Hàng nghìn mét vuông đất sản xuất trôi theo dòng sông Lam

Quang An - 06/12/2022 15:54
(Baonghean.vn) - Sau những đợt mưa lũ vừa qua, tình trạng sạt lở đất sản xuất, bờ kè ven sông Lam trên địa bàn huyện Hưng Nguyên diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhiều bà con không dám canh tác trên cánh đồng màu vì lo sợ đất và cây trồng sẽ bị cuốn trôi theo dòng Lam.

Sạt lở đất sản xuất ven sông Lam tại xã Long Xá (Hưng Nguyên). Clip: Q.A

Có mặt tại cánh đồng bãi ven sông Lam trên địa bàn xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, cách tuyến đường ven đê Tả Lam khoảng 2 km, từng lớp đất, cát bị sạt lở mạnh, từng mảng đất trôi theo dòng sông Lam, để lại bờ sông nứt nẻ, trống hoác...

Vùng bãi ven bờ sông Lam trên địa bàn xã Long Xá bà con thường tập trung trồng các cây màu như ngô, đậu, lạc, rau màu, nhưng thời điểm này, dù đang là chính vụ đông nhưng không có cây trồng nào được canh tác tại khu vực này.

Tình trạng sạt lở đất tại xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên diễn ra nghiêm trọng sau đợt mưa lũ vừa qua. Ảnh: Q.A

Nhìn cánh đồng màu dần bị thu hẹp, ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân xã Long Xá thở dài: "Hàng năm, chúng tôi thường gieo trồng 2 vụ màu tại vùng đất này, tuy nhiên, do bờ sông bị sạt lở nặng quá, có thời điểm sau đợt mưa, bão cả đất, cát, cây giống cũng bị cuốn trôi, bà con chúng tôi đều lo sợ, nên từ đầu năm đến nay không dám canh tác tại đây nữa...".

Một số hộ dân còn bám trụ thì cũng đã dời khu vực trồng cây vào sâu để đảm bảo an toàn, dù đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Ông Nguyễn Hải Dương ở xã Long Xá cho biết: Chúng tôi sản xuất cây ngưu bàng công nghệ cao, năm 2021, trồng với diện tích gần 4 ha, tuy nhiên, do lo ngại sạt lở đất nên năm nay chỉ dám gieo trồng 2 ha tại vùng bãi. Khu vực trồng cũng lùi vào khoảng 50 mét so với năm trước. Nếu không có biện pháp khắc phục thì việc mất đất sản xuất của bà con sẽ ngày càng diễn ra nghiêm trọng, diện tích đất sản xuất có hạn, không thể lùi vào mãi được...".

Số liệu của xã Long Xá cho biết, khu vực sạt lở ven bờ sông Lam có chiều dài khoảng 700 mét, vào sâu khoảng 30 mét, diện tích sạt lở khoảng hơn 2 héc-ta. Đây là đất 5% do xã quản lý và đất sản xuất rau màu truyền thống của người dân địa phương. Mặc dù vậy, khu vực này hiện bà con không còn dám canh tác nữa.

Đất sản xuất của người dân thường xuyên bị cuốn trôi theo dòng sông Lam. Ảnh: Q.A

Bà Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã Long Xá cho biết: Tình hình sạt lở, mất đất sản xuất ven sông Lam diễn ra nhiều năm nay, sau đợt mưa lũ vào tháng 10 vừa qua lại trầm trọng hơn. Địa phương đã 2 lần di chuyển biển báo khoảng cách an toàn. Hiện phương án khả thi nhất là tiến hành thi công, kè lại bờ sông, tuy nhiên, năng lực của địa phương không thể thực hiện được, do đó, xã đã có báo cáo gửi lên UBND huyện Hưng Nguyên để có giải pháp khắc phục.

Tại xã Hưng Lĩnh, mặc dù bờ sông cũng đã được kè để giảm thiểu nguy cơ sạt lở, mất đất sản xuất, nhưng trong đợt mưa lũ vừa qua, bờ kè tại đây cũng đã bị hư hỏng khoảng 150 mét, ăn sâu vào đất sản xuất của người dân. Ông Hoàng Nghĩa Quang - Chủ tịch UBND xã Hưng Lĩnh cho biết: Bờ kè sông Lam được xây dựng gần 10 năm, bảo vệ vùng bãi của địa phương; sau đợt mưa lũ vừa qua, bờ kè cũng đã bị hư hỏng nặng, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì việc mất đất sản xuất cũng hoàn toàn có thể xảy ra.

Vị trí bờ sông Lam nhiều năm trước hiện đã bị ăn sâu hàng chục mét mỗi năm. Ảnh: Q.A

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết: Tình trạng sạt lở đất, bờ kè tại ven dòng sông Lam diễn ra phổ biến trong thời gian qua. Sau khi nhận được báo cáo của các địa phương, huyện đã lập đoàn công tác về kiểm tra, đo đạc diện tích sạt lở, hư hỏng. Phương án khả thi nhất là xây dựng kè rọ đá tại xã Long Xá và nâng cấp kè tại xã Hưng Lĩnh, mặc dù vậy, ước tính nguồn vốn để triển khai rất lớn (khoảng trên 100 tỷ đồng), vượt quá điều kiện của huyện, do đó, hiện huyện Hưng Nguyên cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Nông nghiệp và PTNT để có phương án hỗ trợ địa phương.

Trước mắt, huyện chỉ đạo các địa phương vùng sạt lở cần cắm biển cảnh báo an toàn cho người dân, đồng thời, kiểm tra, thẩm định các vùng đất màu an toàn có thể canh tác được để bà con sản xuất, không để đất trống. Bên cạnh đó, theo dõi diễn biến của các đợt thiên tai để có biện pháp phòng tránh kịp thời.

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO