Hàn Quốc sẽ ký thỏa thuận đặc biệt về lao động Việt Nam

24/12/2013 21:11

Năm 2014 sẽ mở ra triển vọng tương đối sáng sủa đối với thị trường lao động Hàn Quốc.

Ông Lương Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết: Tính đến tháng 10/2013, tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã giảm xuống 38,2%. Do đó, năm 2014 sẽ mở ra triển vọng tương đối sáng sủa đối với thị trường lao động Hàn Quốc. Phóng viên VOV online phỏng vấn ông Lương Đức Long.

PV: Thưa ông, trong năm 2013 ngành Lao động đã tổ chức nhiều hội nghị cũng như đưa ra những giải pháp để kêu gọi số lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong nỗ lực để phía Hàn Quốc mở cửa trở lại thị trường lao động đối với nước ta. Đến cuối năm nay, kết quả thu được như thế nào?

Ông Lương Đức Long: Trước tình trạng lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp gia tăng, phía Hàn Quốc đã tạm dừng việc chấp nhận lao động Việt Nam sang làm việc theo Chương trình EPS (Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài), cụ thể là Bản ghi nhớ đã hết hiệu lực vào ngày 28/8/2012 chưa được ký gia hạn.

Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở LĐ-TB-XH và các cơ quan, ban ngành, các cơ quan truyền thông… thực hiện các giải pháp quyết liệt, làm sao giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của địa phương xuống. Bên cạnh đó, vận động các gia đình có con em đang làm việc tại Hàn Quốc ký các bản cam kết để thuyết phục, khuyên nhủ con em về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động.

Bộ cũng đã chỉ đạo Trung tâm Lao động ngoài nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị triển khai các giải pháp kêu gọi lao động ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc trở về nước. Trong năm 2013, chúng tôi đã phối hợp với trên 15 địa phương để tổ chức các hội nghị. Nếu tính cả cuối năm 2012, đến nay đã có khoảng 25 địa phương tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp kêu gọi lao động hết hạn hợp đồng lao động về nước.

Trung tâm Lao động ngoài nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã tổ chức tọa đàm trên đài phát thanh truyền hình của 6 địa phương là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, đặc biệt trên VOV2 để vận động, tuyên truyền về những chính sách của Việt Nam áp dụng đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Trong đó có Quyết định 465 của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/8/2013 việc thí điểm ký quỹ đối với lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, Nghị định 95 của Chính phủ ngày 22/8/2013 về xử phạt vi phạm hành chính đối với người lao động.

Cùng với đó, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Văn phòng Quản lý lao động theo Chương trình EPS, trực thuộc Trung tâm Lao động ngoài nước đã được thành lập, đặt tại Hàn Quốc và chính thức đưa vào hoạt động ngày 16/9/2013. Văn phòng này đã triển khai nhiều hoạt động để tuyên truyền, vận động, tư vấn cho người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn, cũng như số cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước. Hoạt động của Văn phòng này được phía Hàn Quốc đánh giá rất tích cực.

Lao động được đào tạo trước khi đi xuất khẩu lao động (Ảnh: Cục Quản lý lao động ngoài nước)

Việc đưa ra một số chế tài, như thực hiện việc ký quỹ theo Quyết định 1465 là 100 triệu đồng đối với lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc, cũng đã góp phần giảm được tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp.

Tính đến tháng 10/2013, tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã giảm xuống 38,2%. Trước đó thì quý 4/2012, tỷ lệ này là 53%. Điều này cho thấy các giải pháp đưa ra đã mang lại kết quả tích cực.

Cũng phải khẳng định rằng, để có kết quả giảm tỷ lệ người lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là nỗ lực rất lớn của phía Việt Nam, trong việc không những ở trong nước mà cả tại Hàn Quốc.

PV: Thưa ông, đây có phải là tín hiệu khả quan đối với thị trường lao động Hàn Quốc trong năm 2014?

Ông Lương Đức Long: Tôi nghĩ, năm 2014 sẽ mở ra triển vọng tương đối sáng sủa đối với thị trường lao động Hàn Quốc. Theo tôi được biết, phía Hàn Quốc cũng đang đề nghị phía Việt Nam về một thỏa thuận đặc biệt. Nếu không có gì thay đổi, thỏa thuận này sẽ ký vào những ngày cuối cùng của năm 2013 tới đây.

Theo đó, số lao động đã thi tiếng Hàn và đạt yêu cầu qua kỳ thi tuyển tháng 12/2011 sẽ được giới thiệu lại. Chúng tôi đang rà soát lại xem thực tế lao động còn nguyện vọng là bao nhiêu người, sau đó hoàn thiện lại hồ sơ dự tuyển, kiểm tra lại sức khỏe, cũng như yêu cầu họ thực hiện cam kết ký quỹ trước khi sang Hàn Quốc làm việc.

PV: Thưa ông, vừa qua xuất hiện nhiều thông tin có dấu hiệu lừa đào người lao động có nhu cầu đi Hàn Quốc làm việc. Ông có khuyến cáo gì đối với những lao động trước những thông tin này?

Ông Lương Đức Long: Chúng tôi khuyến cáo tất cả người lao động phải nghe theo những thông tin chính thống, không nên nghe những thông tin từ những tổ chức hay là cá nhân đưa ra mà không có sự kiểm chứng. Thông tin chính thống là những thông tin từ Bộ LĐ-TB-XH, Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước và các Sở LĐ-TB-XH, không được tin những thông ngoài lề mà “tiền mất mật mang”.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Ông Lương Đức Long cho biết, sau một tháng triển khai biện pháp chế tài ký quỹ 100 triệu đồng đối với lao động có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc (bắt đầu từ ngày 20/11), đã có trên 200 lao động tự nguyện thực hiện việc ký quỹ. Đây là số lao động đã hết hạn hợp đồng, về nước và có nhu cầu trở lại Hàn Quốc làm việc. Ông Lương Đức Long nhấn mạnh, việc ký quỹ 100 triệu đồng là chế tài cần thiết, qua đó ràng buộc trách nhiệm cũng như cam kết thực hiện đúng hợp đồng lao động đối với người lao động.

Theo VOV

Mới nhất
x
Hàn Quốc sẽ ký thỏa thuận đặc biệt về lao động Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO