"Hạnh phúc đó là em"

24/04/2015 18:34

(Baonghean) - Cuộc sống thường không lấy đi của ai bất cứ điều gì mà không có sự bù đắp. Và có lẽ với anh Hồ Phúc Danh - chủ hiệu may người khuyết tật ở phường Lê Lợi (Thành phố Vinh), thì sự bù đắp lớn lao và ý nghĩa nhất cho sự thiếu may mắn đó là một người vợ hiền dịu, đảm đang và hết mực yêu thương chồng, con...

Lần theo tấm biển chỉ dẫn nằm khiêm nhường đầu con ngõ nhỏ trên đường Chu Văn An, chúng tôi tìm đến “Nhà may Phúc Danh”. Chủ tiệm may là chàng trai ngoài 30, gương mặt tuấn tú, đang tay thước, tay kéo lanh lẹ với những đường cắt, cẩn thận lấy số đo cho khách… Nhìn anh say sưa với công việc, có lẽ sẽ chẳng thể nhận ra điều khác biệt nào. Thấy có khách tới, anh dừng tay và chào đón chúng tôi bằng một nụ cười thân thiện và bắt đầu trò chuyện bằng ngôn ngữ ký hiệu được phiên dịch bởi người vợ.

Anh Hồ Phúc Danh và vợ đo may cho khách.
Anh Hồ Phúc Danh và vợ đo may quần áo cho khách.

Nhìn người vợ xinh xắn, có thể chuyện trò với người chồng khiếm thính với thứ ngôn ngữ đặc biệt bằng tay và biểu cảm nét mặt rất tâm đầu ý hợp, bất kỳ người khách nào cũng thầm chúc phúc cho tổ ấm nhỏ của người thanh niên khuyết tật ấy. Chuyện trò với anh, tôi càng thấm thía rằng không có may mắn nào tuyệt đối và không thành công nào mà không phải đổ mồ hôi.

Lần theo dòng ký ức, trở về thời thơ ấu không mấy đủ đầy, trọn vẹn của cậu bé khuyết tật Phúc Danh. Khi lên 5,6 tuổi, cậu bé Danh đã nhận ra mình khiếm khuyết so với ba chị em trong gia đình và khác biệt với bạn bè. Cậu không nghe được âm thanh sôi động, của cuộc sống và cũng không thể giãi bày tâm tư bằng lời. Sống trong thế giới tĩnh lặng ấy, có những lúc cậu bé trở nên ngỗ ngược, ương bướng như “giãy dụa” để thoát khỏi số phận.

Danh không thể hoà đồng được với bạn bè, không được đi học vì hạn chế trong giao tiếp, kể cả với người thân trong gia đình. Nhiều lúc cậu chỉ biết rúc đầu vào mẹ mà khóc. Thế rồi sau biến cố lớn của gia đình, bố mất vì bạo bệnh khi anh lên 7 tuổi, tâm hồn nhạy cảm của cậu bé khuyết tật lần đầu tiên cảm nhận được những mất mát lớn lao và anh mong muốn thay đổi bản thân. Danh thương mẹ nhiều hơn, anh khao khát được học, được giao tiếp được với mọi người, được làm việc có ích giúp đỡ mẹ. Điều may mắn là anh đã được người chú ruột ở Thành phố Vinh nhận về nuôi và tạo điều kiện cho anh đi học ở Trung tâm Giáo dục, dạy nghề người khuyết tật.

Một thế giới mới như mở ra trước mắt khi anh được gặp gỡ những người bạn cùng chung cảnh ngộ; được học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp, thứ ngôn ngữ mà ngày còn sống ở làng quê nghèo Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu), Danh chưa bao giờ biết đến. Nhờ tố chất thông minh trời phú nên anh tiếp thu và nhanh chóng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu làm phương tiện giao tiếp. Thế nhưng, để chuyện trò với những người bình thường vẫn còn là trở ngại lớn. Bởi vậy, anh quyết tâm học chữ. Với người khuyết tật, để biết đọc, biết viết vất vả hơn người thường rất nhiều. Bởi các chữ cái phải được mã hoá thành ngôn ngữ ký hiệu để ghi nhớ. Đánh vật với từng con chữ, có lúc anh bật khóc. Thế nhưng, không chịu đầu hàng số phận, anh luôn chịu khó học ở trường, về nhà lại kiên trì luyện ghi nhớ chữ cái, rồi ghép âm, vần và tập viết thâu đêm.

Nỗ lực của chàng trai khuyết tật gấp bội những người thường và anh đã thành công. Biết viết không chỉ giúp anh trải lòng mình mà còn mở lối tiếp cận thêm các thông tin để nâng cao hiểu biết. Không dừng lại ở đó, được trời phú cho đôi bàn tay khéo léo nên anh Danh đã chọn học nghề may. Cần cù cộng với tố chất thông minh, sáng dạ nên anh tiếp thu nghề nhanh hơn hẳn các bạn cùng lứa. Chỉ sau hai năm theo học, anh Danh đã thạo nghề. Ngay khi tốt nghiệp, anh được nhà may Hồng Vân đến nhận về làm.

