Hạt giống rau nhập khẩu chiếm 80%

12/12/2011 16:10

Hiện mỗi năm VN đang phải bỏ ra hàng trăm triệu USD để nhập khẩu các loại hạt giống rau về trồng. Trong đó có những loại giống trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được như cà chua, dưa leo, khổ qua (mướp đắng)...

Theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, với thực trạng của ngành nghiên cứu hạt giống cũng như cách kinh doanh ngắn hạn của các công ty như hiện nay, VN vẫn còn phải phụ thuộc vào giống nhập khẩu dài dài.

Nhập cả hạt dưa leo, cà chua

Chuẩn bị trồng rau cho vụ tết, ông Nguyễn Tuấn Hưng (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết toàn bộ hạt rau đều mua lại từ một công ty nhập khẩu. Trong số này, ngoài một số loại hạt rau ôn đới như: súp lơ, su hào, cải thảo... còn có những loại rau củ thường ngày như cà chua, đậu bắp, dưa leo... Qua tìm hiểu, giá các loại hạt rau nhập khẩu này không hề rẻ. Cụ thể giá hạt dưa leo khoảng 50.000 đồng một gói 20g (2,5 triệu đồng/kg), các loại khác cũng dao động ở mức 1,8-2 triệu đồng/kg. Riêng hạt cà chua trồng trong nhà kính, theo ông Hưng, thường tính theo hạt, tùy từng loại giá mỗi hạt cà chua dao động 1.500-12.500 đồng.

Theo các nhà vườn tại Đà Lạt, dù hạt rau nhập khẩu đắt hơn khá nhiều so với hạt rau trong nước nhưng chất lượng đảm bảo hơn nên nhà vườn ưa dùng. Nguồn nhập khẩu về VN khá phong phú từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... đến các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Philippines. Trong đó lượng nhập khẩu từ Thái Lan chiếm khá lớn do đây là nơi sản xuất của các tập đoàn hạt giống hàng đầu thế giới.



Vườn thực nghiệm các loại giống rau tại Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao. - Ảnh: Trần Mạnh

Ông Nguyễn Quốc Lý, giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng và phân bón vùng Nam bộ, khẳng định lượng giống lai, giống xác nhận của một số loại rau chủ lực như cà chua, dưa chuột, dưa hấu, đậu Hà Lan... hiện phải nhập khẩu chiếm 80% lượng sử dụng trên toàn quốc. Theo ông Phan Huy Thông - giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đối với một số loại như rau dền, rau muống, cải... có thể giữ giống lại sau thu hoạch hiện VN đang chiếm chủ lực. Nhưng đối với các giống lai F1 (sau mỗi vụ phải mua hạt mới về trồng) như cà chua, dưa leo, các loại rau ôn đới như súp lơ, xà lách... thì VN phần lớn phải nhập khẩu. Nguyên nhân do giá thành sản xuất của VN rất cao, khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Hơn nữa, chất lượng hạt giống lai phụ thuộc rất lớn vào nguồn giống bố mẹ, trong khi nguồn này chủ yếu do các tập đoàn đa quốc gia sản xuất và nắm giữ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng một đất nước nông nghiệp như VN nhưng phụ thuộc đến 80% vào lượng hạt giống rau nhập khẩu là điều cần xem xét. Bởi ngoài một số loại hạt đặc trưng của vùng ôn đới VN không có thế mạnh sản xuất, những loại rau nhiệt đới có thể sản xuất tại VN nhưng vẫn phải nhập khẩu.

Còn nhập dài dài

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mỗi năm VN phải chi tới 200 triệu USD nhập khẩu các loại hạt giống phục vụ ngành trồng trọt trong nước. Theo GS Bùi Chí Bửu - giám đốc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (IAS), rất nhiều loại hạt giống rau củ có thể sản xuất trong nước như cà chua, dưa leo, đậu bắp, khổ qua... nhưng VN vẫn ồ ạt nhập khẩu dẫn đến tình trạng mỗi năm xuất khẩu rau củ đạt khoảng 400 triệu USD. “Hiện đa số doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung nhập khẩu về bán để hưởng chênh lệch giá thay vì đầu tư lâu dài. Cho nên VN vẫn phải lệ thuộc vào nhập khẩu trong một thời gian dài nữa. Khi nào các doanh nghiệp thay đổi được chiến lược kinh doanh thì ngành hạt giống mới có điều kiện phát triển” - GS Bửu nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phải chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu hạt giống phần lớn do cơ chế và chính sách của Nhà nước không tạo ra một hành lang thông thoáng và hấp dẫn để các nhà đầu tư tư nhân vào cuộc. Ngành chế biến hạt giống đòi hỏi công nghệ cao và chi phí ban đầu rất lớn, nghiên cứu hạt giống ở các nước đều do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư chứ không phải do nhà nước. Trong lĩnh vực này, các tập đoàn lớn như Syngenta, Bayer, CP, Monsanto... đã có kinh nghiệm hàng trăm năm với tiềm lực kinh tế và khoa học công nghệ hùng mạnh, trong khi phần lớn doanh nghiệp của VN ở quy mô quá nhỏ bé.

Mô hình tiên tiến của một doanh nghiệp hạt giống phải bao gồm cả ba loại hoạt động là nghiên cứu - sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, trong các doanh nghiệp giống cây trồng của nước ta hiện nay, đại bộ phận ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên không có khả năng tài chính chi cho hoạt động này. Theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước có trên 400 doanh nghiệp hạt giống nhưng ngành giống cây trồng VN còn nhỏ bé, vốn ít, lợi nhuận thấp, thị trường hẹp, công nghệ lạc hậu... Do vậy, các công ty chỉ tập trung nghiên cứu được một vài loại sản phẩm riêng lẻ trong khi các tập đoàn nước ngoài có một danh sách chủng loại hàng hóa đa dạng đáp ứng mọi nhu cầu của nông dân.


Theo Tuổi trẻ

Mới nhất
x
Hạt giống rau nhập khẩu chiếm 80%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO