Hạ viện Nga phê chuẩn dự luật ngắt kết nối Internet; Quân đội Sudan đảo chính, bắt giam Tổng thống
(Baonghean.vn) - Quân đội Sudan đảo chính, bắt giam Tổng thống; Hạ viện Nga phê chuẩn dự luật cho phép ngắt kết nối Internet; EU nhất trí gia hạn Brexit đến cuối tháng 10; Cảnh sát Anh nói bắt ông chủ WikiLeaks vì Mỹ... là những tin tức nổi bật của thế giới 24h qua.
Quân đội Sudan đảo chính, bắt giam Tổng thống
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir. Ảnh: AP |
"Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi tuyên bố chế độ đã bị lật đổ và người đứng đầu chế độ đang bị giam ở một nơi an toàn", Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Awad Ibnouf ngày 11/4 thông báo trên truyền hình quốc gia. Hội đồng Quân sự mới thành lập tuyên bố ngừng bắn trên khắp Sudan, bao gồm Darfur, một khu vực xung đột ở phía Tây đất nước. Ibnouf cho biết, Hội đồng Quân sự sẽ thay Tổng thống điều hành đất nước trong 2 năm và hiến pháp năm 2005 của Sudan đã bị "đình chỉ". Cơ quan an ninh trước đó tuyên bố sẽ phóng thích tất cả tù nhân chính trị.
Ngay từ sáng sớm nay, xe quân sự chở theo binh sĩ và các lực lượng an ninh đã được triển khai trên khắp trung tâm thủ đô Khartoum. Một nhóm binh sĩ bố ráp văn phòng của Phong trào Hồi giáo, một thành phần của đảng Quốc dân Đại hội cầm quyền.
Hạ viện Nga phê chuẩn dự luật cho phép ngắt kết nối Internet
Nghị sĩ Nga tham dự một cuộc họp tại Duma Quốc gia tháng 5/2018. Ảnh: AP. |
Các nghị sĩ Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga, ngày 11/4 phê chuẩn dự luật cho phép nước này ngắt truy cập Internet khỏi các máy chủ nước ngoài với tỷ lệ 320 phiếu thuận, 15 phiếu chống. Dự luật được truyền thông Nga gọi là "Internet chủ quyền" này sẽ chính thức trở thành luật và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/11. Dự luật cho phép Nga tạo ra công nghệ giám sát đường truyền Internet và hướng người dùng mạng của Nga khỏi các máy chủ ở nước ngoài.
Quân đội Nga tháng trước thông báo bắt đầu xây dựng mạng Internet riêng có tên Mạng Truyền tải Thông tin Đa dịch vụ (MTSS) trong dự án kéo dài trong 2 năm, giai đoạn đầu tiên sẽ kết thúc vào cuối năm 2019. Mạng MTSS sử dụng đường truyền cáp quang, có công cụ tìm kiếm riêng và dịch vụ điện toán đám mây tương tự iCloud phục vụ nhu cầu của lực lượng.
EU nhất trí gia hạn Brexit đến cuối tháng 10
(Ảnh: Europa EU). |
Theo đề nghị được lùi thời hạn Brexit đến cuối tháng 6/2019 từ phía Anh, lãnh đạo các nước EU đã có cuộc gặp căng thẳng kéo dài từ tối ngày 10/4 (theo giờ châu Âu) và chỉ đạt được đồng thuận vào rạng sáng ngày 11/4.
Theo đó, EU nhất trí thời hạn mới của Brexit sẽ là ngày 31/10/2019, ngay trước thời điểm Ủy ban châu Âu khóa mới chính thức đi vào hoạt động. Đây là một thời hạn linh động, từ nay cho đến thời điểm này, Anh có thể rời EU bất cứ lúc nào nếu Hạ viện Anh phê chuẩn thỏa thuận rút lui đạt được với EU vào cuối năm 2018 vừa qua.
Cảnh sát Anh nói bắt ông chủ WikiLeaks vì Mỹ
Cảnh sát Anh áp giải ông chủ WikiLeaks Julian Assange (tóc trắng) ra khỏi đại sứ quán Ecuador ở London ngày 11/4. Ảnh:Rupity/TTXVN |
Julian Assange, người thành lập WikiLeaks, bị cảnh sát Anh bắt giữ hôm 11/4, tại Đại sứ quán Ecuador ở London, nơi ông xin tị nạn chính trị từ năm 2012. Tổng thống Ecuador Moreno viết trên Twitter rằng Ecuador "quyết định chấm dứt chế độ tị nạn với Julian Assange vì vi phạm các quy ước và thông lệ quốc tế".
Cảnh sát London nói họ thay mặt cho Mỹ bắt ông Assange. Ngay sau vụ bắt giữ, phía Mỹ đã gửi yêu cầu dẫn độ ông trùm Wikileaks. Mỹ từng ra lệnh bắt giữ Julian Assange vì tội danh tiết lộ hàng ngàn bí mật quốc gia vào năm 2010.
Pháp tăng quyền cho cảnh sát khi giải quyết các cuộc biểu tình
Người biểu tình "áo vàng" tập trung tại khu vực La Defense, phía Tây Paris, Pháp, ngày 6/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo AFP, Công báo Pháp ngày 11/4 đưa tin, Tổng thống Emmanuel Macron đã ký ban hành một đạo luật cho phép các lực lượng an ninh có nhiều quyền hơn trong giải quyết các cuộc biểu tình mà những người phản đối cáo buộc là vi phạm quyền tự do của công dân. Đạo luật đã được các nhà lập pháp thông qua hồi tháng Hai, nhằm trấn áp mạnh những vụ bạo lực do phong trào biểu tình "áo vàng" gây ra, vốn đã nổ ra từ tháng 11/2018 ở nước này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner đã đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, hoan nghênh đạo luật này là một "văn bản bảo vệ nước Pháp khi đương đầu với mất an ninh và bạo lực. Đó là một văn bản bảo vệ thể chế và tự do của chúng ta".