Hàng nghìn phụ nữ và trẻ em được cải thiện nhận thức về bạo lực giới

Mỹ Hà 15/09/2022 12:23

(Baonghean.vn) - Sáng 15/9, tại thị xã Cửa Lò, Hội Liên hiệp Phụ nữ hai tỉnh Nghệ An và Yên Bái phối hợp với Ban quản lý dự án Hagar tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới”, giai đoạn 2020 - 2022.

Cùng dự có bà Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Giang Thị Thu Thủy - Giám đốc Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ hai tỉnh Nghệ An, Yên Bái; đại diện các sở, ban, ngành liên quan. Ảnh: Mỹ Hà

Dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” được triển khai từ năm 2020 tại 4 xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An) và xã Bình Thuận, xã Minh An (huyện Văn Chấn - Yên Bái).

Qua đó, nhằm mục tiêu giúp cho 100% phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục và mua bán người trong vùng dự án tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ đa ngành dựa trên hiểu biết về sang chấn để chữa lành và phục hồi.

Bà Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà

Đồng thời, giúp cải thiện nhận thức và thái độ cộng đồng về bạo lực phụ nữ, trẻ em thông qua các chiến dịch truyền thông tại cộng đồng và trường học.

Liên quan về vấn đề bạo lực giới, tại báo cáo điều tra Quốc gia về bạo lực với phụ nữ và trẻ em của Việt Nam năm 2019 cho thấy, 63% đã từng chịu một hoặc hơn một hình thức bạo lực.

Riêng tại, Nghệ An gần 8.400 vụ bạo lực gia đình từ năm 2010-2020 được phát hiện và xử lý.


Dự án đã mang lại nhiều kết quả tích cực sau 3 năm thực hiện. Ảnh: Mỹ Hà

Để phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới, dự án đã triển khai một chiến lược truyền thông với nhiều chủ đề và hình thức khác nhau. Tại Nghệ An, dự án đã triển khai 08 chiến dịch, 3 sự kiện truyền thông về phòng chống xâm hại tình dục, thu hút hàng nghìn người dân, học sinh tham gia.

Bên cạnh đó, có hơn 50 nghìn ấn phẩm, 12 chương trình phát thanh về phòng chống bạo lực giới được phát đến toàn bộ người dân trong vùng dự án.

Đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dự án đã hỗ trợ 800 gói an sinh cho phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực giới chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hỗ trợ xây dựng hệ thống bồn rửa tay cho học sinh Trường THCS xã Quỳnh Thắng.

Một tiểu phẩm nói về vấn đề bạo lực giới do các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An biểu diễn. Ảnh: Mỹ Hà

Kết thúc dự án, kiến thức về giới, bạo lực giới và luật pháp liên quan của người dân và cán bộ địa phương tại 4 xã dự án có sự chuyển biến tích cực. Các quan niệm bất bình đẳng giới đã có dấu hiệu giảm; người dân nhận diện các hành vi bạo lực cũng như người gây bạo lực tốt hơn; nhận thức về nguyên nhân, hậu quả bạo lực đối với phụ nữ trẻ em cũng được cải thiện.

Trong đó, thực trạng bạo lực ở phụ nữ và trẻ em đã từng chịu ít nhất một trong các hành vi bạo lực giới đã giảm đáng kể từ 57,6% xuống còn 23%; 97,1% đối tượng bị bạo lực đã biết cần tìm đến ai hoặc đến đâu để được trợ giúp. Triển khai dự án đã có 900 người chịu ảnh hưởng bởi bạo lực đã nhận được hỗ trợ, 80% cán bộ được nâng cao kiến thức, 200.000 người dân được cải thiện thái độ và nhận thức về bạo lực giới…

Các đại biểu tìm hiểu về vấn đề bạo lực giới. Ảnh: Mỹ Hà

Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới - Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đánh giá cao hiệu quả của dự án.

Thời gian tới, để dự án phát huy hiệu quả cần tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình và nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ 1 cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả làm việc của các nhóm phản ứng nhanh, các cán bộ phụ trách vấn đề này tại địa phương. Đồng thời, cần quan tâm đến việc phát triển kinh tế hộ gia đình song song với việc truyền thông, hỗ trợ giải quyết bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Các đại biểu của hai tỉnh Nghệ An và Yên Bái chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo tổng kết dự án. Ảnh: Mỹ Hà

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho rằng hiện vẫn đang còn nhiều định kiến về bình đẳng giới và vì vậy vấn đề bạo lực giới còn rất nhiều tiềm ẩn, gây tổn thương cho phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, cơ chế và sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành chưa thực sự tốt, dẫn đến nhiều vụ việc chưa được phát hiện.

Do đó, thời gian tới cần phải hoàn thiện các thể chế, chính sách về bạo lực giới, bình đẳng giới. Ngoài ra, cần có các quy định về tiếp nhận thông tin và các đối tượng bị bạo lực, tránh hành vi phân biệt đối xử. Tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông, trong đó hướng đến các đối tượng bị yếu thế; phù hợp với từng vùng, miền, phong tục, tập quán, từng độ tuổi, giới tính.

Mới nhất
x
Hàng nghìn phụ nữ và trẻ em được cải thiện nhận thức về bạo lực giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO