Hải quân nước nào mạnh nhất ở châu Á?

18/10/2016 08:29

Theo National Interest, dù Trung Quốc đang vươn lên giành ảnh hưởng ở châu Á nhưng Nhật Bản mới thực sự có lực lượng hải quân mạnh nhất.

Bài phân tích trên trang National Interest cho biết, lực lượng hải quân Nhật Bản mạnh nhất ở châu Á, với tổng cộng 114 tàu chiến và 45.800 binh sĩ. Hải quân nước này có một hạm đội tàu chiến phát triển nhanh chóng cả về quy mô lẫn chất lượng với nhiều tàu khu trục mạnh mẽ, các tàu ngầm tấn công hiện đại và các tàu đổ bộ có thể chuyên chở xe tăng cũng như lực lượng thủy quân lục chiến.

Trang National Interest cho rằng, không phải Hải quân Trung Quốc mà chính Hải quân Nhật Bản mới là lực lượng mạnh nhất ở châu Á. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản)
Trang National Interest cho rằng, không phải Hải quân Trung Quốc mà chính Hải quân Nhật Bản mới là lực lượng mạnh nhất ở châu Á. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản)

Hải quân nước này có khả năng tiêu diệt tàu ngầm đối phương, đánh đuổi các hạm đội tàu xâm lược và bắn hạ các tên lửa đạn đạo của đối phương. Theo National Interest, dù có sức mạnh đáng gờm như vậy nhưng Hải quân Nhật Bản vẫn không được coi là lực lượng Hải quân thực sự và cho đến nay vẫn được biết đến với cái tên Lực lượng Phòng vệ biển.

Về mặt kỹ thuật, Lực lượng Phòng vệ biển (MSDF) của Nhật Bản là một “lực lượng tự vệ” được thành lập để “lách” qua những giới hạn của bản Hiến pháp hòa bình. Tuy nhiên, đây chính là lực lượng Hải quân mạnh nhất ở châu Á.

Thành phần chủ chốt của MSDF bao gồm một hạm đội gồm 46 tàu khu trục và tàu hộ vệ - con số này thậm chí còn lớn hơn đội tàu có chức năng tương tự của Hải quân Anh và Pháp cộng lại.

Cơ cấu tổ chức đội tàu này của Nhật Bản hướng tới mục tiêu bảo vệ đất nước khỏi các cuộc chiến tranh xâm lược, giúp giành lại lãnh thổ Nhật Bản bị chiếm đóng và giữ cho các tuyến đường biển luôn rộng mở.

Tàu khu trục lớp Kongo

“Con át chủ bài” trong lực lượng Hải quân Nhật Bản chính là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Kongo. Hiện, Nhật Bản có 4 chiếc tàu khu trục lớp Kongo là DDG-173 Kongo, DDG-174 Kirishima, DDG-175 Myoko và DDG-176 Cyokai.

Tàu khu trục lớp Kongo là DDG-173 Kongo. (Ảnh: defenseindustrydaily)
Tàu khu trục lớp Kongo là DDG-173 Kongo. (Ảnh: defenseindustrydaily)

Là một phần trong chương trình phòng thủ tên lửa xuyên quốc gia giữa Mỹ và Nhật Bản, Kongo là lớp tàu khu trục đầu tiên của Hải quân Nhật Bản cũng như cả khu vực châu Á được trang bị hệ thống chiến đấu tối tân Aegis.

Có thể nói “trái tim” của tàu khu trục lớp Kongo chính là hệ thống chiến đấu tối tân Aegis được thiết kế để đối phó với một loạt mục tiêu khác nhau, đặc biệt là đánh chặn tên lửa đạn đạo.

Vũ khí trên tàu gồm: 90 ống phóng thẳng đứng MK41 sử dụng tên lửa đánh chặn SM-2 hoặc tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3, 8 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, một pháo hạm 127 mm, hai hệ thống đánh chặn tầm cực gần Phalanx, hai cụm phóng ngư lôi chống ngầm 324 mm.

Tàu khu trục lớp Kongo nổi bật bởi radar AN/SPY-1 với 4 mảng ăng-ten xung quanh tháp chỉ huy. Đuôi tàu có sàn đáp nhưng không có nhà chứa cho máy bay trực thăng. Kongo có lượng giãn nước 9.500 tấn.

Hệ thống động lực dựa trên 4 động cơ tuabin khí LM-2500 tổng công suất 100.000 mã lực, tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, phạm vi hoạt động 4.500 hải lý.

Bốn tàu khu trục Aegis lớp Kongo kết hợp cùng với các tàu chiến tối tân khác của Mỹ trong khu vực châu Á tạo nên thế trận phòng thủ tên lửa đạn đạo chung giữa 2 nước.

Tàu khu trục trực thăng lớp Izumo

Sức mạnh đáng gờm của MSDF còn được bổ sung bằng hai tàu khu trục trực thăng lớp Izumo có tên gọi JS Izumo và JS Kaga – hai tàu này có khả năng không thua kém gì tàu sân bay.

Tàu khu trục trực thăng lớp Izumo. (Ảnh: Asahi Shimbun)
Tàu khu trục trực thăng lớp Izumo. (Ảnh: Asahi Shimbun)

Tàu khu trục trực thăng JS Izumo trị giá 1,2 tỷ USD, được biên chế cho hải quân Nhật vào ngày 25/3/2015. JS Izumo là chiến hạm lớn nhất của Nhật kể từ Thế chiến II.

JS Izumo có thiết kế rất giống một tàu sân bay hạng nhẹ. Với chiều dài 248 m, rộng 38 m, tàu khu trục trực thăng JS Izumo còn lớn hơn cả những tàu sân bay dùng cho máy bay cất cánh trên đường băng ngắn, hạ cánh thẳng đứng của hải quân Tây Ban Nha và Italy.

Với lượng giãn nước 24.000 tấn, JS Izumo có thông số sánh ngang tàu sân bay lớp Invincible của Hải quân Hoàng gia Anh.

Ngoài ra, JS Izumo cũng được bổ sung những tính năng mới nhất cho các hệ thống tác chiến điện tử, điều khiển hỏa lực và radar, có thể sẵn sàng tham gia bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong thế kỷ 21.

JS Izumo có khả năng chở 14 trực thăng, chủ yếu là các mẫu MCH-101 và SH-60K do Nhật Bản tự sản xuất, sở hữu năng lực săn tàu ngầm và tìm kiếm cứu hộ ấn tượng. JS Izumo cũng được lắp đặt pháo phòng thủ tầm gần Phalanx và hệ thống tên lửa phòng không SeaRam, giúp bảo vệ tàu hữu hiệu trước các mối đe dọa từ tên lửa của đối phương.

JS Izumo còn có thể hỗ trợ đắc lực cho các chiến dịch tấn công đổ bộ vì tàu đủ sức chở đến 400 lính thủy quân lục chiến và gần 50 xe quân sự hạng nhẹ.

Một tàu lớp Izumo khác mang tên JS Kaga, số hiệu DDH-184, cũng vừa được hạ thủy hồi cuối tháng 8/2015 và dự kiến đưa vào biên chế của hải quân Nhật vào năm 2017.

Lực lượng tàu ngầm

Lực lượng tàu ngầm được cho là thành phần chính của MSDF. Nhật Bản đang xây dựng một hạm đội tàu ngầm gồm 20 chiếc để tạo đối trọng với Hải quân Trung Quốc. Theo National Interest, đội tàu ngầm của Nhật Bản sẽ bao gồm hai lớp tàu chính là tàu ngầm lớp Oyashio và tàu ngầm lớp Oyashio và tàu ngầm lớp Soryu.

Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản. (Ảnh: Jeffhead)

Tàu ngầm lớp Soryu có lượng giãn nước 4.200 tấn. Đây là tàu ngầm lớn nhất được đóng mới ở Nhật sau Thế chiến II, cũng là một trong những tàu ngầm phi hạt nhân lớn nhất thế giới. Tàu có chiều dài 84 m, rộng 8,5 m. Soryu có thể lặn sâu tối đa 500 m, phạm vi hoạt động 6.100 hải lý.

Tàu ngầm Soryu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm có thể bắn ngư lôi Type-89, hoặc tên lửa chống hạm Harpoon. Tàu có thể mang theo tổng số 30 ngư lôi và tên lửa. Soryu được trang bị radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước ZPS-6F, hệ thống tác chiến điện tử ZLR-3. Hệ thống phóng mồi bẫy đánh lừa vũ khí dẫn đường âm thanh.

Trái tim của tàu là hệ thống động cơ không khí tuần hoàn độc lập (AIP). 4 động cơ AIP Stirling V4-275R Mk độ ồn thấp, khó bị phát hiện cho phép tàu hoạt động liên tục dưới nước đến 2 tuần.

Tàu đổ bộ xe tăng lớp Osumi

Cuối cùng, nhắc đến sức mạnh của Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản không thể bỏ qua 3 chiếc tàu đổ bộ xe tăng lớp Osumi trong biên chế lực lượng này.

Tàu đổ bộ xe tăng lớp Osumi. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản)
Tàu đổ bộ xe tăng lớp Osumi. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản)

Tàu có lượng giãn nước 13.000 tấn. Nó có thể mang theo 1.400 tấn hàng hóa, 14 xe tăng Type 10 hoặc Type 90 và 1.000 binh sỹ. Ngoài ra, tàu có thể chở 2 tàu đổ bộ khí đệm để vận chuyển khí tài và binh lính vào bờ. Boong tàu đủ chỗ cho 4 trực thăng hoạt động.

Lớp tàu Osumi được được MSDF sử dụng để tăng cường khả năng phòng thủ các đảo tiền tiêu. Ngoài ra, nó có thể dùng được điều động làm nhiệm vụ cứu hộ trong trường hợp xảy ra thiên tai quy mô lớn.

Sức mạnh hàng đầu ở châu Á của Hải quân Nhật Bản đã chứng minh khi xảy ra trận động đất kinh hoàng mạnh 9,0 độ richter ngoài khơi bờ biển phía Bắc Nhật Bản ngày 11/3/2011.

Khi ấy, Phó Đô đốc Hiromi Takashima, chỉ huy quân khu hải quân Yokosuka ngay lập tức lên nắm quyền tạm thời toàn bộ Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản (MSDF) và ra lệnh cho tất cả các tàu có mặt ở phía Bắc Nhật Bản tới khu vực động đất.

Chiếc tàu đầu tiên nhổ neo chỉ 45 phút sau khi trận động đất xảy ra. 17 chiếc tàu khác với tất cả những nhu yếu phẩm cần thiết để viện trợ cho người dân vùng thảm họa sau đó đã khởi hành chỉ trong vòng 18 giờ đồng hồ.

Khả năng cơ động nhanh chóng trong các tình huống khẩn cấp, được cho là thử thách thực sự chứng minh tính hiệu quả và độ chuyên nghiệp của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Hải quân nước nào mạnh nhất ở châu Á?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO