Hành trình của cô gái mất đôi chân từ khi 9 ngày tuổi
(Baonghean.vn) -Số phận chỉ cho Lê Thị Thương đúng 8 ngày lành lặn, từ ngày thứ 9 phải gánh chịu đau đớn khi ngã vào bếp lửa đang cháy để rồi vĩnh viễn mất đi đôi chân.
Mấy năm nay, người dân xóm 8, xã Tân Hương (Tân Kỳ) đã quen với cảnh cô gái bị cụt đôi chân, di chuyển bằng hai đầu gối, hàng ngày dắt bò lên đồi gặm cỏ. Từ già tới trẻ ai cũng cảm thương hoàn cảnh của Lê Thị Thương (SN 1993) – cô gái có khuôn mặt xinh xắn, cuộc đời gặp phải nỗi éo le, bất hạnh nhưng giàu nghị lực. Sau những đau đớn và mặc cảm về thân phận, Thương đã gượng dậy trên đôi chân tật nguyền và trở thành người có ích.
Bà Đậu Thị Lợi – mẹ Thương kể lại trong nước mắt: “Tất cả nỗi bất hạnh của nó là do tôi gây ra, giá như ngày ấy tôi cẩn thận hơn thì đâu đến nỗi. Cũng tại đói khổ, không có đủ cái ăn nên mới sinh được 9 ngày đã phải ra ruộng gặt lúa...”. Năm ấy, bà Lợi sinh con gái vào tháng 9, đúng vào mùa gặt, thửa ruộng trước nhà đã chín vàng. Sợ mưa bão tràn về sẽ cuốn trôi hết công sức bao tháng ngày vất vả, dù mới sinh được 9 ngày nhưng bà Lợi vẫn ra ruộng gặt lúa cùng người chị gái. Buổi sáng, bé Thương được giao cho chị gái trông nom, mọi việc đều yên ổn. Đến chiều, việc trông nom Thương được giao cho người anh trai. Đang gom những bó lúa cuối cùng, chợt thấy trong lòng bất an, bà Lợi vội vã về nhà. Một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra trước mắt, đến nay đã 25 năm trôi qua người mẹ ấy vẫn không thôi ám ảnh, nó vẫn thường xuyên trở về trong những cơn ác mộng.
Từ sân bước vào nhà, thấy đứa bé sơ sinh không còn nằm trên chiếc chõng nhỏ, mà nằm bên mép bếp cùng mớ tã lót đã cháy thui. Người mẹ lao đến bên bếp, bế đứa trẻ lên và đau điếng khi thấy toàn bộ đôi chân và phần lưng của đứa trẻ sơ sinh đã bị cháy sém, đứa trẻ đã ngất lịm. Vợ chồng bà Lợi bán hết gia sản đưa con đến khắp nơi để cứu chữa nhưng mức độ bỏng quá nặng, da thịt trẻ sơ sinh không thể phục hồi được những tổn thương nên đành gạt nước mắt nhìn cảnh đôi chân của đứa con gái nhỏ bị rụng dần. Đứa trẻ sơ sinh ấy được mang tên Thương chính là bắt nguồn từ đó.
Cũng từ đó, cuộc đời Thương gắn liền với chiếc giường nhỏ, mọi sinh hoạt đều phải có sự hỗ trợ từ người thân. Bà Lợi và chồng là Lê Trọng Nhâm càng thêm đau lòng, ứa nước mắt mỗi khi thấy những đứa trẻ trong xóm cùng trang lứa với Thương chập chững tập đi, rồi chạy nhảy ngoài đường và cắp sách đến lớp. Nghĩ rằng, mai kia bố mẹ sẽ già yếu và qua đời, anh chị em rồi cũng sẽ có cuộc sống riêng, người mẹ quyết tâm phải bằng mọi cách giúp đứa con gái tật nguyền gượng lên bằng đôi chân của mình. Khi Thương lên 5 tuổi, bà Lợi bắt đầu tập đi cho con.