Hai tháng trước ngưỡng cửa Brexit: Mặc cả phút chót
(Baonghean) - Quốc hội Anh vừa bỏ phiếu đưa ra quan điểm chính thức của mình về Brexit. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc ủng hộ Chính phủ của thủ tướng Theresa May đàm phán lại với Liên minh châu Âu (EU) một số điểm. Tuy nhiên, EU có thể không muốn đáp ứng yêu cầu này.
Khi Quốc hội Anh nắm quyền quyết
Lần đầu tiên kể từ khi tiến trình đàm phán Brexit bắt đầu hơn hai năm trước, Quốc hội Anh đã trực tiếp can thiệp vào thỏa thuận cuối cùng. Tối 29/1, với tỷ lệ sít sao, Hạ viện Anh đã thông qua đề xuất sửa đổi, theo đó cho phép Thủ tướng Anh Theresa May đàm phán lại với Liên minh châu Âu (EU) và sẽ ủng hộ thỏa thuận Brexit nếu dỡ bỏ điều khoản khiến Anh phải giữ biên giới mở với Ireland.
Theo đó, với tỷ lệ 317 phiếu ủng hộ và 301 phiếu chống, các nghị sỹ Anh đã thông qua điều khoản sửa đổi, trong đó khẳng định họ chỉ ủng hộ thỏa thuận “ly hôn” nếu điều khoản về giải pháp “lưới an toàn” được dỡ bỏ.
Người Anh sẽ phải hồi hộp chờ đợi thỏa thuận Brexit tới phút chót. Ảnh: AFP |
Giải pháp này của EU nhằm giữ Bắc Ireland trong liên minh thuế quan của EU cho đến khi nào đạt được một giải pháp thay thế để giữ biên giới mở giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, trong trường hợp hai bên chưa đạt được thỏa thuận thương mại.
Điều khoản này cũng đảm bảo sẽ không áp đặt thuế quan, hạn ngạch và quy định về nguồn gốc hay tiến trình hải quan đối với mối quan hệ thương mại Anh - EU trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, điều khoản này lại không nói rõ Anh có thể ký thỏa thuận tự do thương mại với các quốc gia khác trong lúc thực hiện giải pháp trên hay không. Giới nghị sỹ Anh, đặc biệt những người ủng hộ Brexit phản đối gay gắt giải pháp trên do cho rằng nó sẽ khiến Anh bị bó buộc đối với các quy định của EU vô thời hạn và bị hạn chế trong việc thiết lập giao dịch thương mại với các quốc gia khác trên thế giới. Bên cạnh đó, với tỷ lệ 318 phiếu ủng hộ và 310 phiếu chống, các nghị sỹ cũng bác bỏ khả năng Anh rời EU mà không có thỏa thuận.
Như vậy, đúng như những gì mà các nghị sỹ Anh từng bày tỏ khi bỏ phiếu phủ quyết thỏa thuận mà thủ tướng May đạt được với EU, Quốc hội Anh thực sự đã “ra tay” dựa trên quan điểm của mình. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, người phát ngôn của Thủ tướng May nhấn mạnh quốc hội Anh đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Brussels về việc người Anh muốn thay đổi gì để thỏa thuận được thông qua.
Có dễ qua “cửa” EU?
Ngay trong tối 29/1, khi kết quả từ phòng họp Hạ viện Anh được loan báo, EU đã có phản ứng đầu tiên. Từ Brussels, người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk tuyên bố thỏa thuận “ly hôn” giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh, hay còn gọi là Brexit, là không thể đàm phán lại.
Điều đó có nghĩa EU nói không với quan điểm của Quốc hội Anh rằng cần phải thay thế thỏa thuận biên giới với Cộng hòa Ireland bằng các “dàn xếp thay thế khác” nhưng chưa được xác định.
Tuyên bố này cũng cho biết EU tiếp tục kêu gọi Chính phủ Anh làm rõ các dự định của mình liên quan đến những bước tiếp theo ngay khi có thể, đồng thời tái khẳng định thỏa thuận Brexit vẫn là cách tốt nhất và duy nhất để đảm bảo việc Vương quốc Anh ra khỏi EU một cách có trật tự.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, đại diện cho lãnh đạo châu Âu, đã tham vấn các lãnh đạo châu Âu về việc Thủ tướng Anh Theresa May yêu cầu EU rút lại điều khoản “rào chắn” của thỏa thuận.
Người phát ngôn của Chủ tịch EC khẳng định giải pháp "rào chắn", vốn nhằm giúp đảm bảo một biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland, để ràng buộc London với những quy định về thuế quan của khối cho đến khi hai bên nhất trí được về các mối quan hệ thương mại trong tương lai, là một phần của thỏa thuận Brexit và khẳng định sẽ không mở lại đàm phán về mục này.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: AFP/Getty |
Người phát ngôn của Chủ tịch EC cũng cho biết thêm nếu Anh đưa ra "yêu cầu hợp lý" để gia hạn thời hạn Brexit sau ngày 29/3 tới, và nếu các quốc gia thành viên nhất trí, điều này có thể được dàn xếp. Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh thỏa thuận Brexit là “thỏa thuận tốt nhất có thể và không thể đàm phán lại”..
Trọng trách lại trong tay Thủ tướng May
Về cơ bản, nội bộ nước Anh đã thống nhất về các điều khoản Brexit cần phải sửa đổi. Đây cũng có thể coi là ý chí của nước Anh trong cuộc đàm phán cuối cùng với EU. Cục diện xoay vần. Giờ thì Thủ tướng Theresa May - người từng phải hứng chịu những chỉ trích của dư luận Anh và tưởng như không thể tại vị sẽ lại lĩnh trách nhiệm của một “thuyết khách”.
Cái thuận là bà May giờ đã thống nhất được dư luận Anh về tương lai của Brexit. Bất cứ thỏa thuận nào mà Chính phủ đạt được với EU sẽ là thành quả cuối cùng và Quốc hội Anh sẽ phải chấp nhận. Cái khó là bà May giờ lại phải chứng minh rằng với EU rằng một thỏa thuận mới theo yêu cầu của EU sẽ còn tốt hơn văn bản mà EU vẫn coi là “tốt nhất có thể có”.
Từ phía EU, dù luôn cương quyết không đàm phán lại, nhưng những thông điệp "mềm dẻo và linh hoạt" đang được giới chức EU để ngỏ sau khi chứng kiến thỏa thuận Brexit bị thất bại nặng nề ở Hạ viện Anh cách đây hai tuần lễ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng sẽ có khả năng để cải thiện 1 hoặc 2 điều trong thỏa thuận.
Thỏa thuận Brexit mà thủ tướng Theresa May dày công đàm phán với EU sẽ có thể trở lại với một vài thay đổi theo yêu cầu của Quốc hội. Ảnh: UK Parliament |
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng hé lộ "vẫn còn thời gian để thương lượng nhưng EU muốn biết những đề nghị từ phía Thủ tướng Anh".
Còn thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar cũng lưu ý EU sẵn sàng vượt qua những ranh giới đỏ về vấn đề liên minh thuế quan và thị trường chung nếu Anh cũng làm điều tương tự.
Dư luận cho rằng việc tìm ra một thỏa thuận "đẹp lòng tất cả" thực sự rất khó xét trong bối cảnh hiện tại, khi "liều thuốc độc" Brexit đang làm phân rã mọi mối gắn kết chính trị truyền thống.
Nhưng với việc kịch bản Brexit cứng có thể xảy ra, gây thiệt hại cho cả đôi bên, hy vọng cả Anh và EU sẽ tìm được tiếng nói chung, hài hòa lợi ích đôi bên ngay trước hạn chót./.