Hai cựu binh Việt - Pháp đặc biệt trong lễ đón Tổng thống Macron ở Phủ Chủ tịch
Hai cựu chiến binh Việt Nam và Pháp từng ở thế đối đầu trên chiến trường Điện Biên Phủ hơn 70 năm trước, nay gặp nhau như những người bạn trong lễ đón Tổng thống Pháp ở Phủ Chủ tịch.
Ngày 26/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã chủ trì lễ đón trọng thể Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân Brigitte Macron đang có chuyến thăm Việt Nam.
Dự lễ đón, ngoài đoàn đại biểu cấp cao 2 nước, còn có 2 vị khách mời đặc biệt - cựu binh Việt Nam và Pháp.

Hai cựu binh ở hai chiến tuyến nắm chặt tay nhau
Đại tá, cựu chiến binh Phạm Minh Nghĩa (90 tuổi), nguyên là trợ lý tác chiến Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân tiên phong, nay là Sư đoàn Bộ binh 308, Quân đoàn 12).
Còn phía Pháp là cựu binh William Schilardi (91 tuổi) từng tham chiến ở Điện Biên Phủ, tại tiểu đoàn 8 Lính dù thiện xạ.
Dưới bóng cờ Việt Nam và Pháp, hai cựu binh cao tuổi chống gậy - từng ở hai chiến tuyến đối đầu nhau hàng chục năm về trước tại Điện Biên Phủ, nay gặp nhau, nắm chặt tay nhau như đôi bạn tại Phủ Chủ tịch. Hình ảnh ấy để lại ấn tượng mạnh với quan chức, các đại biểu dự lễ đón.
Đã vào Phủ Chủ tịch nhiều dịp nhưng với ông Phạm Minh Nghĩa, đây là ngày đặc biệt.
"Tôi đã tham gia 3 cuộc chiến tranh, đồng đội còn sống hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay và hầu hết tuổi cao không thể đi lại được. Tôi đặc biệt cảm ơn Đảng, Nhà nước đã mời tôi - đại diện cho anh em cựu chiến binh đến dự lễ đón trang trọng này.
Được diện kiến Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Pháp, chứng kiến quan hệ hai nước phát triển như ngày nay, tôi cảm thấy rất vinh dự, buổi lễ diễn rất trang nghiêm, trọng thị", ông Nghĩa rơm rớm nước mắt khi nói về lời mời dự lễ đón.

Trong bộ quân phục đã sờn màu, ngực đeo đầy huân chương, cựu chiến binh Phạm Minh Nghĩa từ tốn đứng trong hàng ngũ đại biểu dự lễ đón.
"Bất ngờ khi một người đàn ông Pháp lớn tuổi bước đến nhìn tôi mãi, tôi chủ động đưa tay ra bắt, ông ấy nắm lấy tay tôi, rất chặt. Ông nhìn tôi đầy vẻ xúc động. Ông cứ nắm tay tôi mãi. Sau tôi mới biết ông là cựu binh từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ", ông Nghĩa kể.
Mối "lương duyên" Việt - Pháp vượt qua thăng trầm của lịch sử
Năm 1949, khi mới 14 tuổi, chàng thanh niên Phạm Minh Nghĩa đã làm liên lạc cho Tiểu đoàn Bạch Đằng tại Quảng Yên (Quảng Ninh). Đầu năm 1954, ông được bổ sung về Đại đoàn 308 để tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò trợ lý tác chiến.
Với ông William Schilardi, chiến tranh đã làm ông "thức tỉnh", khiến ông hiểu rõ giá trị cuộc sống. Cho đến bây giờ, ông vẫn thường nhớ đến khoảnh khắc được trả tự do, khoảng 4 tháng sau khi kết thúc trận chiến Điện Biên Phủ. Đó là một khoảnh khắc bình yên, nhẹ nhàng, hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông.
Chiến dịch Điện Biên Phủ trở thành một bước ngoặt lớn trong lịch sử, để lại những vết thương hằn sâu trong ký ức của những cựu binh Pháp về một thời kỳ đen tối trong cuộc đời họ.
Về phần mình, qua theo dõi báo chí, ông Nghĩa bày tỏ vui mừng khi quan hệ Việt Nam và Pháp đã phát triển vượt bậc, đặc biệt khi năm 2024, trong chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Ông bày tỏ ấn tượng khi mối quan hệ gần gũi giữa Việt Nam và Pháp là kết quả của hành trình cùng nhau nỗ lực làm việc, duy trì và kết nối trong mọi lĩnh vực, ở mọi cấp độ giữa hai bên, từ các cơ quan trung ương và địa phương.
"Trước đây, hai nước thù địch với nhau, nhưng nay là đối tác tin cậy, chân thành của nhau. Nhưng tôi muốn nói rõ: gác lại quá khứ để cùng nhau hợp tác, phát triển nhưng không được quên quá khứ", ông Nghĩa bày tỏ.
Với tư cách Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Điện Biên Phủ của Pháp, ông Schilardi từng tháp tùng Thủ tướng Edouard Philippe trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11/2018. Ông đã thăm Điện Biên Phủ tới 4 lần. Dù tuổi cao nhưng năm vừa rồi, ông cùng một số cựu chiến binh khác đến Điện Biên để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Điện Biên Phủ.
![]() | ![]() |
Mối "lương duyên" Việt - Pháp vượt qua thăng trầm của lịch sử, cùng hướng tới tương lai, ngày càng tốt đẹp, tin cậy và gắn bó, trở thành bạn bè và đối tác chiến lược toàn diện quan trọng của nhau.
Những cựu binh như ông Nghĩa, ông Schilardi vẫn tiếp tục kể câu chuyện của mình với mong muốn đưa ra lời khuyên cho thế hệ mai sau về nỗi kinh hoàng của chiến tranh, để thấy được tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình bằng mọi giá.