Hai nữ sinh lớp 9 người Thái xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh

Mỹ Hà 24/01/2024 10:07

(Baonghean.vn) - Lương Thúy Kiều và Lương May Duy, học sinh lớp 9B, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Tĩnh là hai nữ sinh duy nhất người dân tộc thiểu số giành giải Nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2023 - 2024.

Lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống

“Nâng cao nhận thức bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật diễn xướng của đồng bào Thái, Yên Tĩnh tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Yên Tĩnh, Tương Dương” là tên gọi dự án tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học của hai em Lương Thúy Kiều và Lương May Duy.

z5086801717789-c13c78dcee827fe4796d10584e7f39f1-1289-6866.jpg
Lương Thúy Kiều và Lương May Duy thuyết trình tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật của huyện Tương Dương. Đây cũng là 1 trong 2 dự án đạt giải Nhất được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương chọn tham dự cuộc thi cấp tỉnh. Ảnh: NTCC

Đây là một dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, nội dung dự án không quá mới nhưng lại có nét đặc biệt riêng bởi cả quá trình từ lên ý tưởng, thực hiện và triển khai đề tài, các em đều lấy nguồn “tư liệu sống” từ chính mảnh đất, từ bản làng nơi các em sinh sống.

Chia sẻ về điều này, học sinh Lương May Duy cho biết: Trong quá trình học tập bộ môn Âm nhạc và Lịch sử, chúng em nhận thấy, đồng bào dân tộc Kinh có một kho tàng nghệ thuật biểu diễn dân gian hết sức phong phú, đặc sắc, chứa đựng nhiều ý nghĩa quan trọng cả về lịch sử lẫn đời sống của dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào người Kinh nói riêng.

Thế nhưng, với đồng bào Thái, em và nhiều bạn học khác trong trường lại không thể biết, nhớ và biểu diễn được trọn vẹn bất kỳ một hình thức diễn xướng nào của đồng bào mình nữa. Vì vậy, em mong rằng, được tìm về nguồn cội dân tộc mình thông qua nghệ thuật biểu diễn dân gian.

bna-trong-8446.jpg
Trong quá trình thực hiện đề tài nhóm tác giả đã đi tìm hiểu về các nghệ thuật biểu diễn dân gian từ chính những người dân nơi các em sinh sống. Ảnh: NTCC

Gọi là nghệ thuật biểu diễn dân gian nhưng trước khi đến với dự án này, hiểu biết của May Duy và Thúy Kiều chỉ gói gọn ở Câu lạc bộ bảo tồn và giữ gìn nghệ thuật cồng chiêng, khắc luống của bản Văng Cuộm (xã Yên Tĩnh) - nơi các em sinh sống. Một ít kiến thức còn lại là qua những bài thổi sáo, những bài hát nhuôn, hát khắp mà mẹ các em, bà các em vẫn thỉnh thoảng hát trong những ngày Tết, ngày hội của làng.

Đồng hành với học sinh trong dự án này là cô giáo Ngân Thị Thanh Thủy - giáo viên dạy Ngữ văn của các em và cũng là một người con của dân tộc Thái. Tuy vậy, khi cùng học sinh triển khai dự án cô Thủy cũng chia sẻ: Tôi vốn là người Thái nhưng lại lớn lên ở thị trấn Tương Dương nên những nét văn hóa của dân tộc mình bị mai một khá nhiều. Thực tế, tôi chỉ có thể nói được tiếng Thái, còn lại tất cả những phong tục tập quán, những nghệ thuật đặc sắc của dân tộc tôi đều rất hạn chế. Nhiều kiến thức tôi phải tìm hiểu lại từ đầu.

fotojet-15-8114-4024.jpg
Các giải pháp được nhóm tác giả thực hiện như sưu tầm, tìm hiểu về nghệ thuật diễn xướng, thành lập câu lạc bộ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh về việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Ảnh: NTCC

Là một người mới trong hành trình đi tìm kiếm lại những giá trị văn hóa của dân tộc, cô giáo Ngân Thị Thanh Thủy và các học trò gặp rất nhiều khó khăn trong gần 8 tháng triển khai dự án này. Bên cạnh đó, là những khó khăn khác trong việc triển khai các phương pháp nghiên cứu khoa học từ việc xây dựng cơ sở lý luận, phân tích vấn đề, điều tra khảo sát, lý giải nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật diễn xướng dân gian dân tộc Thái.

