Hành trình đến danh hiệu thủ khoa môn Ngữ Văn tỉnh Nghệ An của nữ sinh nghèo Khơ Mú

Đào Thọ 12/03/2024 18:45

(Baonghean.vn) - Bố mẹ đi làm thuê, hai anh em ở nhà nương tựa vào nhau để sống. Để có tiền ăn học, Moong Thị Thơm phải đi giữ trẻ thuê nhưng niềm đam mê học Văn vẫn không bao giờ tắt lụi. Kết quả ngọt ngào đến với em khi giành thủ khoa môn Ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 vừa qua.

Dù đã 5 ngày trôi qua, niềm vui lẫn sự bất ngờ vẫn chưa tan hết trên khuôn mặt của giáo viên và học sinh Trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS Kỳ Sơn. Trên khắp sân trường, nhiều nhóm học sinh vẫn còn xúm quanh Moong Thị Thơm, học sinh lớp 9A để chúc mừng em về thành tích thủ khoa môn Ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 vừa qua. Gương mặt rạng ngời của nữ sinh người Khơ Mú này khiến các thầy cô giáo của nhà trường càng thêm tự hào, nhất là khi biết được những gì Thơm đã trải qua và cả hành trình vươn lên của em để có được như ngày hôm nay.

bna-1-6021.jpeg
Một giờ học trong lớp của Moong Thị Thơm. Ảnh: Đào Thọ

Tiếp xúc với chúng tôi, Moong Thị Thơm có vẻ bẽn lẽn hơn. Thơm kể rằng, em sinh ra trong một gia đình thuộc diện hộ nghèo ở bản Văng Phao của xã biên giới Mường Típ. Bố em là Moong Văn Phiêu và mẹ em là Hoa Thị Phai quanh năm quần quật trên nương rẫy để nuôi 2 anh em khôn lớn và được học hành. Thơm bảo, những năm trước, cả nhà 4 người phải sống trong ngôi nhà rách nát. Lúc ấy, em chỉ ước mình có được một căn nhà kiên cố để ở, để mỗi lần mưa gió khỏi phải chịu cảnh chạy hết góc này đến góc khác tránh dột.

bna-2-2760.jpeg
Chân dung thủ khoa môn Ngữ văn người Khơ Mú Moong Thị Thơm. Ảnh: Đào Thọ

Bám nương rẫy, bữa đói bữa no, không đủ chu cấp cho các con ăn học, năm 2021, vợ chồng anh Moong Văn Phiêu đành để 2 đứa trẻ ở lại quê nhà rồi bắt xe lặn lội vào miền Nam làm thuê cho các công ty. Năm Thơm học lớp 7, lớp 8 cũng là 2 năm bố mẹ đi biền biệt không về. Cuộc sống của 2 anh em vốn đã khó khăn về mặt vật chất nay lại thiếu đi tình yêu thương và sự chăm sóc của bố mẹ.

“Cháu nhớ bố mẹ lắm. Anh em ở nhà vất vả quá nên nhiều lúc cháu tưởng việc học hành có thể phải dừng lại. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại nếu cháu bỏ học thì người thất vọng nhất là bố, mẹ, anh trai và các thầy cô đã yêu thương cháu. Cháu sợ làm tổn thương đến mọi người nên phải tiếp tục cố gắng hơn nữa” – Moong Thị Thơm chia sẻ.

bna-3-9896.jpeg
Cô giáo Lê Thị Thanh Hương hướng dẫn Moong Thị Thơm học bài. Ảnh: Đào Thọ

Nhìn anh trai mới học xong lớp 12 của mình hàng ngày phải nai lưng làm lụng việc nhà, việc nương rẫy để lo cho em, Moong Thị Thơm nhiều đêm ứa nước mắt. Những ngày được nghỉ, Thơm đều chạy về nhà cách ngôi trường em học hơn 30km để đỡ đần anh. Để có tiền trang trải, Thơm bàn với anh trai nghỉ hè sẽ đi làm thuê, ai cần việc gì thì làm việc đó, miễn là cuộc sống 2 anh em đỡ vất vả hơn.

“Lúc đầu anh cháu không đồng ý vì sợ cháu lao động vất vả mà quên mất việc học. Nhưng sau cháu thuyết phục rằng cháu chỉ làm những công việc nhẹ nhàng như trông trẻ, phụ bếp, rửa bát thôi thì anh mới miễn cưỡng đồng ý” – Thơm nói.

Thế rồi, những ngày hè của năm học lớp 8, Thơm dò hỏi khắp nơi ở trong huyện, từ các nhà hàng, quán ăn đến các gia đình có nhu cầu thuê người để tìm việc làm. May thay, có người giới thiệu em đi giữ trẻ hộ với mức lương mỗi tháng 1 triệu đồng. Thơm bảo dù chỉ có 1 triệu đồng nhưng được chủ nhà cam kết lo cho ăn uống đầy đủ nên em đồng ý ngay, bởi dù sao cũng đỡ được một phần ăn cho gia đình nghèo của mình.

Ngày đầu ra thị trấn Mường Xén để làm thuê, hành trang mang theo của cô nữ sinh nghèo người Khơ Mú chỉ vỏn vẹn mấy bộ quần áo và một chiếc cặp đầy sách vở. Thơm nói, chủ nhà thấy em ham học lại lễ phép nên họ rất thích, tạo mọi điều kiện cho em có thời gian rỗi để học và đọc thêm.

“Ban ngày cháu giữ em bé cho họ, đêm về lại lấy sách vở ra học. Càng học càng thấy mình hổng nhiều chỗ nên dù là ngày hè cháu vẫn mượn máy điện thoại của chủ nhà để nhờ cô giáo chỉ dẫn thêm. Nhờ vậy sau 2 tháng cháu cũng bổ sung được nhiều kiến thức mới” – nữ sinh nghèo bộc bạch.

Moong Thị Thơm cũng bảo rằng, em vốn đam mê môn Văn từ lúc còn là học sinh tiểu học. Khi đến bậc Trung học cơ sở, được vào học ở môi trường nội trú, được sự dẫn dắt của cô giáo Lê Thị Thanh Hương thì em lại càng đam mê hơn nhiều. Và từ năm lớp 6 đến nay, em luôn giành được danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện môn học này.

Với Moong Thị Thơm, khi đến với môn Ngữ văn em cảm thấy tự tin hơn, có ý chí để vượt lên hoàn cảnh của chính mình. “Văn học cũng làm tâm hồn em thêm phong phú, em thấy càng yêu hơn bản làng mình và những người xung quanh. Ước mơ sau này của em là được trở thành một cô giáo dạy Văn để đưa tri thức về cho các em nhỏ ở bản làng quê hương góp phần nhỏ bé thay đổi nhận thức, nếp nghĩ của đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn” – Thơm tâm sự.

bna-4-412.jpeg
Moong Thị Thơm cùng các bạn học. Ảnh: Đào Thọ

Nói về cô học trò nghèo Moong Thị Thơm, cô giáo Lê Thị Thanh Hương – giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Kỳ Sơn, người trực tiếp bồi dưỡng em chia sẻ: Thơm có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng ý chí, nghị lực của em thì đáng để mọi người noi theo. Hàng ngày, ngoài những giờ học trên lớp Thơm đều vào thư viện mượn sách để đọc.

“Tôi cũng thường xuyên theo sát và động viên em phải cố gắng. Nhiều hôm thấy em vất vả phải mua thêm đồ ăn thức uống để bồi dưỡng cho em. Có được thành quả như ngày hôm nay là cả một chặng đường dài không ngừng nghỉ của cả cô và trò nhưng quan trọng nhất vẫn là sự vươn lên của em” – cô giáo Lê Thị Thanh Hương cho biết.

Mới nhất
x
Hành trình đến danh hiệu thủ khoa môn Ngữ Văn tỉnh Nghệ An của nữ sinh nghèo Khơ Mú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO