Hành trình kỳ diệu của Phương

Nguyễn Thị Phương ở xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là nhân vật quen thuộc với báo chí, nhiều bài báo đã viết về nghị lực sống phi thường của cô, và chính bản thân cô cũng xuất bản 2 tự truyện, 2 tập thơ viết về cuộc đời mình. Hiện tại, Phương đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh. Qua nhiều lần lâm bệnh hiểm nghèo, người phụ nữ 39 tuổi ấy còn lại chưa đầy 27 kg, mảnh dẻ như một chiếc lá, nằm bất động trên chiếc giường bề ngang chỉ khoảng 1m, mà ngỡ như còn thênh thang lắm…

Phương bảo, cuộc đời của Phương, nếu nói gọn trong vài lời, thì chỉ quẩn quanh cuộc chiến với bệnh tật. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, mùa hè năm 1995, khi vừa học xong lớp 9, Nguyễn Thị Phương phát hiện bị bệnh u máu tuỷ sống – một căn bệnh hiếm gặp ở Việt Nam. Bố mẹ cô đã phải bán hết tất thảy những gì có thể bán, khánh kiệt trên hành trình vào Nam, ra Bắc chữa trị cho con. Thời gian đó, Phương hồi phục dần, và những tưởng mình đã có thể có được cuộc sống bình thường như bao người khác. Nhưng không!

Năm 20 tuổi, Phương xin phép cha mẹ vào Nam làm công nhân ở khu công nghiệp, mong đỡ đần gánh nặng kinh tế cho gia đình. Giữa cuộc sống mới đầy ắp niềm tin vào tương lai, chẳng ai ngờ rằng, 1 năm sau, căn bệnh quái ác lại quay trở lại. May mắn cho Phương khi có được sự kết nối với một giáo sư người Pháp, tiếp nhận điều trị bằng phương pháp mới nhưng trước khi ký vào cam kết phẫu thuật, ông đã nói rõ với cô là chỉ có 1% thành công. Không chần chừ, Nguyễn Thị Phương tự tay ký vào tờ giấy mỏng manh, bám víu cả cuộc đời đầy khát vọng của mình vào 1% hy vọng ấy. Phẫu thuật thành công, cơ thể cô dần hồi phục, nhưng đau đớn thay, sự hồi phục ấy chỉ kéo dài được 15 tháng.

“Tại sao ông trời lại thích đùa giỡn tôi như vậy? Tại sao cứ nhen nhóm trong tôi bao hy vọng, để rồi giờ đây những niềm hy vọng đó đã bị sụp đổ như một lâu đài trên cát?” – Phương đau đớn thốt lên, trong cuốn tự truyện của mình. Nỗi tuyệt vọng từ thẳm sâu dâng lên, nhưng cô gái đầy nghị lực ấy đã nghiến răng bước tiếp. Giữa bệnh tật dày vò, Phương vẫn lết từng bước chân để đi làm kiếm tiền chữa bệnh, không dám nói với bố mẹ một lời “bởi cả đời bố mẹ đã quá khổ vì con”! Suốt 3 tháng trời, ở một phương trời xa lạ cách quê nhà thân thuộc gần 1.500 km, Nguyễn Thị Phương lặng ngồi trong xưởng sản xuất giày da, mỗi mũi khâu đâm xuống như dồn hết tất thảy sức lực ít ỏi, cột sống tê liệt trong dày vò đau đớn.

Phương nói, đã bao lần cô ăn cơm chan nước mắt; đã bao lần cô muốn buông xuôi tất cả, nhưng có một điều gì đó mãnh liệt hơn cả nỗi đớn đau, mãnh liệt hơn cả nỗi tuyệt vọng, ấy là khát khao được sống, phải sống! Nguyễn Thị Phương chịu đựng qua 2 cuộc đại phẫu thuật nữa, cũng do những chuyên gia đầu ngành ở Pháp trực tiếp điều trị, nhưng đều không thành công như mong muốn. Trái lại, cơ thể nhỏ bé, gầy guộc qua bao lần lên bàn mổ ngày thêm kiệt quệ. Phương chấp nhận một sự thật: đôi chân cô sẽ vĩnh viễn không đi lại được nữa! Nhưng cô nói: “Dù chỉ còn 1% hy vọng, tôi vẫn sẽ sống vui”!

Cội nguồn cho khát vọng sống vui của Nguyễn Thị Phương, ngoài nghị lực của bản thân thì còn đến từ tình yêu thương của gia đình và của một người đặc biệt – anh Trương Văn Chín. Chín quê ở Tiền Giang, quen và yêu Phương khi cả 2 làm việc trong khu công nghiệp ở miền Nam. Đầu năm 2003, khi đã hoàn toàn hết hy vọng về việc chữa trị cho đôi chân mình, Phương chủ động cắt liên lạc với Chín, để lại một lá thư chia tay và âm thầm trở về quê. Cô gái ấy nén mọi nỗi đau về phía mình, những mong người mình yêu sớm quên cô đi, tìm một người con gái khác để có tương lai hạnh phúc hơn.

Không ai ngờ được rằng, 4 tháng sau, từ một dòng địa chỉ mơ hồ trong trí nhớ, Trương Văn Chín tìm về tận quê nhà của Phương. Mặc bao cản ngăn của gia đình, bạn bè; mặc cho Phương trái lòng mình mà nói nhiều điều tàn nhẫn để anh nản chí mà đi, Chín vẫn kiên quyết ở lại. Lần ở lại này bền bỉ suốt 18 năm nay.

Năm 2007, Chín thuyết phục được Phương làm đám cưới. Một tay Chín chăm lo cho Phương từ miếng ăn, giấc ngủ đến những nhu cầu cá nhân thường nhật. Nhìn cảnh Chín gội đầu, chải tóc cho vợ, nắm lấy tay vợ mà xoa bóp giãn cơ, rồi kề tai thủ thỉ kể chuyện anh mới trồng thêm một bụi mơ lông, dăm gốc ngải cứu để làm thuốc chườm lưng cho Phương… mà không kìm được nước mắt. Hạnh phúc quá đỗi tổ ấm giản dị ấy, vỏn vẹn chưa đầy 30m2 mà ôm chứa bao yêu thương diệu kỳ!

Nhiều người ví von rằng tình yêu của Chín – Phương đẹp như cổ tích. Cổ tích có hậu khi 1 năm sau kết hôn, đôi vợ chồng đã sinh hạ được cậu con trai kháu khỉnh. Trương Bảo Phúc – cái tên gửi gắm bao ước vọng, năm nay đã học lớp 6. Từ nhỏ, Phúc đã được bố dạy rằng phải trở thành người đàn ông chững chạc, để chăm lo và bảo vệ cho mẹ.

Cũng như bố Chín, Bảo Phúc rất chu đáo và tình cảm. Thi thoảng, giữa những cuộc chơi với bạn bè, Phúc chững lại, rồi chạy ào về nhà, nắm lấy tay mẹ và ríu rít kể bao chuyện hay ho. Mẹ ơi, ngoài kia cây xương rồng đã nở hoa rồi đấy! Mẹ ơi, trời hôm nay vừa mưa xong, có cầu vồng rất đẹp… Phương bảo, cô “ngắm nhìn” thế giới qua lăng kính của chồng, của con – một thế giới đầy yêu thương, bao dung, đẹp đến vô ngần! Cô chẳng còn buồn nhiều với đôi chân bất lực nữa, thay vào đó, cô tận hưởng cuộc sống từng giây, từng phút…

Trong suốt cuộc trò chuyện với Phương, cô luôn nhắc đi, nhắc lại rằng cô là một người phụ nữ hạnh phúc. Những đau đớn về thể xác, cô sớm học cách quên đi, để dành thời gian cho bao việc xứng đáng hơn. Như yêu gia đình, chồng con nhiều hơn nữa, mỗi ngày; như nỗ lực nâng đôi bàn tay lên để viết một điều gì đó…

Vì điều kiện sức khoẻ, Phương phải nghỉ học từ năm lớp 9, nhưng cô lại có một sức viết rất tốt. Bao năm gắn chặt với giường bệnh, Phương có rất nhiều điều muốn giãi bày. Ban đầu, cô chỉ nhắm mắt lại và sắp xếp chúng trong ý nghĩ; về sau, được một nhà hảo tâm tặng chiếc máy tính xách tay, Phương tập làm quen với cách gõ chữ trên máy. Như được khơi nguồn, quá trình viết lách với Phương không quá khó khăn, hay là bởi như cô vẫn hay nói đùa rằng “chính cuộc đời em đã là tư liệu sống động viết thành tiểu thuyết dài kỳ được rồi!”.

Nhưng Phương không viết tiểu thuyết, cô chọn thể loại gần gũi hơn, chân thực hơn, đó là tự truyện và thơ. Đến nay, Nguyễn Thị Phương đã xuất bản được 2 tự truyện và 2 tập thơ. Đặc biệt, tập thơ gần đây nhất, chỉ vừa ráo mực in chưa đầy 1 tháng là “Khát khao cuộc sống”, được Nhà xuất bản Nghệ An cùng nhóm thiện nguyện Niềm tin hỗ trợ chi phí biên tập, xuất bản.

Tập thơ in 127 bài thơ, được cô sáng tác trong tình trạng triền miên vật vã với nỗi đau bạo bệnh. Thơ Phương cũng như con người Phương, rất mộc mạc và chân thành. Chất liệu làm nên những vần thơ là mảnh trời qua ô cửa sổ, nụ hoa đào rung rinh trước hiên nhà, chú sẻ nâu ríu rít trên cành phượng vĩ… Đọc thơ, dễ hình dung một người thơ đầy khao khát sống, vồ vập hít căng lồng ngực hương ấm nồng của nắng, mùi thơm ngát của hoa. Thảng hoặc, cũng xen lẫn đôi ba bài thơ chiêm nghiệm về kiếp nhân sinh, như một cách Phương soi chiếu cuộc đời mình; nhưng sự soi chiếu, chiêm nghiệm ấy chỉ như một nốt lặng cần thiết, để cô tiếp tục nồng nàn và trìu mến mà yêu tất thảy những gì cuộc sống ban tặng.

Mang cuốn thơ mới nhất ấy vào bệnh viện thăm Phương, người phụ nữ đầy nghị lực đã chẳng còn nói được gì nhiều. Sức khoẻ ngày càng yếu, chỉ có ánh mắt lấp loáng và nụ cười vẫn nở môi tươi như muốn gửi gắm một điều gì đó. Mọi người đều hiểu cả, Phương ơi! Cuộc sống với Phương là hành trình kỳ diệu, dẫu hành trình ấy đau đớn muôn chừng. Một cuộc sống chỉ với 1 cái nẹp đốt sống bằng inox, một cuộc sống bán thân bất toại, một cuộc sống chỉ quẩn quanh trên giường bệnh… nhưng hãy nhìn xem, vượt lên tất thảy, Phương đã tìm cho mình lẽ sống vui và đầy ý nghĩa, lan toả tinh thần, ý chí ấy đến với mọi người. Ai đó còn những hoang mang, hồ nghi và phí hoài những phút giây cuộc sống, hãy một lần đọc trang viết của Phương, để hiểu rằng mỗi người chỉ được sống một lần trong đời, nên trân trọng xiết bao…