Chia sẻ thêm về điều này, học sinh Lương Thúy Kiều cho biết: Từ khi triển khai đề tài em và cô giáo đã đi thực tế ở các câu lạc bộ trên địa bàn, gặp gỡ các nghệ nhân để tiến hành điều tra, thu thập các thông tin. Sau khi sàng lọc, chúng em tập trung vào các loại hình nghệ thuật chính đó là kể chuyện, tìm hiểu những bài hát nhuôn, nghệ thuật khắc luống, cồng chiêng, nhảy sạp…

Để dự án có tính khả thi cao, từ những kiến thức đã thu thập được trong thực tế, nhóm tác giả đã đưa ra nhiều giải pháp để từ đó lan tỏa các giá trị nghệ thuật diễn xướng vào trong nhà trường. Ví dụ để giúp nhiều học sinh hiểu hơn về loại hình này, nhóm đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh của trường .

Bên cạnh đó, các em đã tìm đến phụ huynh để tìm kiếm sự đồng tình và khơi dậy sự quan tâm của phụ huynh học sinh về việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật diễn xướng dân gian của đồng bào Thái Yên Tĩnh.

Đặc biệt, nhóm cũng có nhiều giải pháp để thực nghiệm như sưu tầm, tìm hiểu về nghệ thuật diễn xướng, thành lập câu lạc bộ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh về việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Nhà trường cũng đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu nghệ thuật diễn xướng dân gian dưới hình thức chuyển thể các ca khúc suối, lăm, nhuôn thành truyện chữ hoặc tranh vẽ, thi nhảy sạp, múa lăm vông…

Tự tin để là chính mình

Gần 1 tuần sau lễ bế mạc và trao giải, nhóm tác giả và cô giáo hướng dẫn đến từ Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Tĩnh vẫn chưa tin rằng dự án của mình đã giành giải Nhất. Đây cũng là một trong ít dự án ở bậc Trung học cơ sở dành được kết quả cao nhất này và là dự án duy nhất đến từ huyện miền núi cao.

bna-co-giao-7588.jpg
Cô giáo Ngân Thị Thanh Thủy và các học trò đã có 8 tháng để triển khai dự án. Ảnh: NTCC

Nói về các học trò của mình, cô giáo Ngân Thị Thanh Thủy nói thêm: Từ vòng thi huyện đến vòng thi tỉnh tôi luôn tin tưởng vào các học trò của mình. Tuy nhiên, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến giải Nhất bởi đây là cuộc thi có tính cạnh tranh cao với rất nhiều dự án được tuyển chọn kỹ càng từ cơ sở. Tôi cũng cho rằng, ngoài kết quả nghiên cứu, ban giám khảo đã dành giải thưởng này cho riêng các học trò bởi các em đã dũng cảm đứng giữa đám đông để giới thiệu và bảo vệ thành quả của chính mình.

Lương Thúy Kiều và Lương May Duy đều là con nhà thuần nông, bố mẹ sống bằng nghề nương rẫy. Sống ở xa trung tâm, hoàn cảnh khó khăn nên lần đầu tiên được tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cũng là lần đầu tiên các em được xuống thành phố Vinh. Bỏ qua sự bỡ ngỡ ban đầu, Kiều và Duy đã đem đến cuộc thi này nhiều điều bất ngờ. Đặc biệt là giữa rất nhiều câu hỏi và yêu cầu của ban giám khảo, Kiều đã tự tin, mạnh dạn trả lời một cách mạch lạc.

bna-co-tro-1239.jpg
Ban Giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tương Dương đồng hành với cô trò tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh tại thành phố Vinh. Ảnh: NTCC

Trong khi đó May Duy đã không ngại ngần trình bày một bài hát nhuôn của dân tộc mình. Kể thêm về điều này, May Duy nói thêm: Lúc ban giám khảo đề nghị chúng em trình bày một bài hát của đồng bào Thái ở Yên Tĩnh, em không bất ngờ bởi trước khi đến với cuộc thi này em đã chuẩn bị kỹ càng. Hơn thế, ở trường em tham gia các câu lạc bộ và thường xuyên biểu diễn cho các bạn, cho thầy cô nên không ngại ngùng.

Với giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, học sinh Lương Thúy Kiều, Lương May Duy và cô giáo Thanh Thủy cũng nói rằng, đó là phần thưởng sau những nỗ lực, cố gắng.

bna-sgd-3560-7016.jpg
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng cho học sinh Lương May Duy - Lương Thúy Kiều (thứ 3 và thứ 4 từ trái sang) và các tác giả đạt giải Nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Ảnh: MH

Tuy nhiên, giải thưởng lớn hơn cả là những trải nghiệm quý báu mà cô và trò nhận được trong quá trình thực hiện dự án. Nhờ đó, các em học sinh tự tin, mạnh dạn hơn, lan tỏa được tình yêu với văn hóa Thái đến với đông đảo học sinh trong toàn trường.

Mới nhất

x
Hai nữ sinh lớp 9 người Thái xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO