Hà Nội và TP.HCM 'chạy đua' đăng cai SEA Games 31

06/02/2017 08:57

Chính phủ sẽ chốt quyền đăng cai trong năm 2017, sau khi Hà Nội và TP.HCM trình bày các đề án cũng như giải pháp khả thi để đăng cai Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 vào năm 2021.

Hà Nội đang lợi thế

Hà Nội trở thành ứng viên sáng giá bởi không phải xây dựng công trình thể thao mới, khi đã có Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước. Cuối năm 2016 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký văn bản xin Chính phủ đồng ý với phương án chọn Hà Nội làm nơi đăng cai SEA Games 31. Lãnh đạo TP.Hà Nội khẳng định dựa trên kinh nghiệm từng tổ chức SEA Games 22 năm 2003, Đại hội thể thao trong nhà châu Á năm 2009 và điều kiện cơ sở vật chất hiện có, thủ đô hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu tổ chức SEA Games 31.

Đặc biệt, ban tổ chức đại hội sẽ nỗ lực lồng ghép hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ tổ chức SEA Games 31 với triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thủ đô và các địa phương lân cận từ nay đến năm 2020; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, đồng thời có cơ chế thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước và toàn xã hội.

Trung tâm thể thao Phú Thọ (TP.HCM) dự kiến được mở rộng để phục vụ SEA Games 31. Ảnh: Khả Hòa
Trung tâm thể thao Phú Thọ (TP.HCM) dự kiến được mở rộng để phục vụ SEA Games 31. Ảnh: Khả Hòa

Theo dự thảo đề án sửa đổi lần 4, tổng nguồn chi dự kiến là hơn 1.700 tỉ đồng (nếu tổ chức ở Hà Nội), được phân bổ thành hai hạng mục: công tác tổ chức 957 tỉ đồng; đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình thể thao 785,2 tỉ đồng, trong đó được dồn nhiều tiền nhất là Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình (108 tỉ đồng), Cung thể thao dưới nước (48 tỉ đồng)... Nguồn thu vào khoảng gần 97 tỉ đồng, trong đó thu từ các đoàn là 79,2 tỉ; từ tài trợ, quảng cáo 15 tỉ và bản quyền truyền hình 2,5 tỉ.

“TP.HCM sẽ dùng vốn của thành phố”

Đầu tháng 11.2016, tại buổi làm việc giữa Thành ủy TP.HCM với Đảng ủy Sở VH-TT, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng đã chấp thuận chủ trương TP.HCM đăng cai SEA Games 31 để thu hút đầu tư, du lịch... phát triển ngành TDTT của thành phố. Ông Thăng chỉ đạo: “Chúng ta phải có đề án cụ thể để báo cáo Chính phủ là thành phố đứng ra đăng cai và dùng vốn của thành phố chứ không dùng vốn của Chính phủ”.

TP.HCM dự kiến sử dụng tối đa nguồn xã hội hóa để lấy kinh phí tổ chức SEA Games 31. Tổng nguồn thu từ tài trợ, đóng góp của các đoàn theo quy định..., dự tính vào khoảng 1.700 - 1.800 tỉ đồng. Nếu tổ chức ở TP.HCM, nguồn chi sẽ khoảng 2.000 tỉ đồng nhưng số tiền chi thực tế sẽ khoảng 300 - 400 tỉ đồng (vì đã có nguồn thu bù vào).

Trong dự thảo đề án đăng cai, TP.HCM dự kiến xây mới Trung tâm thể thao Phan Đình Phùng thành tổ hợp hiện đại 5 tầng để tổ chức thể dục dụng cụ, billiards, bóng rổ, bóng ném; mở rộng Trung tâm thể thao Phú Thọ để tổ chức các môn võ thuật, xây thêm ở đây một số hồ bơi, sân tennis.

Khu thể thao Rạch Chiếc đang dở dang từ hơn 10 năm nay sẽ được khởi động trở lại; đầu tư mua mới các bia điện tử phục vụ môn bắn súng; cải tạo sân Thống Nhất tổ chức một bảng của bóng đá (bảng còn lại ở Bình Dương); kết hợp với Bình Dương, Đồng Nai tổ chức một số môn; tận dụng khu ký túc xá của Đại học Quốc gia TP.HCM làm làng VĐV. Năm 2020, TP.HCM cũng đã có đường sắt đô thị nên việc đi lại của các đoàn sẽ khá dễ dàng.

Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết ngành đang đợi dự án đăng cai của Hà Nội và TP.HCM, sau đó tiến hành xem xét một cách cẩn trọng dự án nào mang tính khả thi, tiết kiệm nhất để trình Chính phủ phê duyệt.

Theo TNO

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Hà Nội và TP.HCM 'chạy đua' đăng cai SEA Games 31
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO