Hai nữ sinh xinh đẹp của Nghệ An có điểm thi lọt Top 10 của cả nước và của tỉnh

Công Khang - Bá Hậu - Kính Cận 17/07/2019 11:23

(Baonghean.vn) - Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Nghệ An có nhiều em lọt vào top 10 điểm cao của cả tỉnh, cả nước.

Nữ sinh người Thái "chạm" ước mơ trở thành cô giáo

Ngôi nhà của gia đình em Phạm Trần Thu Sương ở bản Tờ, xã Yên Khê (Con Cuông) những ngày này khá đông bà con lối xóm và họ hàng liên tục đến chúc mừng thành tích của em trong kỳ thi vừa qua. Với kết quả điểm số các môn: Ngữ văn 9, Lịch sử 9,5 và Địa lý 9, cộng với điểm ưu tiên 2,75 (ưu tiên vùng và người dân tộc thiểu số) em đạt tổng điểm 30,25. Với điểm số trên, Sương là 1 trong 12 thí sinh khối C có số điểm cao nhất tỉnh.

Bà con họ hàng và xóm giềng đến chúc mừng kết quả thi của Phạm Trần Thu Sương. Ảnh: Bá Hậu
Bà con họ hàng và xóm giềng đến chúc mừng kết quả thi của Phạm Trần Thu Sương. Ảnh: Bá Hậu

Phạm Trần Thu Sương là học sinh lớp 12C1 Trường THPT Con Cuông, mẹ là giáo viên tiểu học, bố chủ yếu là làm ruộng và chăn nuôi gia súc. Gia đình có 3 chị em, Sương là con thứ hai, chị gái của Sương hiện đang học tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, cũng là một trong những thí sinh cao điểm nhất của huyện trong kỳ thi năm 2017. Em trai út của Sương hiện đang học lớp 2.

Có thời gian rảnh, Thu Sương thường hướng dẫn em trai học bài để đạt kết quả tốt. Ảnh: Công Khang
Có thời gian rảnh, Thu Sương thường hướng dẫn em trai học bài để đạt kết quả tốt. Ảnh: Công Khang

“Khi biết Sương đạt điểm cao, gia đình hết sức phấn khởi. Từ nhỏ Sương đã có tính tự lập rất cao, việc học tập hoàn toàn tự lo liệu, có thời gian là hướng dẫn em trai học bài để đạt kết quả tốt và giúp bố mẹ công việc gia đình”.

Chị Vi Thị Thiềm (mẹ của Sương)

Chị Thiềm cho biết, để tập trung cho việc học tập, Sương quyết định không sử dụng điện thoại cá nhân để liên lạc và tham gia mạng xã hội. Nhà cách xa trường 7 km, bố mẹ từng gợi ý em dùng điện thoại di động để tiện liên lạc nhưng Sương đã nhất mực chối từ. Sương giải thích: “Hàng ngày từ nhà đến trường, từ trường về nhà nên em thấy chưa cần thiết dùng điện thoại, dùng để lên mạng lại mất thời gian”.

Có lẽ điều ấy đã giúp Phạm Trần Thu Sương tập trung cho việc học tập và giành được những kết quả đáng tự hào. Trong 3 năm THPT Sương đều là học sinh giỏi toàn diện. Bên cạnh đó em còn đạt giải Ba môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2017 - 2018.

giấy chứng nhận
Giấy chứng nhận đạt giải Ba môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2017 - 2018 của Phạm Trần Thu Sương. Ảnh: Công Khang

“Để học tốt các môn khối C, trên lớp em luôn tập trung tiếp thu những kiến thức thầy cô truyền đạt. Về nhà chủ yếu tự học, điều quan trọng là phải kiên trì, chăm chỉ, cần cù, nuôi dưỡng niềm đam mê và đặt ra mục tiêu phấn đấu”.

Em Phạm Trần Thu Sương

Để học hiệu quả, Sương còn tự xây dựng cho mình đề cương học tập cụ thể cho từng môn và phân phối thời gian học tập phù hợp. Khi đã nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, em dành thời gian đọc thêm tài liệu, trao đổi trực tiếp với các thầy cô về những vấn đề khó.

“Sương là cô học trò ngoan, chịu khó chăm chỉ học tập. Không những học giỏi, Sương luôn nhiệt tình giúp đỡ các bạn trong lớp. Thành tích Sương đạt được không chỉ là niềm tự hào của gia đình, mà còn là niềm tự hòa của toàn trường. Em là một tấm gương sáng về sự ham học, tinh thần cầu thị để các bạn trong lớp, trong trường học tâp”.

Cô Nguyễn Thị Anh - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1 Trường THPT Con Cuông

Nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo, Phạm Trần Thu Sương đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Vinh.

Nữ sinh mồ côi bật mí cách học đạt điểm cao

"Em đã hạnh phúc đến vỡ òa nước mắt". Đó là những chia sẻ ngắn gọn của Võ Thị Hường khi nhận được kết quả trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Với tổng 28 điểm (Văn: 9, Sử, 9,25, Địa: 9,75), Hường đã lọt vào Top 10 thí sinh có điểm tổ hợp khối C cao nhất cả nước.


Hường thứ 2 từ phải sang cùng thầy giáo dạy Toán và các bạn.
Hường thứ 2 từ phải sang cùng thầy giáo dạy Toán và các bạn. Ảnh NVCC
Nhưng điều bất ngờ, Hường sẽ xét tuyển đại học bằng tổ hợp khối D78 (Văn, Tiếng Anh, KHXH) bởi 2 môn còn lại là Tiếng Anh và Giáo dục công dân, Hường cũng đạt được những điểm số ấn tượng không kém, lần lượt là 9,4 và 9,25.