Cẩn thận, tỉ mẩn nên đường cắt, may của anh luôn chỉn chu. Được chủ nhà may giao phó nhiều công việc, không ngần ngại, anh luôn thấy mình may mắn vì có cơ hội để vừa làm, vừa trau dồi thêm tay nghề và có thêm thu nhập. Anh còn nhớ tháng lương đầu tiên chỉ nhận được chừng 500 nghìn đồng nhưng nó cho anh niềm tin rằng mình có thể sống độc lập, trở thành người có ích. Anh dành phần lớn số tiền đó gửi về cho mẹ bởi anh biết với mẹ đó là món quà ý nghĩa hơn bất cứ thứ gì.

Trong suốt 8 năm làm việc ở các nhà may, sau những giờ làm, anh Danh tự học hỏi thêm từ những người thợ lâu năm cách cắt, may các kiểu dáng quần áo khác nhau, rồi về nhà tự mình tập cắt may trên giấy. Miệt mài và cần mẫn như thế, Danh dần tích luỹ cho mình kinh nghiệm nghề quý giá. Anh bắt đầu trăn trở hướng đến một hiệu may do mình làm chủ “Mở nhà may riêng thì mình có thể phát huy được tay nghề và tăng thu nhập, hơn hết là mình tạo thêm việc làm cho các bạn bè cùng cảnh ngộ. Bởi việc bất đồng về ngôn ngữ vẫn là rào cản khiến những người khuyết tật khó tìm được công việc phù hợp”. Đó là động lực lớn nhất thôi thúc anh mở hiệu may riêng. Ý tưởng của anh được sự hỗ trợ của gia đình, cùng với nguồn vốn tích góp được anh mở tiệm may nho nhỏ nằm cuối con ngõ trên đường Chu Văn An bây giờ.

Tiệm may của anh ngày một đông khách bởi chất lượng, dáng áo sơ mi, quần tây và đặc biệt là comple được cắt may rất vừa vặn, với đường may sắc nét. Và điều đặc biệt hơn cả là sự thân thiện, nhiệt tình của người thợ khiếm thính được thể hiện một cách đặc biệt. Khách đến với tiệm may thường ghi các yêu cầu vào giấy và được trả lời lại rất nhanh. Sự nhạy cảm đặc biệt và nhanh ý của ông chủ tiệm may luôn mang đến cho khách hàng những lựa chọn ưng ý.

Anh còn trăn trở tìm thêm bạn hàng để may các loại đồng phục học sinh và áo chống nắng… tạo việc làm thường xuyên cho 4 người khuyết tật. Anh vui vì đã góp một phần giúp cho những người bạn đồng cảnh có được công việc với mức thu nhập ổn định để tự lo cho bản thân và gia đình và tự tin hoà nhập cuộc sống. Anh còn sẵn sàng nhận giúp đỡ miễn phí cho rất nhiều người khuyết tật ở các nơi đến xin học nghề trong nhiều năm qua.

Tổ ấm gia đình đầm ấm, hạnh phúc của chàng trai khuyết tật  Hồ Phúc Danh
Tổ ấm gia đình đầm ấm, hạnh phúc của chàng trai khuyết tật Hồ Phúc Danh

Không chỉ thành công trong công việc, anh thanh niên khuyết tật ấy còn có một gia đình nhỏ đầm ấm, hạnh phúc. Trìu mến nhìn sang vợ, chị Hoàng Thị Thinh đang làm “phiên dịch viên” cho chồng, kể về câu chuyện tình yêu “kỳ lạ” của mình, anh hóm hỉnh: “Vợ như là cầu nối giúp tôi bước ra thế giới”. Tình yêu với chàng trai khuyết tật giàu ý chí ấy đã giúp chị có động lực tự mình học ngôn ngữ ký hiệu để hiểu hơn, đồng cảm với anh. Chị kể, thời gian đầu, nhiều lúc tủi thân vì những cảm xúc muốn sẻ chia không có cách nào diễn tả. Chỉ có ánh mắt và nụ cười đầy thánh thiện của anh dường như thấu hiểu và đồng cảm với những buồn, vui, âu lo của chị. Chính sự chân thành, thật thà và nỗ lực chiến thắng số phận của anh đã tiếp thêm niềm tin vào tình yêu của chị.

Giờ đây chị trở thành “đôi tai” lắng nghe và chuyển tải mọi ý nghĩ, cảm xúc của anh tới mọi người xung quanh và ngược lại. Điều đó thật ý nghĩa biết bao khi thế giới của chàng trai khiếm thính không còn bị bó hẹp trong ngôn ngữ ký hiệu giản đơn nữa. Chị trở thành cánh tay đắc lực phụ giúp anh trong công việc và cũng là người tri kỷ, tâm giao trong cuộc sống. Sau 4 năm gắn bó, tổ ấm gia đình nhỏ ấy đã rộn rã tiếng cười trẻ thơ. Cậu con trai của anh đã lên 2, kháu khỉnh, biết bi bô gọi bố…

Đinh Nguyệt

Mới nhất
x
"Hạnh phúc đó là em"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO