Hành trình kiếm tìm hạnh phúc bằng ý chí đôi chân

(Baonghean) - Chiến tranh đã cướp mất đôi chân - điểm tựa của mỗi con người,  trong sự tận cùng của đau khổ và thất vọng, người đàn ông ấy đã quyết tâm gượng dậy bằng nghị lực và niềm tin để bắt đầu hành trình kiếm tìm hạnh phúc...
hững ngày nắng nóng, đại lý bia của ông Đinh Văn Cảnh ở khối 3, Thị trấn Diễn Châu (huyện Diễn Châu) luôn tấp nập xe tải, xe máy vào ra. Nếu để ý kỹ, người đi đường sẽ thấy ông chủ đại lý bia này rất đặc biệt: đôi chân đã bị cưa quá đầu gối, phải di chuyển bằng đôi chân gỗ hoặc chống hai tay. Vậy mà, công việc vẫn được điều hành một cách suôn sẻ. 
Nỗi đau chiến tranh
Đinh Văn Cảnh (1958) sinh ra và lớn lên ở đất Nho Lâm, xã Diễn Thọ (Diễn Châu) - một làng rèn nổi tiếng từ lâu đời. Tròn 20 tuổi, người thanh niên làng rèn gia nhập lực lượng Công an vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng), đơn vị đóng quân tận vùng biên giới Tây Nam. Cứ ngỡ, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, Nam - Bắc đã sum họp một nhà, đất nước đã sạch bóng quân xâm lược, nào ngờ nơi cuối trời Tổ quốc súng vẫn nổ. Phía bên kia biên giới, bọn Pôn Pốt không từ bỏ mưu tính xâm lược, luôn lăm le và tìm cách tràn sang biên giới nước ta. Rồi chúng ồ ạt tấn công trên toàn tuyến biên giới, xâm nhập vào lãnh thổ và giết hại những người dân vô tội một cách dã man. Một lần nữa, quân và dân ta buộc phải cầm súng chống lại những kẻ bạo tàn, những cuộc chiến đấu ác liệt lại diễn ra trên vùng đất từng hứng chịu không ít đau thương, tang tóc. Với ý chí, bản lĩnh và chính nghĩa mình đang nắm giữ, quân dân ta đã đẩy lùi các đợt tiến công của kẻ địch, đẩy chúng lùi về phía bên kia biên giới. 
Ông Đinh Văn Cảnh chế tạo hộp số cho xe 3 bánh.
Ông Đinh Văn Cảnh chế tạo hộp số cho xe 3 bánh.
Trên đất Campuchia, bọn Pôn Pốt nổi dậy tàn sát dân lành, gây ra cảnh chết chóc thê thảm, là nỗi khiếp sợ của những người dân vô tội. Đang đóng quân ở khu vực biên giới, đơn vị của Đinh Văn Cảnh nhận được lệnh hành quân sang Campuchia giúp nước bạn tiêu diệt Pôn Pốt, bảo vệ người dân. Từ đó, người lính đất Nho Lâm cùng đồng đội gắn với những cuộc hành quân và truy kích kẻ thù. Một lần, vào giữa năm 1982, đang cùng đơn vị tham gia truy quét tàn quân Pôn Pốt trong một cánh rừng sâu, Đinh Văn Cảnh đã vấp phải mìn của địch cài trên đường. Một tiếng nổ chát chúa vang lên, cảm nhận thân mình bị nhấc bổng rồi ném ra xa, cuối cùng người lính mê man bất tỉnh. Đinh Văn Cảnh được đồng đội chuyển về tuyến sau cứu chữa. 
Tỉnh dậy, người lính thấy toàn thân đau buốt, đầu óc quay cuồng. Theo phản xạ của người sau khi bị thương, Đinh Văn Cảnh gượng lên nhìn khắp cơ thể và xỉu đi khi biết mình đã bị mất cả đôi chân. Trong cơn mê, ông thấy có con quái vật khổng lồ ngoạm lấy hai chân mình, buộc mình phải sống trong cảnh tàn phế. Hồi tỉnh, nhận ra được mọi điều, càng thêm đau khổ và tuyệt vọng. Vì lẽ, tạo hóa ban cho con người đôi chân là để đứng lên, vận động và di chuyển, có thể xem đôi chân là điểm tựa của cơ thể con người, giúp chúng ta đứng vững và góp phần làm tất cả mọi việc. Vậy mà chỉ trong thoáng chốc, người lính trẻ mới bước vào tuổi 24, tràn đầy sức sống, ước vọng và hoài bão lại vĩnh viễn mất đi “điểm tựa”, hỏi ai không tuyệt vọng, đớn đau? Những ngày nằm điều trị tại Trạm quân y dã chiến trên nước bạn là quãng thời gian đau khổ nhất của Đinh Văn Cảnh. Đau đớn về mặt thể xác đã đành, nhưng đau đớn là nỗi dày vò về mặt tinh thần khi nghĩ đến tương lai phía trước. 
Vết thương dần ổn định, Đinh Văn Cảnh được lắp đôi chân bằng gỗ. Khỏi phải kể đến những đau đớn, thậm chí là vật vã khi mới làm quen với đôi chân giả, vì xương thịt con người và khúc gỗ vốn không có sự ăn nhập và mối liên hệ với nhau. Nếu chỉ mất một chân, sự việc đã hoàn toàn khác, vì dù sao vẫn còn một chân làm điểm tựa, hỗ trợ cho chân kia. Đằng này, ông Cảnh mất cả hai chân, việc thích nghi với đôi chân giả và luyện tập vận động, di chuyển thực sự không dễ dàng. Hai tay vịn chặt vào tường, hai chân nhích từng bước một, đau đớn lan vào tận xương tủy, buốt đến tim óc.
Chuyển qua mấy trại điều dưỡng, cuối cùng Đinh Văn Cảnh được về an dưỡng tại Khu Điều dưỡng thương binh 4 ở xã Nghi Phong (Nghi Lộc). Sống gần những người bạn cùng cảnh ngộ, cùng một nỗi đau và bất hạnh, người con làng Nho Lâm nhận được sự động viên, an ủi về mặt tinh thần. Cuộc sống bớt đi nỗi cô đơn, nỗi hiu quạnh cũng được xua tan dần theo thời gian, năm tháng. Bạn bè, đồng đội và các cán bộ điều dưỡng đã tiếp thêm nghị lực và niềm tin để người thương binh ấy gượng thêm một bước. Bấy giờ, Đinh Văn Cảnh đã quen với việc di chuyển bằng đôi chân gỗ, không còn cảm giác đau đớn, buốt nhức khi lắp vào hay tháo ra. Nhưng dù sao, tốc độ di chuyển bằng đôi chân gỗ thường rất chậm, lại không thuận lợi nên ông Cảnh quyết định tập đi xe đạp để việc đi lại được nhanh hơn. Việc này còn gian nan và nguy hiểm hơn cả việc tập đi chân gỗ. Sau hàng tháng tập luyện, với đôi chân gỗ, ông Cảnh đã có thể đạp xe hàng cây số để dạo chơi ngắm cảnh và thăm nom bạn bè. Mọi người xung quanh đều thán phục.
Hành trình kiếm tìm hạnh phúc
Từ Khu Điều dưỡng trở về nhà sống cùng bố mẹ, người thương binh ấy không nguôi trăn trở, vì lẽ cuộc sống gia đình, quê hương còn nghèo đói, khó khăn. Không thể ngồi nhìn ngày tháng trôi qua một cách hoài phí, phải nghĩ cách để kiếm sống, đỡ đần bố mẹ già, để bản thân mình thực sự có ích, tàn nhưng không phế. Đó chính là tâm nguyện của Đinh Văn Cảnh. Ra đi từ làng rèn Nho Lâm, nay trở về, hơn ai hết, ông Cảnh hiểu rõ cái nghề có từ nghìn xưa, luôn cần đến sức mạnh, ý chí và đôi bàn tay khéo léo để làm nên những vật dụng như ý. Ý tưởng đầu tiên của ông là chế tác chiếc xe gắn máy 3 bánh để đi lại được thuận tiện hơn, từ đó mới nghĩ đến những công việc tiếp theo. Để thực hiện ý tưởng này, ông đã bỏ công ra tận Hà Nội, Hải Phòng, rồi vào tận Đà Nẵng để mua gom các loại phụ tùng xe máy hỏng. Có đủ phụ tùng, ông ngồi hàng tháng trời để nghiên cứu, tìm hiểu nguyên tắc hoạt động, rồi thiết kế, lắp ráp chiếc xe 3 bánh chạy bằng động cơ. Ngoài sự tưởng tượng của chính bản thân, chiếc xe được lắp ráp thành công và hoạt động tốt, có thể chạy được hàng chục km, lại có số lùi, thuận tiện cho người khuyết tật, việc đi lại giờ không còn là vấn đề. Thời điểm năm 1990, việc chế tạo thành công chiếc xe 3 bánh chạy bằng động cơ là sự kiện lớn ở đất Phủ Diễn, ai cũng khen ngợi tài năng và nghị lực của người thương binh bị mất đôi chân. 
 
Thấy ông Cảnh chế tạo ra chiếc xe 3 bánh tiện lợi, những người thương binh và khuyết tật khắp nơi tìm đến nhờ làm giúp. Ông nhiệt tình hướng dẫn họ tìm kiếm phụ tùng, rồi bỏ công sức ngồi lắp ráp. Người thương binh ấy chia sẻ: “Mình gặp phải bất hạnh nên hiểu được ước mong của những người cùng cảnh ngộ, giúp họ là chính chứ không quan trọng vấn đề lợi nhuận”. Đến nay, ông Đinh Văn Cảnh đã chế tạo được trên 300 chiếc xe 3 bánh cho người khuyết tật, nghĩa là giúp ngần ấy người đi lại được dễ dàng. Có những người tận Bắc Giang, Hà Nội, Huế, Khánh Hòa cũng tìm về Diễn Châu đặt hàng. Khi đến nhận xe, ai cũng vui vẻ và không quên cảm ơn người thương binh tài hoa, nghị lực.
Có phương tiện đi lại dễ dàng, ông Cảnh thấy việc buôn bán thích hợp với điều kiện sức khỏe của mình. Ông đi khắp các xã trong vùng để mua bán, trao đổi hàng. Bất kể là hàng gì, miễn là có lãi và không phạm pháp ông đều mua bán. Bản tính thật thà, chăm chỉ, người thương binh làng Nho Lâm được nhiều người quý mến và giúp đỡ. Việc đi khắp nơi mua bán hàng không chỉ đem lại nguồn thu để đỡ đần bố mẹ và các em, nó còn giúp ông Cảnh khuây khỏa, vui vẻ hơn vì được giao tiếp với nhiều người. Nỗi buồn, cô đơn cũng vơi đi, bao nỗi niềm được chia sẻ. Trong số hàng trăm, hàng nghìn người tiếp xúc hàng ngày, có một người khiến trái tim ông rung lên những nhịp đập khác thường, rồi đêm đêm thổn thức, nhớ mong và hy vọng. Người đã khiến trái tim dạn dày và khao khát yêu thương của ông Cảnh phải “loạn nhịp” là Phạm Thị Lai- cô gái quê Diễn Phúc. Tình cờ gặp nhau trong một lần mua bán hàng, hai người dường như có một sự đồng cảm, quý mến và luôn nhớ về nhau. 
Hoàn cảnh của Phạm Thị Lai cũng khá đặc biệt, mẹ mất sớm, sống với bố, nhà đông chị em nên cuộc sống khó khăn. Khi biết con gái mình yêu thương người lính trở về từ chiến trường, cơ thể không còn nguyên vẹn, người bố không những không phản đối mà còn ra sức ủng hộ. Chuyện tình cảm không gặp bất cứ rào cản nào, hai người quyết định làm đám cưới và cùng xây đắp mái ấm gia đình. Đám cưới đơn sơ nhưng khách đến rất đông, bạn bè và bà con lối xóm ai cũng đến chúc phúc và cầu mong họ luôn hạnh phúc, mãi thương yêu nhau để vượt qua những năm tháng nhọc nhằn. Sau 22 năm chung tay xây dựng mái ấm, gia đình ông Cảnh giờ đã có thêm 4 thành viên - 4 đứa con (3 gái, 1 trai) đều ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành. Con gái đầu đang là sinh viên Đại học Y khoa Vinh, không lâu nữa sẽ trở thành bác sỹ như ước nguyện của người bố. Một ngôi nhà khang trang, nguồn thu nhập ổn định, người vợ chịu thương, chịu khó và những đứa con ngoan. Có được những điều ấy, ông Đinh Văn Cảnh là người thực sự hạnh phúc.
Người đàn ông hạnh phúc ấy chia sẻ: “Nếu không có gia đình, vợ con, bạn bè, đồng đội và sự quan tâm của chính quyền địa phương, có lẽ tôi không được như bây giờ. Họ chính là “đôi chân”, là “điểm tựa” giúp tôi gượng lên và đứng vững”. Còn chúng tôi thì nghĩ, góp phần làm nên “đôi chân” của ông, chính là ý chí kiên cường, là lòng tha thiết yêu cuộc sống của một người lính Cụ Hồ.
Công Kiên

tin mới

Thăm hỏi, động viên người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động trên công trường Dự án đường dây 500Kv mạch 3

(Baonghean.vn) - Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3, nỗ lực để công trình được đóng điện trước ngày 30/6/2024.

Cửa Lò

Trong 3 ngày tổ chức lễ hội, Cửa Lò đón trên 65.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng

(Baonghean.vn) - Sau ngày khai hội, khách du lịch gần, xa liên tục đổ về biển Cửa Lò để tham quan, nghỉ dưỡng, hứa hẹn năm 2024, Cửa Lò đạt mục tiêu đón 4,15 triệu lượt khách; khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. 

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Từ năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ–HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay, một số CLB trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này.

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

(Baonghean.vn) - Cùng với việc tạo ra hàng trăm nghìn cơ hội kinh doanh và trị giá doanh số giao dịch, kinh doanh lên tới hàng nghìn tỷ đồng, BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội trên địa bàn.

Ca sỹ Đinh Hiền Anh ra mắt bộ đôi album Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ

Ca sỹ Đinh Hiền Anh ra mắt bộ đôi album Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ

(Baonghean.vn) - Chiều 20/4, tại TP Vinh, ca sỹ Đinh Hiền Anh tổ chức buổi họp báo ra mắt 2 CD phòng thu Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ. Bộ đôi CD ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước sau chiến tranh, hướng tới kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4).

[Infographics] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam

[Infographics] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam

(Baonghean.vn) - Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cánh đồng Mường Thanh, quân và dân ta đã lập nên một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc - Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Khai mạc triển lãm 'Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất'

Khai mạc triển lãm 'Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất'

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (939 - 2024), sáng 19/4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã khai mạc triển lãm, chuyên đề “Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất”.