhuận. Tin tưởng, ông H. đã làm theo các hướng dẫn của Linh, chuyển hơn 18,1 tỷ đồng để đầu tư.

Quá trình chuyển tiền để đầu tư, ông H. nhận được 320 triệu đồng “tiền lời”. Sau thời gian “câu mồi”, ngày 29/3/2024 chủ công ty yêu cầu tổ của Linh ngừng nói chuyện với ông H. để “giết thịt” rồi đóng băng tài khoản. Trong phi vụ lừa đảo này, Linh được ông chủ Trung Quốc chia hơn 1,1 tỷ đồng tiền hoa hồng.

Ngoài ra, do đánh bạc trên mạng thua lỗ nên Linh đã nhắn tin, nói chuyện tình cảm, yêu đương để xin và vay tiền của ông H. Vi Văn Linh nói là mua nữ trang và tiền quà các dịp lễ tết, để chiếm đoạt của nạn nhân 147 triệu đồng. Như vậy, trong vụ án này Linh đã hưởng lợi bất chính từ việc lừa đảo là hơn 1,2 tỷ đồng.

Cùng giúp sức cho Linh là Lộc Văn Tào, Kha Văn Úc, Vi Thị Lệ, Lương Văn Hiền và nhiều đối tượng khác chưa xác định được. Tào là tổ trưởng, có vai trò quản lý giờ giấc, đôn đốc thành viên trong tổ làm việc, điều chỉnh thông số phần mềm trên máy tính theo hướng dẫn của đối tượng quản lý.

Hiền và Úc là những người thực hành đắc lực. Do đó, các đối tượng này phải chịu trách nhiệm đối với số tiền mà Linh lừa đảo bị hại. Bên cạnh đó, Úc còn một mình nhắn tin, lừa tình cảm ông H. để chiếm đoạt của cụ ông hơn 1,1 tỷ đồng. Số tiền trên, Úc dùng mua xe SH, trả tiền sửa nhà cho bố mẹ và chi tiêu cá nhân.

Sau thời gian miệt mài lừa đảo, các đối tượng xin ông chủ cho về nước nghỉ ngơi, giải quyết việc riêng. Đến ngày 19/6/2024 Kha Văn Úc và Vi Văn Linh bị cơ quan cảnh sát điều tra công an Nghệ An bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp. Ít ngày sau, khi biết đồng bọn bị bắt 3 đối tượng còn lại đến công an đầu thú.

“Tôi mất tiền, mất cả danh dự”

Với hành vi phạm tội trên các bị cáo Vi Văn Linh, Kha Văn Úc, Lộc Văn Tào, Vi Thị Lệ và Lương Văn Hiền bị truy tố và đưa xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước bục khai báo, các đối tượng thừa nhận hành vi đóng giả gái xinh để tiếp cận, lừa đảo bị hại.

Linh khai quá trình tiếp cận, tán tỉnh bị hại chỉ nhắn tin chứ không gọi điện. Sau khoảng hơn 3 tháng “xây dựng tình cảm”, Linh dụ dỗ bị hại đầu tư tiền vào tiền ảo. Sau đó, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, bị hại đã 65 lần chuyển tổng cộng hơn 18 tỷ đồng.

Các bị cáo khai nhận, dù biết sang Lào sẽ làm công việc lừa đảo nhưng vì hám lợi đã bất chấp. Trong đó, có những bị cáo dù đã về nước nhưng vẫn quay lại để tiếp tục lừa đảo. Số tiền bất chính có được các đối tượng khai đã chi tiêu hết.

Tại phiên tòa, các đối tượng khai nhận, mức lương cứng mà chúng nhận được mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng. Mỗi tháng, các đối tượng đều bị ông chủ Trung Quốc áp chỉ tiêu phải lừa 3.000 USD trở lên. Nếu vượt chỉ tiêu thì đối tượng nào trực tiếp nói chuyện, nhắn tin dụ dỗ sẽ được thưởng hoa hồng 6%/trên số tiền lừa thành công, tổ trưởng hưởng 3%. Nếu ai không đạt được sẽ trừ lương. Khi đối tượng nào lừa thành công thì đưa thông tin lên nhóm chat để những đối tượng khác biết và gửi lời chúc mừng.

bi hai lua dao
Trong thời gian ngắn, bị hại bị lừa hơn 19 tỷ đồng. Ảnh: Trần Vũ

Vào cuối ngày làm việc, đối tượng cầm đầu sẽ tổ chức họp để công bố kết quả của từng cá nhân, từng tổ về số tiền đã lừa đảo được nhằm động viên, khuyến khích những đối tượng lừa đảo thành công. Đồng thời nhắc nhở, đốc thúc các đối tượng khác phải học tập, nâng cao kỹ năng lừa đảo cho những lần sau.

Tham dự tòa với tư cách bị hại, ông H. cho biết đã mất tất cả vì hành vi lừa đảo của các bị cáo. “Không những mất tiền, mất tài sản nhà cửa, tôi còn mất danh dự, không dám về quê hương”, ông trình bày ngắn gọn tại tòa. Bị hại yêu cầu các bị cáo phải hoàn trả lại tiền cho mình. Bởi phần đa số tiền ông gửi cho nhóm lừa đảo là do huy động vay mượn bạn bè, người thân.

HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật, nguy hiểm cho xã hội. Sau khi xem xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án, tòa tuyên phạt Vi Văn Linh tù chung thân, Kha Văn Úc 19 năm tù, Lộc Văn Tào 12 năm tù. Riêng Vi Thị Lệ và Lương Văn Hiền mỗi bị cáo lĩnh án 9 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phiên tòa kết thúc với những bản án nghiêm khắc dành cho các bị cáo. Riêng bị hại thì lặng lẽ ra về. Bị nhóm đối tượng trẻ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn là cú sốc lớn đối với cụ ông.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Hạ màn kịch đóng giả gái xinh, 'lừa tình' cụ ông U70 của nhóm đối tượng ở Đặc khu Tam giác vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO