Hành trình của cô gái mất đôi chân từ 9 tuổi

Mấy năm nay, người dân xóm 8, xã Tân Hương (Tân Kỳ) đã quen với cảnh cô gái bị cụt đôi chân, di chuyển bằng hai đầu gối, hàng ngày dắt bò lên đồi gặm cỏ. Từ già tới trẻ ai cũng cảm thương hoàn cảnh của Lê Thị Thương (SN 1993) – cô gái có khuôn mặt xinh xắn, cuộc đời gặp phải nỗi éo le, bất hạnh nhưng giàu nghị lực. Sau những đau đớn và mặc cảm về thân phận, Thương đã gượng dậy trên đôi chân tật nguyền và trở thành người có ích.

Bà Đậu Thị Lợi – mẹ Thương kể lại trong nước mắt: “Tất cả nỗi bất hạnh của nó là do tôi gây ra, giá như ngày ấy tôi cẩn thận hơn thì đâu đến nỗi. Cũng tại đói khổ, không có đủ cái ăn nên mới sinh được 9 ngày đã phải ra ruộng gặt lúa…”. Năm ấy, bà Lợi sinh con gái vào tháng 9, đúng vào mùa gặt, thửa ruộng trước nhà đã chín vàng. Sợ mưa bão tràn về sẽ cuốn trôi hết công sức bao tháng ngày vất vả, dù mới sinh được 9 ngày nhưng bà Lợi vẫn ra ruộng gặt lúa cùng người chị gái. Buổi sáng, bé Thương được giao cho chị gái trông nom, mọi việc đều yên ổn. Đến chiều, việc trông nom Thương được giao cho người anh trai. Đang gom những bó lúa cuối cùng, chợt thấy trong lòng bất an, bà Lợi vội vã về nhà. Một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra trước mắt, đến nay đã 25 năm trôi qua người mẹ ấy vẫn không thôi ám ảnh, nó vẫn thường xuyên trở về trong những cơn ác mộng.

Cũng từ đó, cuộc đời Thương gắn liền với chiếc giường nhỏ, mọi sinh hoạt đều phải có sự hỗ trợ từ người thân. Bà Lợi và chồng là Lê Trọng Nhâm càng thêm đau lòng, ứa nước mắt mỗi khi thấy những đứa trẻ trong xóm cùng trang lứa với Thương chập chững tập đi, rồi chạy nhảy ngoài đường và cắp sách đến lớp. Nghĩ rằng, mai kia bố mẹ sẽ già yếu và qua đời, anh chị em rồi cũng sẽ có cuộc sống riêng, người mẹ quyết tâm phải bằng mọi cách giúp đứa con gái tật nguyền gượng lên bằng đôi chân của mình. Khi Thương lên 5 tuổi, bà Lợi bắt đầu tập đi cho con.

Những bước đi đầu đời của bất cứ đứa trẻ nào cũng đều rất khó khăn, đứng lên rồi ngã xuống, huống chi với một đứa trẻ có đôi chân cụt như Thương. Lúc đầu phải dùng hai tay để bò, rồi người mẹ đỡ thẳng người lên, tập bước bằng hai đầu gối. Không thể kể xiết những đau đớn, đau từ ngoài da, thấm vào thịt, vào tận xương tủy, nước mắt giàn giụa, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Chứng kiến cảnh ấy ai cũng thương cảm và ái ngại, khuyên bà Lợi nên dừng lại, vì triển vọng đâu chưa thấy, chỉ thấy nỗi đau đớn tột cùng. Nhưng rồi, ngày này qua tháng khác, sau 2 năm kiên trì và nén chịu, nỗ lực của hai mẹ con được đền đáp khi Thương có thể tự di chuyển bằng hai đầu gối.

Từ sân bước vào nhà, thấy đứa bé sơ sinh không còn nằm trên chiếc chõng nhỏ, mà nằm bên mép bếp cùng mớ tã lót đã cháy thui. Người mẹ lao đến bên bếp, bế đứa trẻ lên và đau điếng khi thấy toàn bộ đôi chân và phần lưng của đứa trẻ sơ sinh đã bị cháy sém, đứa trẻ đã ngất lịm. Vợ chồng bà Lợi bán hết gia sản đưa con đến khắp nơi để cứu chữa nhưng mức độ bỏng quá nặng, da thịt trẻ sơ sinh không thể phục hồi được những tổn thương nên đành gạt nước mắt nhìn cảnh đôi chân của đứa con gái nhỏ bị rụng dần. Đứa trẻ sơ sinh ấy được mang tên Thương chính là bắt nguồn từ đó.

Lên 7 tuổi, những đứa trẻ sinh cùng năm đã lên lớp 2, Thương cũng rất muốn được đi học. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, 4 anh chị và đứa em trai kề Thương cũng đang tuổi ăn, tuổi học, vợ chồng ông Nhâm vẫn quyết định cho đứa con gái tật nguyền đến trường để cuộc đời sau này đỡ phần cơ cực. Vậy là, qua 7 năm, Thương đến trường cùng người anh trai thứ 4 trên chiếc xe đạp cũ, vượt qua con đường quê gập ghềnh và lầy lội. Hàng ngày, dù trời nắng cháy hay giá buốt, cô bé tật nguyền ấy đều có mặt ở lớp đúng giờ. Xong lớp 7, Thương phải nghỉ học để đi lắp chân giả, nhưng chiếc chân giả quá nặng so với cơ thể nên ước nguyện không thành. Và con đường học hành cũng đành lỡ bước…

Hết mực thương yêu cô con gái tật nguyền, bố mẹ không để Thương làm bất cứ việc gì. Cách đây 4 năm, ông Lê Trọng Nhâm qua đời vì mắc bệnh ung thư, gia tài khánh kiệt, lại mất đi trụ cột gia đình, cô gái tật nguyền ấy bắt đầu phải làm quen dần với công việc. Ban đầu là nấu ăn, giặt giũ, chăm sóc lợn, gà, rồi lên đồi chăn bò, ra đồng cắt cỏ, Thương đều phải giúp mẹ đảm đương. Mấy năm nay, xã Tân Hương phát triển mạnh nghề ươm keo giống, người dân nơi đây có thêm công việc đóng bầu ươm cây để mưu sinh. Thấy chị em trong xóm đi đóng bầu thuê, Thương xin đi cùng, ban đầu chưa quen nên đóng được số lượng ít. Đến lúc thành thạo, Thương có thể đóng được 9000 bầu/ngày, được trả công tới 200.000 đồng. Thương đóng bầu rất nhanh, lại chặt, đảm bảo chất lượng nên chủ vườn ươm nào cũng muốn thuê, đưa đón đi về hàng ngày. Nhưng mỗi năm vụ ươm cây chỉ kéo dài từ 2-3 tháng, thành ra công việc này không được thường xuyên.

Bước vào tuổi đôi mươi, khi bạn bè lần lượt xây dựng gia đình, trái tim cô gái tật nguyền cũng có những xốn xang, rung động và mơ ước về một mái ấm hạnh phúc. Nhưng khi nhìn lại hoàn cảnh của mình, Thương đành gác lại ước mơ bình dị ấy, và chỉ mong có đứa con vừa để làm bạn, vừa là chỗ dựa cho những năm tháng bước vào tuổi xế tà. Và khi bước sang tuổi 22, Thương mang thai rồi sinh con, bé gái được đặt tên là Lê Thị Hoài Yến. Nay Hoài Yến đã gần 3 tuổi, người bố của con gái là một bí mật Thương nói sẽ giữ kín, chưa bao giờ có ý định thổ lộ. Hiện tại, mẹ con Thương sống cùng bà ngoại và cậu em út, cuộc sống còn không ít những vất vả, khó khăn. Cả nhà chỉ có hơn 1 sào ruộng và một ít đất màu để sản xuất, để có thêm tiền trang trải hàng ngày các thành viên phải tìm việc làm thuê. Riêng Thương có thêm khoản trợ cấp tàn tật khoảng 400.000 đồng/tháng, chủ yếu được dành để mua sữa cho bé Hoài Yến.

Trước hoàn cảnh của mẹ con Thương, xóm giềng, các đoàn thể và chính quyền địa phương luôn có sự quan tâm, giúp đỡ bằng cách quyên góp gạo, tiền và thuê đóng bầu ươm cây. Mỗi dịp Tết đến, hai mẹ con thường được nhận những món quà là niềm động viên, an ủi tinh thần. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, được nhà nước hỗ trợ bò giống, nay bò cái đã sinh bê con được mấy tháng, hứa hẹn sẽ tiếp tục sinh sôi.

Lê Thị Thương chia sẻ: “Cuộc sống bây giờ có thể xem là tạm ổn, chỉ lo sau này mẹ qua đời, em trai lập gia đình, cuộc sống của hai mẹ con em sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Mong muốn lớn nhất của em là có công việc phù hợp và thu nhập ổn định để lo được cuộc sống cho bé Hoài Yến sau này”.