Hành trình đến trường của hai cậu bé nghèo

Đạm Phương 03/03/2018 08:20

(Baonghean) - Mỗi sáng từ 5 giờ rưỡi đánh thức em dậy, mặc áo quần, đeo cặp sách, đạp xe gần 6km tới trường để kịp giờ học, trưa 12 giờ kém chở em về. Hành trình của cậu bé Lý Thành Đạt từ khi còn học lớp 4 nay đã lớp 7 từ xóm Yên Phong, xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) đến trường THCS Hồng Sơn (TP. Vinh) đã khiến cho nhiều người xót thương và cảm phục.

Tới đúng quán cắt tóc như chỉ dẫn, tôi dừng chân hỏi nhà Hà “mét”, trong quán có chừng dăm người, một trong số đó nói: “Chị cứ đi thẳng rồi nhìn sang bên phải có cái lều nhỏ nhất, cứ rứa mà vô không phải hỏi nữa, cả huyện này chỉ còn mỗi cái nhà kiểu đó nữa thôi”. Người khách đang cắt tóc (chắc là người trong xóm) dừng tay đế thêm: “Tỉnh ta mà tìm được một nhà giống vậy cũng khó lắm”. Căn nhà cũng lợp fibro xi măng, nhưng cọc chống bằng tre, mét, tường bao bằng mảnh ván vụn, bìa cát tông, cả căn lều xiêu vẹo, rách nát và tưởng chừng như sắp đổ đến nơi nhưng là nơi sinh sống 4 năm nay của hai đứa trẻ khi mẹ vắng nhà.

Ba mẹ con chị Hà trước căn nhà xiêu vẹo. Ảnh Đạm Phương
Ba mẹ con chị Hà trước căn nhà xiêu vẹo. Ảnh Đạm Phương

Mẹ cháu Lý Thành Đạt là Vũ Thị Thúy Hà (SN 1973), cũng vì có thâm niên buôn bán nứa, mét bên sông Cửa Tiền từ thời niên thiếu đến nay và đang ở trong ngôi nhà chống bằng mét nên có thêm tên gọi Hà “mét”. Trong nhà, áo quần, vật dụng chất đống ngổn ngang choán hết lối đi, cả nhà may còn có hai chiếc ghế để ngồi. Tấm nệm rộng chừng 1,5 m - chỗ ngủ của ba mẹ con bị mưa dột ướt sũng nước phải phủ tấm ni lông để lấy chỗ nằm.

Chị Hà giải thích: “Em vừa chuyển đồ đạc từ nhà trọ về đây nên chưa sắp xếp được, sợ nhà sập nên khi em vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị buôn nứa, mét và rửa bát thuê cho hàng ăn, phải thuê nhà trọ mỗi tháng 500 ngàn đồng cho hai con ở”. Làm ăn, buôn bán thế nào đến tiền nhà trọ cũng không trả được, phải dắt díu hai đứa con về tá túc lều cũ. Thấy khách đến nhà, hai đứa trẻ lễ phép chào, đứa em tên Lý Thanh Danh (SN 2010) nghếch mặt lên hóng chuyện.

Nghe mẹ và khách nói chuyện, cu Danh láu táu: “Mẹ ở nhà thì con được ăn cơm, được ngủ với mẹ nhưng con vẫn muốn mẹ đi để có tiền cho hai anh em đi học”. Người mẹ quệt nước mắt. Đạt ngước mắt nhìn tôi rồi ngó sang mẹ nói rón rén: “Có bữa đi dọc đường em Danh gục trên lưng cháu ngủ làm cháu vừa đạp xe vừa sợ em ngã. Cũng có hôm cháu vừa đạp xe vừa ngủ gật, may vấp phải ổ gà mới tỉnh ngủ, nhưng cháu vẫn đi học, vì không được gặp các bạn và cô giáo thì buồn lắm”.

Đạt nói xong quay sang đống áo quần, chăn gối hai mắt díp lại dáng vẻ mệt mỏi, nước da xanh tái, cố gắng chống mắt xua cơn buồn ngủ, nhưng cố gắng thế nào cũng không cưỡng lại được, lát sau đã ngủ thiêm thiếp. Hóa ra, nó vừa đi học lại mấy ngày nay sau khi phải nghỉ một tuần vì kiệt sức do đói và rét nên ngã gục ở bên cầu Cửa Tiền, cô giáo chủ nhiệm phải điện thoại để mẹ đang ở trong Quảng Trị tức tốc bắt xe về.

Trước đây, chị Hà thuê trọ ở bên sông Cửa Tiền ở phường Hồng Sơn để buôn bán nứa, mét, nhưng sau khi trả mặt bằng cho dự án, ông bà ngoại được đền bù một khoản tiền nên đã mua mảnh đất rộng trên 100m2 cho chị và người em gái (đang sinh sống ở huyện Hương Khê - Hà Tĩnh), đã khá lớn tuổi nhưng duyên phận trắc trở nên chị Hà đành phải đơn thân nuôi hai đứa con. Hai đứa con cũng mang họ bố nhưng chẳng bao giờ biết mặt người đàn ông đã sinh ra mình.