Võ Thị Hường là chị cả trong một gia đình có năm chị em ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành. Ngay từ khi bước vào ngôi trường THPT Bắc Yên Thành, Hường đã đặt những mục tiêu học tập cụ thể cho chặng đường 3 năm cấp 3.

Với tinh thần tràn đầy năng lượng và suy nghĩ lạc quan rằng, nếu sẵn lòng quyết tâm thì không gì có thể ngăn cản bước chân trên con đường chinh phục thành công, Hường liên tục giành được điểm số cao trong các bài kiểm tra ở lớp.

Nhưng rồi, cuối học kỳ 1 năm lớp 10, bố Hường đột ngột qua đời. Tưởng chừng không vượt được qua nhưng em đã nén nỗi đau lớn và đã tiếp tục nỗ lực bởi Hường luôn giữ niềm tin, chỉ có sự học mới là chiếc chìa khóa mở ra một tương lai tươi sáng.

“Khoảng thời gian đầu, em chỉ biết trốn trong góc tối và khóc thương bố. Bố đi rồi, mọi gánh nặng đổ dồn lên vai mẹ. Nén chặt nỗi đau vào lòng, em tự nhủ mình phải mạnh mẽ, phải nỗ lực gấp nhiều lần trong cả học tập lẫn công việc gia đình để cùng mẹ và các em vượt qua mất mát .

Võ Thị Hường - Trường THPT Bắc Yên Thành

Con đường để đến đích những mục tiêu đề ra của Hường không mấy thuận lợi. Năm lớp 11, “trắng tay” tại kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Tiếng Anh, Hường đã rất thất vọng về bản thân. Nhưng nhờ sự động viên, an ủi của mẹ, các bạn trong lớp và đặc biệt là sự quan tâm hết mực của cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Thu Hương, người trực tiếp dẫn dắt, bồi dưỡng môn Tiếng Anh cho Hường, một lần nữa, em đã đứng dậy và tập trung ôn luyện kiến thức để chinh phục mục tiêu mới là kỳ thi THPT Quốc gia - “cánh cửa quan trọng nhất quyết định đến cả cuộc đời em sau này”, Hường nói.

Tập thể 12C9 - THPT Bắc Yên Thành
Tập thể 12C9 - THPT Bắc Yên Thành. Ảnh: NVCC
Hường vẫn nhớ những ngày tháng bận rộn, miệt mài của mình: ban ngày, buổi sáng đi học ở trường, buổi chiều giúp mẹ công việc đồng áng, tối đến, cứ tầm 20 giờ, nhóm bạn thân lại gọi video qua Messenger nhắc nhở nhau học bài, gặp bài khó thì cùng chung sức giải, lúc căng thẳng thì dừng lại khoảng 5 đến 10 phút “chém gió” thư giãn rồi lại ngồi vào bàn học để giải đề, luyện viết cho đến 12 giờ đêm. Sáng ra, tầm 5 giờ đã thức dậy hệ thống các mốc số liệu, niên biểu bằng sơ đồ tư duy hình cây và học thuộc các môn xã hội.

Chia sẻ về bí quyết đạt điểm cao, Hường cho biết, bên cạnh việc học hỏi từ thầy cô, bạn bè và các anh chị đi trước, em luôn học bài theo nguyên tắc hình thang, nghĩa là đi từ dễ đến khó, nắm chắc kiến thức cơ bản mới tiến tới những phần nâng cao, “cày xới” kỹ càng sách giáo khoa rồi mới chọn lọc các sách tham khảo. Khi mệt mỏi, em sẽ không cố nhồi nhét kiến thức vào đầu mà chọn cách nghe nhạc Anh - Mỹ hoặc nhắn tin với cô giáo chủ nhiệm bằng tiếng Anh để bổ sung thêm nguồn từ mới và củng cố ngữ pháp một cách tự nhiên nhất".

Hường thứ 3 từ trái sang cùng cô giáo chủ nhiệm và các bạn.
Võ Thị Hường (thứ 3 từ trái sang) cùng cô giáo chủ nhiệm và các bạn. Ảnh: NVCC

“Có thể nói, thành tích của em Hường đã thể hiện sự vượt khó vươn lên của cá nhân em nói riêng và của người dân phía Bắc huyện Yên Thành nói chung, đồng thời ghi nhận xứng đáng kết quả sự nỗ lực của thầy và trò suốt những năm qua. Bên cạnh đó, thành tích ấy chắc chắn sẽ tạo nên một cú hích mạnh mẽ cho việc dạy và học các môn khoa học xã hội ở trường trong thời gian tới.

Thầy Nguyễn Bá Thủy - Hiệu trưởng trường THPT Bắc Yên Thành

Em dự định sẽ nộp hồ sơ vào Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội để thực hiện giấc mơ trở thành một biên dịch viên hoặc giáo viên dạy Tiếng Trung. Em sẽ phải nhanh chóng “quên” đi thành công nho nhỏ này và trở lại mặt đất để không ngừng phấn đấu trên con đường tương lai còn đầy rẫy những chông gai đang đợi”.

Em Võ Thị Hường - Trường THPT Bắc Yên Thành


Mới nhất

x
Hai nữ sinh xinh đẹp của Nghệ An có điểm thi lọt Top 10 của cả nước và của tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO