Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan: Tăng tốc trong thận trọng
(Baonghean.vn) - Dự án “Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) vốn được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên về địa chính trị kinh tế. Sau quãng thời gian ngừng trệ, dự án đã tăng tốc trở lại. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chiến lược cuối cùng, Trung Quốc và Pakistan phải nỗ lực giải quyết nhiều thách thức đang tồn tại.
HỒI SINH SÁNG KIẾN
Dự án “Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) được công bố vào năm 2015 trong nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, khiến giới chức Pakistan đã rất phấn chấn về thành công tiềm năng của dự án. Truyền thông chính thống của Pakistan ngày đêm cập nhật tin bài về CPEC. Một thời gian dài, hành lang này đánh mất xung lực, các dự án rơi vào tình trạng treo, bởi Islamabad lo ngại việc tiếp nhận các dự án có rủi ro mắc nợ cao, trong khi Pakistan đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và kéo dài về việc cân đối các khoản thanh toán.
Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan CPEC được đánh giá mang lại nhiều lợi ích địa chính trị kinh tế cho cả hai quốc gia. Ảnh minh họa: Internet |
Mới đây câu chuyện CPEC một lần nữa lại hồi sinh, sôi động trở lại trên các phương tiện truyền thông của Pakistan. Các dự án CPEC có trị giá 11 tỷ USD vừa được ký kết bao gồm dự án thủy điện trị giá 3,9 tỷ USD ở khu vực Kasshmir thuộc Pakistan, và kế hoạch cải tạo tuyến đường sắt trị giá 7,2 tỷ USD - dự án đắt giá nhất của Trung Quốc ở Pakistan. Cùng với việc thành lập đặc khu kinh tế ở Faisalabad của Pakistan, những dự án phát triển này kỳ vọng mang lại nguồn năng lượng mới cho CPEC.
Bắc Kinh và Islamabad đang thúc đẩy đúng hướng nhằm phục hồi CPEC. Nếu như trước đây, Trung Quốc cho rằng chính phủ Pakistan yếu kém, gây ra những tắc nghẽn trong việc thực hiện dự án, thì nay Pakistan gạt bỏ sự dè dặt ban đầu, thể hiện quyết tâm tạo đột phá. Pakistan đã bổ nhiệm một Trung tướng nghỉ hưu làm Chủ tịch cơ quan Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPECA), bất chấp sự chỉ trích của phe đối lập.
CPECA cho phép quân đội đóng vai trò chính thức giám sát các dự án liên quan, đồng thời sẽ đáp ứng mục đích vận hành trơn tru các dự án CPEC ở Pakistan. Đáng chú ý hơn, căng thẳng biên giới hiện nay giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Ladakh cũng được xem là động lực mới của các dự án CPEC ở Pakistan.
Trong chuyến thăm ngắn của Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi đến Trung Quốc vào cuối tháng 8 vừa qua, hai bên đều nhấn mạnh rằng, CPEC đã bước vào “giai đoạn mới của phát triển vượt bậc”. Hai bên cũng nhất trí rằng, việc hoàn thành đúng thời hạn các dự án theo kế hoạch của CPEC giai đoạn 2 là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi (trái) gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2019. Ảnh: THX |
Sau khoảng thời gian giảm tốc, CPEC một lần nữa trở thành ưu tiên hàng đầu của Islamabad. Các nhà quan sát nhận định rằng, CPEC đã quay trở lại và lớn mạnh hơn bao giờ hết nhờ những phát triển cả về chất và lượng. Giới chức Pakistan nhận thức rõ ràng, CPEC có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước, bất kể nó khiến Islamadbad trượt quá sâu vào quỹ đạo của Bắc Kinh, hay như sẽ đẩy Pakistan vào bẫy nợ từ các khoản vay.
Pakistan là cửa ngõ quan trọng để Trung Quốc tiếp cận các khu vực khác.
CPEC được xem là thành tố bước ngoặt đối với Pakistan, và việc triển khai siêu dự án sẽ đưa Pakistan trở thành điểm trung chuyển hàng hóa lớn nhất ở châu Á cùng Singapore và Thượng Hải. Pakistan là cửa ngõ quan trọng để Trung Quốc tiếp cận các khu vực khác. Còn Bắc Kinh tin rằng ổn định kinh tế và an ninh tại nước láng giềng là hành lang an toàn để Trung Quốc mở rộng sức ảnh hưởng ra thế giới.
CPEC là bộ phận cấu thành của “Vành đai, Con đường” - sáng kiến then chốt trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. Đương nhiên, CPEC không thể tránh khỏi một số thách thức.
THÁCH THỨC AN NINH VÀ CHÍNH TRỊ
Trong thời gian qua, rõ ràng “Vành đai, Con đường” không chỉ giúp mối quan hệ song phương Trung Quốc - Pakistan đạt được nhiều sự tiến bộ, song nó cũng tác động đến mối quan hệ của Pakistan với các nước láng giềng, đặc biệt là Iran. Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào Pakistan, song “sức khỏe” kinh tế tổng thể của Pakistan có vẻ chỉ là ưu tiên ở mức độ thấp đối với Trung Quốc. Minh chứng rằng, bản dự thảo dài 18 trang về thỏa thuận kinh tế và an ninh giữa Trung Quốc và Iran, nếu thành hiện thực, sẽ tác động đáng kể đến Pakistan. Bắc Kinh có thể chi 400 tỷ USD vào Iran, cao hơn rất nhiều so với các khoản đầu tư dành cho các dự án CPEC.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan (trái) hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 10/2019. Ảnh: AFP |
Căng thẳng giữa Iran và Pakistan vốn đã trở nên tồi tệ hơn với nhiều sự nghi kị lẫn nhau. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu thỏa thuận Trung Quốc - Iran sẽ đẩy Pakistan và Iran ngày càng ra xa hơn, hay sẽ giúp hai nước xích lại gần nhau dưới cánh cửa Trung Quốc. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang có kế hoạch phát triển các cảng ở Iran, và nó sẽ làm giảm tầm quan trọng của cảng nước sâu Gwadar - trụ cột then chốt về trung chuyển hàng hóa của CPEC.
Với việc Pakistan ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ đã xích lại gần nhau hơn.
Không chỉ xuất hiện những rạn nứt với nước láng giềng, Pakitan còn khiến Mỹ phật lòng khi bắt tay hợp tác với Trung Quốc. Các nhà phân tích độc lập có quan điểm rằng, với việc Pakistan ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ đã xích lại gần nhau hơn. Đối với Pakistan, cả Mỹ và Trung Quốc đều quan trọng, và Islamabad cần tìm cách cân bằng đối trọng. Riêng Ấn Độ, dường như muốn Pakistan sẽ bị chia rẽ giữa 2 đối tác này.
Trở ngại nghiêm trọng đối với CPEC cũng nằm trong chính nội lực của Pakistan, nhất là an ninh, bất ổn cùng với tác động tràn lan của chủ nghĩa khủng bố. Mối nguy hại lớn nhất đến từ các nhóm ly khai gốc Baloch ở Balochistan - tỉnh có cảng nước sâu Gwadar. Những nhóm này xem CPEC là sáng kiến chống lại người Baloch vì nó cho phép người nước ngoài được quyền tiếp cận Balochistan và thay đổi yếu tố nhân chủng học theo hướng bất lợi cho người bản địa Baloch. Do đó, lực lượng ly khai Baloch đã nhắm mục tiêu vào các lợi ích của Trung Quốc ở Pakistan như tấn công sở giao dịch chứng khoán Karachi mà Trung Quốc sở hữu 40%, tấn công các kỹ sư, công nhân Trung Quốc tham gia xây dựng CPEC.
Không thể bỏ qua những vấn đề nhức nhối về căng thẳng địa chính trị trong khu vực và các mối đe dọa an ninh trong nước, song CPEC đang được vận hành lại với tốc độ tối đa. Liệu CPEC có thể vượt qua những rào cản đó để thành công ở Pakistan, hay số phận của sáng kiến sẽ được ấn định lại trong tương lai?!
Cảng Gwadar, Pakistan là trụ cột then chốt của CPEC. Ảnh: The Economic Times |
Một thực tế rằng, triển vọng của CPEC là rất lớn, ưu thế mà các dự án mang lại cho Trung Quốc và Pakistan vượt trội những trở ngại. Với Pakistan, CPEC ít nhất có tiềm năng mang lại các kết quả đáng kỳ vọng như cung cấp việc làm, cơ sở hạ tầng tốt hơn, và an ninh năng lượng. Quan trọng hơn, hướng đến mục tiêu kết nối toàn cầu, Pakistan sẽ thu được nhiều lợi ích từ CPEC như đa dạng hóa các hình thức trao đổi thương mại, thúc đẩy buôn bán nội địa, mở rộng xuất khẩu... Đó là một cơ hội lớn mà Pakistan sẽ không muốn bỏ lỡ.
CPEC là phép thử không chỉ với đại chiến lược của Bắc Kinh, mà còn với ảnh hưởng của Islamabad ở khu vực. Điều thay đổi vào lúc này là Pakistan muốn tận dụng cơ hội này theo một cách thức thận trọng, kiên trì hơn. Còn Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao tình hình ở Pakistan, và cần hòa nhập lợi ích tốt hơn để ngày càng có nhiều địa phương của Pakistan được hưởng lợi từ CPEC./.