Hành trình giải mã những 'bung xung' trong sản xuất, kinh doanh nước sạch của phóng viên Báo Nghệ An

(Baonghean.vn) - Đầu tháng 6/2019, khi người dân TP. Vinh và các vùng phụ cận có những hoài nghi, lo lắng về chất lượng nước sạch sinh hoạt, chúng tôi nhận được chỉ đạo phải khẩn trương xác minh, làm rõ.

Người trực tiếp giao nhiệm vụ cho chúng tôi là Tổng biên tập Phạm Thị Hồng Toan. Chị cho biết, người dân ở TP. Vinh và các vùng phụ cận hiện đang hoài nghi, lo lắng về chất lượng nước sạch sinh hoạt. Và chỉ đạo: “Ban Biên tập giao nhiệm vụ cho các bạn kiểm tra xác minh thông tin để có báo cáo, và xây dựng tuyến bài về vấn đề này. Đây là một vấn đề “nóng”, phải hết sức khẩn trương. Cố gắng bám sát Đề án “Đảm bảo cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020”, ghi nhận những kết quả thu hút đầu tư của tỉnh và công sức của các nhà đầu tư, nhưng phải thật công tâm, khách quan để làm rõ những tồn tại, hạn chế và lý giải được nguyên nhân...”.

Bìa các tác phẩm chuyên đề “Loại bỏ tính “cục bộ” trong sản xuất, kinh doanh nước sạch”. Ảnh: PV
Bìa các tác phẩm chuyên đề “Loại bỏ tính “cục bộ” trong sản xuất, kinh doanh nước sạch”. Ảnh: PV

Từ chỉ đạo này, chúng tôi đã tiếp cận người dân để biết rõ hơn điều họ băn khoăn. Đó là người dân đang phải sử dụng nước sinh hoạt với chi phí cao, tính theo phương pháp lũy tiến từ 8.500 - 15.000 đồng/m3, nhưng Nhà máy nước Hưng Vĩnh (thuộc Công ty CP cấp nước Nghệ An) có dấu hiệu sử dụng nguồn nước Sông Đào không đảm bảo chất lượng để sản xuất nước sạch trái với quy định của UBND tỉnh là phải sử dụng nguồn nước thô lấy trực tiếp từ Sông Lam. Bên cạnh đó, Công ty CP Cấp nước Nghệ An đang áp đặt người sử dụng nước phải thực hiện lại các thủ tục đăng ký hết sức nhiêu khê, phiền hà…

Ông... Giám đốc Cty TNHH MTV Cấp nước sông Lam cho rằng việc Công ty CP cấp nước Nghệ An cắt giảm lượng mua nước đã gây khó khăn cho đơn vị.JPGBỏ file này
Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam cho rằng việc Công ty CP Cấp nước Nghệ An cắt giảm lượng mua nước đã gây khó khăn cho đơn vị. Ảnh: Đào Tuấn

Ngược dòng thời gian, vào khoảng năm 2014 - 2015, chúng tôi từng thực tế địa phương cơ sở để viết về vấn đề này. Thời điểm đó, người dân TP. Vinh và các vùng phụ cận từng rất bức xúc bởi tình trạng Sông Đào (nơi Công ty CP Cấp nước Nghệ An đặt các trạm bơm cầu Bạch, cầu Mượu hút nước thô về các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt) bị ô nhiễm nghiêm trọng. Lý do bởi suốt tuyến Sông Đào, từ Ba-ra Nam Đàn xuống đến các trạm bơm, chạy qua rất nhiều khu dân cư, trang trại chăn nuôi, vùng sản xuất rau màu, ruộng lúa… Trong khi người dân ở các khu vực này còn thiếu ý thức,“hồn nhiên” có các hoạt động  xả thải, gây ô nhiễm như vệ sinh cá nhân, giặt giũ, xả rác thải sinh hoạt, rác thải chăn nuôi, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… xuống Sông Đào. Sau khi báo chí lên tiếng cảnh báo, cơ quan chức năng và các cấp chính quyền đã vào cuộc để bảo vệ, chống gây ô nhiễm nguồn nước Sông Đào. Đồng thời, tỉnh đã kêu gọi nhà đầu tư xây dựng trạm bơm, hệ thống đường ống dẫn nguồn nước thô trực tiếp từ Sông Lam cung ứng Công ty CP Cấp nước Nghệ An sản xuất...

Chính vì vậy, điều đầu tiên tôi và đồng nghiệp (Nhà báo Đào Tuấn) xác định là có hay không việc lấy nước Sông Đào để sản xuất nước sạch sinh hoạt như người dân phản ánh? Hai đêm liên tục, đúng 23h chúng tôi ngược lên Nam Đàn “trực” tại các Trạm bơm cầu Bạch và cầu Mượu, để đi đến kết luận phản ánh của người dân là chính xác; các hoạt động bơm nước thô được tổ chức về đêm khuya, kéo dài đến rạng sáng hôm sau…

Từ đây, chúng tôi đi tìm lời giải cho câu hỏi: Tại sao Công ty CP Cấp nước Nghệ An dám làm trái với yêu cầu của UBND tỉnh, sản xuất nước sạch từ nguồn nước thô Sông Đào có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân? Và câu trả lời đã được vén mở: Do mâu thuẫn lợi ích giữa doanh nghiệp cung ứng nước thô - là Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam và doanh nghiệp sản xuất nước sạch sinh hoạt - Công ty CP Cấp nước Nghệ An.

Phóng viên Nhật Lân trao đổi với cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An.
Phóng viên Nhật Lân trao đổi với cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An. Ảnh: Đào Tuấn

Về phía Công ty CP Cấp nước Nghệ An, để bảo vệ lợi ích của mình thì tìm cách chứng minh tổng mức đầu tư xây dựng trạm bơm và hệ thống đường ống của Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam không đến con số như doanh nghiệp này công bố (là 496 tỷ đồng); qua đó khẳng định giá thành một m3 nước thô chỉ ở mức 925 đồng (đã tính cả khấu hao, tiền lãi ngân hàng). Trong khi Công ty CP Cấp nước Nghệ An đang phải mua với giá 1.950 đồng/m3…  Người điều hành Công ty CP Cấp nước Nghệ An thậm chí đã huỵch toẹt: “Trước đây công ty là 100% vốn nhà nước, nhưng khi đã cổ phần rồi thì các cổ đông không đồng tình...”. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam chính là nhà đầu tư được tỉnh thu hút, kêu gọi xây dựng trạm bơm, hệ thống đường ống dẫn nguồn nước thô trực tiếp từ Sông Lam để cung ứng Công ty CP Cấp nước Nghệ An sản xuất. Chính vì vậy khi Công ty CP Cấp nước Nghệ An ngừng lấy nước thô (từ 22h hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau, lượng nước tiêu thụ trung bình giảm từ 86.000m3/ngày đêm còn khoảng 58.000m3/ngày đêm), bị ảnh hưởng đến tài chính thì đã “tố” Công ty CP Cấp nước Nghệ An thực hiện hành vi lấy nước Sông Đào…

Cùng với việc xác minh Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam và Công ty CP Cấp nước Nghệ An đang có mâu thuẫn gay gắt về lợi ích, chúng tôi đã tìm cách chứng minh về chất lượng nguồn nước Sông Đào là không đảm bảo chất lượng; công tác quản lý nhà nước trong giám định mẫu nước thô, nước sinh hoạt còn chưa đảm bảo; việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam và Công ty CP Cấp nước Nghệ An còn chưa nghiêm… Để từ đó xây dựng chuyên đề “Loại bỏ tính “cục bộ” trong sản xuất, kinh doanh nước sạch!”. Chuyên đề gồm 3 bài, đi đúng mạch Ban Biên tập đã đề ra, ngoài làm rõ được các vấn đề thì truyền tải được thông điệp đến 2 doanh nghiệp là: cần thượng tôn pháp luật, hài hòa lợi ích chung của nhân dân - nhà nước - doanh nghiệp, và phải quan tâm đặt lên hàng đầu việc đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Chuyên đề “Loại bỏ tính “cục bộ” trong sản xuất, kinh doanh nước sạch” sau đó được Báo Nghệ An sử dụng trên cả hai ấn phẩm báo in, báo điện tử. Dù ra đời trong bối cảnh đã có nhiều báo quan tâm tìm hiểu, chuyển tải thông tin, nhưng đây là tuyến bài làm rõ được bản chất của những “bung xung”. Như một số cán bộ được cấp thẩm quyền chỉ đạo tham gia giải quyết vụ việc sau khi đọc toàn bộ tuyến bài đã đánh giá: Sòng phẳng, khách quan, không bị chi phối bởi doanh nghiệp. Báo Đảng phải thế!

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.