Bé Đạt phụ giúp mẹ việc nhà. Ảnh: Đạm Phương
Bé Đạt phụ giúp mẹ việc nhà. Ảnh: Đạm Phương

Thuở nhỏ, chị Hà thường xuyên lên cơn động kinh, không được khôn ngoan, nhanh nhẹn như người khác, vậy nên buôn bán làm ăn đến đâu lại trắng tay đến đó. Đã 45 tuổi nhưng không có nổi cái xe máy cũ để đi, chiếc xe đạp cũng đi mượn. Bố mẹ mua cho mảnh đất nhưng khi bố mất năm 2004, tiếp đến mẹ bị ung thư mất năm 2009, chưa kịp làm thủ tục thì người bán cũng mất nên chị Hà chưa được công nhận về mặt pháp lý. Cũng vì vậy, dẫu ở trên đất nhà mình nhưng phải làm tạm trú, được công nhận hộ nghèo nhưng không có tài sản thế chấp để vay tiền ngân hàng.

Hai năm nay, khi Lý Thanh Danh đi học thì cậu bé có thêm nhiệm vụ chở em đến Trường Tiểu học Vinh Tân (thành phố Vinh) rồi mới quay về trường mình, học xong 12 giờ kém lại sang đón em về. Về nhà, nấu cơm, rửa bát, giặt giũ để hai anh em ăn, khi màn đêm khép lại hai anh em ôm nhau co ro trên giường, không dám tắt đèn vì sợ bóng tối. Thức ăn chủ yếu là trứng và tương ớt, anh ăn trứng luộc, còn em trứng rán, buổi sáng nhịn đói, hôm nào dậy sớm thì ăn cơm nguội, còn không thì phải tức tốc đạp xe để kịp giờ học.

Trời mùa đông, 5 rưỡi sáng trời còn tối mịt, đi xe đạp không có đèn, bao hiểm nguy như rình rập đâu đó. Vậy nhưng cả hai anh em vẫn không vì mẹ vắng nhà mà bỏ học. Mỗi tháng mẹ đi ít thì 15 ngày, dài là 23 ngày như tháng vừa rồi, có tháng mẹ đi biền biệt, nhà hết gạo hai anh em phải nhịn đói đi học, vậy nên anh kiệt sức phải nghỉ đến một tuần lễ. Cu em học ở Trường Tiểu học Vinh Tân, vì không có tiền để nộp ăn bán trú nên buổi trưa giờ các bạn ăn, ngủ thì em ra đứng ở cổng trường chờ anh đến đón. Gần 12h trưa, khi Danh còn đứng ở cổng trường chờ anh thì các bạn trong lớp đã ăn xong để đi ngủ, trong khi Danh bụng đói meo. Ăn cơm xong anh lại chở em đến để học buổi chiều.

Nơi tá túc của chị và 2 con. Ảnh Đạm Phương
Nơi tá túc của chị Hà và 2 con. Ảnh Đạm Phương

May mắn cũng từ một lần chờ đợi anh như thế, Danh gặp chị Đặng Thị Bích Sơn ở khối Quang Trung, nhà đối diện Trường Tiểu học Vinh Tân sang đón con học cùng lớp Danh về nhà hỏi chuyện, biết hoàn cảnh nên đã dẫn em về nhà cho ăn cơm trưa, ngủ lại nhà, buổi chiều sang học tiếp nên Đạt không phải chở đi và đón em về buổi chiều nữa.

Không chỉ riêng chị Bích Sơn, trong câu chuyện của mình chị Hà còn luôn miệng nhắc tới các cô ở Trường Tiểu học Hồng Sơn (nơi Đạt học) như cô Mai - Hiệu trưởng, cô Đào Hương, cô Phương Anh. Còn cô Hoa thì dặn Đạt đưa hộp đi lấy cơm của cô tối về hai anh em ăn. Ở trường THCS có thầy Hải - Hiệu trưởng, cô giáo Loan chủ nhiệm lớp giúp Đạt sách vở, áo đồng phục, tặng áo ấm, cho tiền, khi Đạt ốm Hội phụ huynh và nhà trường đến thăm, hay chi bộ, khối xóm, chính quyền nơi anh em Đạt ở hỏi han, hỗ trợ.

Nhìn con ngủ mê mệt, chị Hà nói thêm: Năm 2014, Danh được dì ruột ở Hương Khê chở đi chơi nhưng bị tai nạn, dì gãy chân phải đóng đinh, còn Đạt bị chấn thương sọ não còn để lại di chứng. Mỗi khi trái gió, trở trời Đạt kêu đau đầu, gần đây hễ ăn nhiều là nôn, sức khỏe giảm sút rất nhiều. Cô Nguyễn Thị Loan - chủ nhiệm lớp 7 của em cho rằng, với một học trò ngoan ngoãn, chịu khó và nhanh nhẹn như Đạt mà được mẹ chăm sóc, tạo điều kiện thì sức học của cháu sẽ tốt hơn rất nhiều. Còn Bí thư Chi bộ Yên Phong, xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) Nguyễn Thị Tùng cho biết: “Ai cũng thương hai đứa trẻ, đặc biệt là cháu Đạt phải lo cho em mặc dù bản thân cũng còn nhỏ. Nhà thì xập xệ, dột khắp nơi, lo sợ sẽ sập lúc nào không biết trong khi mẹ vắng nhà, chi bộ đã đề xuất xã và huyện hỗ trợ để chị Hà làm nhà, nhưng chị Hà không có tiền cũng không thể vay nên rất khó”.

Trong hành trình tới trường ngày mai, ngày kia vẫn còn bữa đói, bữa no, vẫn còn buồn ngủ đến mức gà gật trên xe đạp hay trên lưng nhau, hai cậu bé con nhà nghèo vẫn rất sợ phải nghỉ học, phải xa bạn bè và thầy cô giáo, nơi mà có giá rét, có đói khát nhưng vẫn rất ấm tình người.

Mới nhất
x
Hành trình đến trường của hai cậu bé nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO