Hạn chế 'phát triển nóng' cây có múi ở vùng Bắc Trung Bộ
(Baonghean.vn) - Biện pháp quản lý sâu bệnh hại, sản xuất sạch, áp dụng quy trình thâm canh và các tiến bộ khoa học kỹ thuật… là những vấn đề được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Khuyến nông và nông nghiệp với chủ đề Giải pháp phát triển sản xuất cây có múi hiệu quả vùng Bắc Trung Bộ.
Sáng nay (15/11), Diễn đàn Khuyến nông và nông nghiệp về “Giải pháp phát triển sản xuất cây có múi hiệu quả vùng Bắc Trung Bộ” đã diễn ra tại TP Vinh. Tham dự diễn đàn có đồng chí Lê Văn Đức - Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cùng đông đảo các đại biểu.
Đông đảo đại biểu tham gia Diễn đàn. Ảnh: Phú Hương |
Vùng Bắc Trung Bộ hiện có khoảng 27,94 nghìn ha cây có múi, chiếm 11,5% diện tích cây ăn quả cả nước. Tuy nhiên, sản xuất phần lớn quy mô nhỏ lẻ, phân tán dẫn đến quy cách, mẫu mã, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Các giống đã bị thoái hóa nhiều, giá thành sản xuất khá cao, tổ chức tiêu thụ chưa hiệu quả.
Diễn đàn được tổ chức với mục đích tìm ra giải pháp phát triển cây có múi vùng Bắc Trung Bộ mang tính quy mô, đảm bảo nhu cầu nội địa, xuất khẩu, chú trọng các giống đặc sản nổi tiếng, có lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.
Các đại biểu tìm hiểu về trang thiết bị phục vụ sản xuất cây có múi bên lề diễn đàn. Ảnh: Phú Hương |
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý sâu bệnh hại, sản xuất sạch bệnh, quy trình thâm canh và các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây có múi.
Nhiều hộ gia đình ở xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn phát triển kinh tế gia đình từ cây cam. Ảnh tư liệu Minh Thái |
Các giải pháp được thống nhất triển khai thời gian tới trên toàn vùng là: Quản lý quy mô sản xuất, hạn chế tối đa tình trạng “phát triển nóng” ở những vùng không phù hợp, làm tốt công tác giống và cơ cấu giống; quản lý chất lượng giống, nâng cao tỷ lệ sử dụng cây giống chất lượng, sạch bệnh; áp dụng kỹ thuật canh tác nâng cao chất lượng và ATTP; phát triển công nghiệp chế biến, đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại; tạo điều kiện tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung.
Đặc biệt là nâng cao năng lực thông tin, dự báo về thời tiết, sâu bệnh hại, thị trường tiêu thụ để giúp các địa phương và nông dân có kế hoạch sản xuất cây có múi phù hợp.
Tại diễn đàn, các chuyên gia nông nghiệp và nhà quản lý đã giải đáp cho người trồng cam nhiều vấn đề về phòng trừ sâu bệnh hại, cách sử dụng hiệu quả các loại thuốc BVTV trên cây có múi, giải pháp thâm canh hiệu quả...