Hang Hoả Tiễn: Uống nước nhớ nguồn

Trong cơn bĩ cực chiến tranh, kinh tế khó khăn của đất nước, đã có lúc những chiến công, sự hy sinh của các TNXP ở Hoàng Mai chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng, đủ đầy. Nhưng giờ đây, đất nước, quê hương đã khá lên rồi, tin rằng sẽ không một ai quên lãng các anh các chị.

Đoàn viên thanh niên dâng hương tưởng nhớ các liệt sỹ TNXP tại hang Hỏa Tiễn.
Đoàn viên thanh niên dâng hương tưởng nhớ các liệt sỹ TNXP tại hang Hỏa Tiễn.
Ngành đường sắt dâng hương dịp 27-7 tại nghĩa trang đường sắt.
Ngành đường sắt dâng hương dịp 27-7 tại nghĩa trang đường sắt.

Mặc dù hiện nay, cụm di tích Hang Hỏa Tiễn chưa được tu bổ, tôn tạo xứng tầm, song vai trò và vị trí của di tích này đang được cấp ủy, chính quyền và người dân thị xã Hoàng Mai nhìn nhận đúng và trúng. Đồng chí Nguyễn Anh Văn, Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Thị xã Hoàng Mai cho biết: “Chúng tôi thấy rằng di tích lịch sử này gắn liền với truyền thống đấu tranh giải phóng của dân tộc và xem đây là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống đối với đoàn viên thanh niên tại địa phương. Chính vì thế, chúng tôi đã làm tốt việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên, thanh niên bằng những hình thức, công việc cụ thể như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và gắn với các lớp giáo dục lý luận chính trị tại địa phương”.

Hàng quý, tại Hang Hỏa Tiễn vẫn thường có những học viên các lớp đối tượng Đảng, các đảng viên mới, các đoàn viên thanh niên lên thực hiện nghĩa cử uống nước nhớ nguồn và các hoạt động thiện nguyện khác. Anh Cao Đức Minh, công tác ở Trường THPT Hoàng Mai, học viên lớp đối tượng Đảng là một trong số đó. Anh Minh chia sẻ: “Hang Hỏa Tiễn là nơi chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 33 liệt sĩ TNXP – cán bộ công nhân viên ngành đường sắt.  Qua đợt học tập tham quan thực tế ở Hang Hoả Tiễn, các học viên lớp đối tượng Đảng rất xúc động, thấy được sự tàn khốc của chiến tranh, thấy rất biết ơn các anh chị, các anh hùng liệt sĩ. Qua đợt này, riêng cá nhân tôi và các anh chị em tự nhận thấy ý thức trách nhiệm phải học tập, lao động, cống hiến nhiều hơn để bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Bà Đặng Thị Doanh, cựu TNXP Tổ 4, C271, đội 27 tâm tình: “Trách nhiệm, nghĩa vụ của người đang sống là cố gắng làm thế nào để cho người mất được mồ yên, mả đẹp, để thế hệ sau sống biết công ơn của người đi trước. Về bản chất, Hang Hỏa Tiễn không có gì khác biệt với Truông Bồn và Ngã ba Đồng Lộc. Cá nhân tôi mong muốn nơi đây cũng được như vậy, để những người thân của liệt sĩ bớt hờn tủi”.

Các học viên Lớp Đối tượng Đảng tham quan và học tập tại Hang Hoả Tiễn.
Các học viên Lớp Đối tượng Đảng tham quan và học tập tại Hang Hoả Tiễn.

Tương tự, ông Trần Thanh Yên, thành viên Ban Quản lý Cụm di tích Lịch sử Quốc gia Hang Hỏa Tiễn nêu ý nguyện: “Mặc dù di tích cấp quốc gia nhưng sự đầu tư vào cụm công trình này đang rất hạn chế. Hàng năm Công ty cổ phần Đá Hoàng Mai và ngành Đường sắt đã đóng góp nhiều cho việc tôn tạo, xây dựng công trình, tuy nhiên xét cho cùng là chưa đáng bao nhiêu so với sự kỳ vọng, tầm vóc, sự hy sinh của 33 liệt sĩ. Tôi rất mong muốn các cấp các ngành cùng với toàn xã hội có sự đầu tư xứng tầm để khu Di tích là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ…”

Ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đá Hoàng Mai trăn trở: “Mong muốn của tôi là các cấp các ngành đầu tư xây dựng cụm di tích này thành một quần thể, xứng tầm với công lao, sự hy sinh của các anh, các chị TNXP đã ngã xuống vì đất nước”.

Hiện nay, thị xã Hoàng Mai đang có những kế hoạch cụ thể để xây dựng Cụm di tích lịch sử quốc gia Hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang Liệt sĩ Đường sắt. Đồng chí Võ Văn Dũng, Bí thư Thị ủy Hoàng Mai cho biết: “Thị xã xác định Hang Hỏa Tiễn là địa chỉ giáo dục truyền thống, rất có ý nghĩa, gắn liền với các cụm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Hiện nay, Thị xã đã ban hành kế hoạch để thực hiện quy hoạch toàn bộ di tích. Khi triển khai quy hoạch, Khu di tích Hang Hỏa tiễn sẽ trở thành quần thể di tích lịch sử văn hóa du lịch tâm linh, kết nối cùng các cụm di tích khác để Hoàng Mai trở thành địa phương ngoài kinh tế phát triển còn có nét văn hóa độc đáo, hướng tới phát triển du lịch văn hóa tâm linh và danh lam thắng cảnh”.

Đua thuyền ở lễ hội Đền Cờn.
Đua thuyền ở lễ hội Đền Cờn.

Theo quy hoạch, hành trình du lịch văn hóa tâm linh và danh lam thắng cảnh của điểm đầu xứ Nghệ sẽ bắt đầu từ Hang Hỏa Tiễn, tiếp nối là Khe Nước Lạnh bắt nguồn từ dãy núi đá vôi Ngọc Sơn của đất Thanh Hóa, đổ về kênh Nhà Lê rồi hòa vào sông Mai xuôi ra biển bằng hai cửa, hoặc cửa Càn hoặc cửa Quèn. Khe Nước Lạnh chảy qua hai vách núi, giống như một cánh cửa, ra Bắc vô Nam đều phải đi qua cánh cửa ấy. Từ xa xưa, Khe Nước Lạnh chính là ranh giới phân ra giữa Thanh và Nghệ. Xuôi thuyền theo khe là về đến Đền Cờn – ngôi đền nằm trên gò Diệc, hướng mặt ra sông Hoàng Mai, tại phường Quỳnh Phương. Đền Cờn thờ Tứ vị thánh nương, nổi tiếng linh thiêng, đứng đầu trong Tứ Linh từ nổi tiếng xứ Nghệ “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.

Bên dòng Mai Giang. Ảnh: Cao Đông
Bên dòng Mai Giang. Ảnh: Cao Đông

Và từ đền Cờn theo dòng sông Hoàng Mai nổi tiếng trong lịch sử với những trận đánh trong thời đại Đông A là đến Hồ Vực Mấu, là một trong những công trình hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Nghệ An, bắt đầu xây dựng từ năm 1978. Diện tích hồ rộng trên 1.000 ha, dài gần 1km từ Quỳnh Thắng, Tân Thắng xuống Quỳnh Trang, với dung tích hơn 40 triệu m3.  Nơi đây, đang được thị xã Hoàng Mai quy hoạch thu hút đầu tư để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng bởi vẻ đẹp và sự bao la rộng lớn.

Hoàng hôn trên đập thuỷ lợi Vực Mấu
Hoàng hôn trên đập thuỷ lợi Vực Mấu

Là 1 trong 3 cực tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Hoàng Mai xác định rõ trọng trách của mình để tập trung phát triển kinh tế, trong đó du lịch là một ngành mũi nhọn. Thời gian tới, Hoàng Mai phấn đấu trở thành một trong những điểm du lịch biển gắn với du lịch tâm linh quan trọng trong hệ thống các điểm du lịch tâm linh của cả nước nói chung và vùng Bắc Trung bộ nói riêng. Khai thác hiệu quả các yếu tố tiềm năng của biển, sông, hồ đập, di tích lịch sử, di tích cách mạng, văn hóa, lễ hội… để tạo ra những sản phẩm du lịch có bản sắc riêng, hấp dẫn.

Trên đài tưởng niệm di tích Hang Hỏa Tiễn, dâng nén hương thơm cho các đồng đội mình, lời khấn của bà Phạm Thị Hường, cựu TNXP khu vực Hoàng Mai – Cầu Cấm nặng trĩu: “Các em ơi! Trong cơn bĩ cực chiến tranh, kinh tế khó khăn của đất nước, đã có lúc những chiến công, sự hy sinh của các em chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng, đủ đầy. Nhưng bây giờ, đất nước mình đã khá lên rồi, chị tin rằng sẽ không một ai quên lãng các em đâu!”. Đó cũng chính là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là lời thề vàng đá sắt son, là lý do để dân tộc, đất nước này trường tồn!