Hàng nghìn người dân ở xã giàu bậc nhất Nghệ An đóng tiền hơn 10 năm vẫn chưa có nước sạch
(Baonghean.vn) - Theo yêu cầu của xã Đô Thành (Yên Thành), hàng nghìn hộ dân đã đóng 2,5 triệu đồng/hộ để được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, một nửa số người dân trong xã vẫn dùng tạm nước mưa hoặc mua từng bình về dùng vì phần lớn nguồn nước từ giếng khoan đều bị ô nhiễm.
Mòn mỏi chờ nước sạch giữa... Đô Thành
Nhiều năm nay, mỗi lần thấy mưa lớn, chị Võ Thị Thân (43 tuổi), ở xóm Đông Thi, xã Đô Thành lại hớt hải mang hết thau chậu trong nhà ra để hứng, nhưng mỗi lần như thế cũng chỉ đủ cho gia đình 7 người sinh hoạt trong 1 ngày. “Dù sao đỡ được đồng nào hay đồng đó chú ạ”, người phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ nói.
Chị Thân là một trong hàng nghìn hộ dân ở xã Đô Thành đang mòn mỏi chờ nước sạch, dù phần lớn trong số họ đã đóng tiền cho xã từ hơn 10 năm trước. Đô Thành là một trong những xã giàu nhất của tỉnh Nghệ An. Căn nhà nhỏ của chị Thân nằm lọt thỏm giữa những tòa biệt thự bề thế. Nhà có đến 5 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, nên dù vợ chồng ngược xuôi làm thuê, cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Thế nhưng, nhiều năm nay, gia đình chị phải gánh thêm khoản mua nước sinh hoạt hàng ngày.
“Mỗi ngày gia đình tôi đều phải mua một bình nước sạch với giá 12.000 đồng về để nấu ăn. Còn việc sinh hoạt như tắm giặt thì vẫn phải chấp nhận dùng nước bẩn từ giếng khoan. Đối với nhiều người, có thể khoản tiền đó không lớn, nhưng nhà tôi thì khác”, chị Thân nói.
Chị Thân bên những thau nước đã ố vàng sau thời gian đựng nước từ giếng khoan. Ảnh: Tiến Hùng |
Hơn 10 năm trước, cũng như các hộ dân khác ở xã Đô Thành, gia đình chị Thân được xã yêu cầu phải đóng 2,5 triệu đồng để xây dựng nhà máy nước sạch, sau đó sẽ được đấu nối để mua nước về dùng. Thế nhưng, khi dự án nhà máy hoàn thành, chỉ có khoảng một nửa số hộ dân Đô Thành được cấp nước. Chị Thân nằm trong số còn lại. Nhà chị Thân cũng có giếng khoan, nhưng nguồn nước từ giếng cũng như các hộ khác không được sạch. “Nước từ giếng khoan cứ để một lúc lại đổi màu. Vì thế, gia đình tôi chẳng dám dùng để nấu ăn, chỉ có thể để tắm, giặt. Thậm chí nước để tắm cũng phải lọc thủ công”, chị Thân nói và chỉ tay vào những chiếc thau nhôm đã đổi màu vàng ố sau thời gian ngắn dùng để đựng nước từ giếng khoan.
Cạnh nhà chị Thân, ông Phan Đăng Thế (64 tuổi) cho biết, thời điểm triển khai dự án nhà máy nước, ông đang là Trưởng thôn Đông Thi. Theo chỉ đạo của xã, ông có trách nhiệm đôn đốc các hộ dân đóng tiền làm nhà máy nước, để được mua nước sạch về dùng. Tuy nhiên, khi nhà máy nước xây xong, toàn bộ các hộ dân ở thôn Đông Thi đều không được đấu nối với các đường ống để mua nước. “Bỏ 2,5 triệu đồng mà hơn 10 năm nay chưa được một giọt nước nào. Người dân rất bức xúc, thường xuyên đến hỏi. Tôi cũng chỉ biết lên hỏi xã. Nhưng lãnh đạo xã thì hứa hết lần này đến lần khác”, ông Thế lắc đầu ngao ngán.
Còn ông Lê Xuân Viên (63 tuổi) thì cho rằng, xã Đô Thành cần khẩn trương trả lại tiền cho người dân. “Nguồn nước ở đây thường bị ô nhiễm, còn mua từng bình nước sạch để sinh hoạt thì rất tốn kém. Vấn đề chúng tôi cần biết đó là khoản tiền chúng tôi đã đóng hơn 10 năm trước đã ở đâu? Chúng tôi đóng tiền để được sử dụng nước, còn nếu không có thì cũng phải trả lại tiền cho chúng tôi. Có thế thôi mà không ai trả lời được”, ông Viên bức xúc.
Nhiều hộ dân phải xây hầm chứa nước mưa. Ảnh: Tiến Hùng |
Nhà máy chỉ đủ cấp nước cho một nửa nhưng thu tiền của cả xã
Theo tìm hiểu của phóng viên, xuất phát từ nhu cầu của người dân, năm 2011, UBND xã Đô Thành có tờ trình xin chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Đô Thành. Theo dự toán, tổng mức đầu tư của dự án này là hơn 28 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương là 60% (gần 17 tỷ đồng), số còn lại từ nguồn ngân sách của xã.
Theo lãnh đạo xã Đô Thành, do nguồn ngân sách của xã eo hẹp nên đã phải huy động nhân dân đóng góp. Thời điểm đó, xã Đô Thành có hơn 3.200 hộ dân, thuộc 14 thôn, mỗi hộ dân buộc phải đóng 2,5 triệu đồng. Khoản tiền này xã thu thành 5 đợt, kéo dài trong 2 năm rưỡi. Cứ nửa năm, mỗi hộ dân phải đóng 500.000 đồng.
“Sau đó, có 2.902 hộ dân trên địa bàn 14 thôn đã đóng tiền, với tổng số tiền thu được là hơn 5,3 tỷ đồng. Trong số đó, có nhiều hộ dân vẫn chưa đóng đủ 2,5 triệu đồng và hơn 300 hộ dân chưa đóng đồng nào”, vị cán bộ kế toán xã Đô Thành nói và cho hay, trong quá trình triển khai dự án, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương bị cắt giảm, chỉ được giải ngân 7,5 tỷ đồng.
Chính vì thế, đến nay dù nhà máy nước đã hoàn thành, đi vào hoạt động nhiều năm qua nhưng chủ đầu tư là xã Đô Thành mới chỉ trả cho đơn vị thi công hơn 13 tỷ đồng. Đây là khoản tiền từ vốn ngân sách Trung ương cộng với hơn 5,3 tỷ đồng do người dân đóng góp và hơn 600 triệu đồng từ ngân sách của xã. Tính ra, chủ đầu tư vẫn còn nợ đơn vị thi công khoảng 15 tỷ đồng.
Theo quy mô dự án được phê duyệt thì nhà máy nước này chỉ có công suất 677m3/ngày đêm, đảm bảo nước sinh hoạt cho 1.801 hộ, nhưng xã lại thu tiền của toàn bộ hộ dân trên địa bàn, tương ứng với khoảng 3.200 hộ dân. Ảnh: Tiến Hùng |
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Đô Thành, nhà máy nước này chỉ có công suất 677m3/ngày đêm; đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho 8.430 người với 1.801 hộ và các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn. Tuy nhiên, không hiểu sao khi thực hiện dự án, lãnh đạo xã Đô Thành lại yêu cầu toàn bộ các hộ dân trên địa bàn xã phải đóng tiền với lời hứa sẽ được cấp nước? Thời điểm dự án được phê duyệt vào năm 2011, xã Đô Thành đã có đến 3.200 hộ dân.
Trao đổi về vấn đề này, ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho rằng, có thể lãnh đạo xã thời điểm đó thu tiền của toàn bộ các hộ dân vì tính đến phương án triển khai luôn giai đoạn 2. Nhưng không ngờ, đến nay giai đoạn 1 mà vẫn còn nợ đơn vị thi công đến 15 tỷ đồng.
Cũng theo ông Huệ, nhà máy nước đã hoàn thành, đi vào hoạt động từ năm 2017. Đã bán nước sinh hoạt cho 7 trên tổng số 14 thôn trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được quyết toán. “Để xảy ra vấn đề này là trách nhiệm của địa phương. Chúng tôi cũng mong bà con thông cảm và chia sẻ với địa phương. Để giải quyết, thời gian tới chúng tôi sẽ quyết toán công trình rồi xin nguồn vốn để chi trả số tiền còn nợ đơn vị thi công. Sau đó, sẽ tiếp tục tìm cách xin chủ trương đầu tư giai đoạn 2, để cấp nước cho các hộ dân còn lại”, ông Huệ nói
Về việc nhiều hộ dân yêu cầu xã trả lại tiền vì đã đóng hơn 10 năm nhưng vẫn không được giọt nước sạch nào, ông Luyện Xuân Huệ cho biết, điều này là không thể được. “Toàn bộ số tiền thu được từ người dân, chính quyền xã thời điểm đó đã dùng để thanh toán cho đơn vị thi công. Bây giờ xã không biết lấy khoản nào để trả lại. Chúng tôi chỉ còn cách tiếp tục đi xin nguồn vốn để đầu tư giai đoạn 2”, Chủ tịch UBND xã Đô Thành nói.
Đô Thành hiện có hơn 4.000 hộ dân với khoảng 18.000 nhân khẩu. Đây là một trong những xã giàu nhất tỉnh Nghệ An, nổi tiếng với những căn nhà cao tầng mọc lên san sát. Sự giàu có của xã này xuất phát từ dòng tiền đổ về từ những lao động đang làm việc ở nước ngoài. Theo thống kê của xã, hiện có khoảng 1.600 người dân Đô Thành đang đi xuất khẩu lao động, trong đó phần lớn là ở các nước châu Âu.