Hậu bầu cử Đài Loan: Quan hệ 2 bờ Eo biển về đâu?

21/01/2016 10:30

(Baonghean) - Sự kiện bầu cử người đứng đầu chính quyền và Viện Lập pháp ở Đài Loan (Trung Quốc) những ngày qua thu hút sự quan tâm đáng kể của dư luận. Để hiểu rõ hơn những vấn đề xoay quanh, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an.

Bà Thái Anh Văn - đại diện đảng đối lập chính DPP đắc cử người đứng đầu chính  quyền Đài Loan (Trung Quốc) hôm 16/1. Ảnh: Internet.
Bà Thái Anh Văn - đại diện đảng đối lập chính DPP đắc cử người đứng đầu chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) hôm 16/1. Ảnh: Internet.

P.V: Thưa Thiếu tướng, ông có thể cung cấp cho độc giả một số thông tin về sự kiện bầu cử ở Đài Loan vừa qua, cũng như nữ lãnh đạo mới đắc cử là bà Thái Anh Văn?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ngày 16/1, Đài Loan công bố kết quả bầu cử người đứng đầu chính quyền. Bà Thái Anh Văn - đại diện đảng đối lập Dân Tiến (DPP) giành thắng lợi áp đảo với 56% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên đại diện cho Quốc dân Đảng (KMT) Chu Lập Luân chỉ giành được 31% số phiếu bầu. Ngay sau đó, ông Chu Lập Luân đã thừa nhận thất bại và tuyên bố KMT thua trong cuộc bầu cử này.

Cùng ngày, Đài Loan cũng tiến hành bầu cử Viện Lập pháp với 113 ghế. Đảng cầm quyền KMT chỉ chiếm 36 ghế, còn DPP vượt lên với 68 ghế, đánh dấu thất bại “kép” của KMT.

Đây là lần đầu tiên DPP giành được chiếc ghế nhà lãnh đạo Đài Loan và nắm quyền chi phối cơ quan lập pháp, đồng thời cũng là lần đầu tiên Đài Loan có một nhà lãnh đạo nữ.

Bà Thái Anh Văn sinh năm 1956 ở huyện Bình Đông, miền Nam Đài Loan. Là con út trong một gia đình đông anh em nhưng tương đối khá giả, bà Thái Anh Văn được đào tạo rất bài bản, từng có quá trình theo học ngành Luật ở Đài Loan, trước khi lấy bằng Thạc sỹ Luật ở Mỹ và Tiến sỹ kinh tế ở Anh.

Tốt nghiệp xong, bà quay về Đài Loan và giảng dạy tại một trường đại học. Những năm 1990, bà bắt đầu tham gia chính trường. Thái Anh Văn là người phụ nữ có tư duy sắc bén, phát hiện nhanh những vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị,… phức tạp. Điều này cũng dễ lý giải khi nhiều người cho biết hình mẫu mà bà Thái Anh Văn theo đuổi là nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

Hơn thế, bà luôn giữ được vẻ điềm tĩnh, quyết đoán, không dễ rơi vào thế bị kích động - đây là một ưu điểm nổi bật của nữ lãnh đạo này.

DPP giơ cao bức ảnh của bà Thái Anh Văn và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Đài Bắc hôm 15/1, dòng chữ có nội dung: “Thái Anh Văn - Angela Merkel của châu Á”. Ảnh: EPA.
DPP giơ cao bức ảnh của bà Thái Anh Văn và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Đài Bắc hôm 15/1, dòng chữ có nội dung: “Thái Anh Văn - Angela Merkel của châu Á”. Ảnh: EPA.

Bà từng được đề đạt đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Đài Loan: Thành viên phái đoàn đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cố vấn Hội đồng an ninh của chính quyền Đài Loan, Chủ tịch Hội đồng các vấn đề Đại lục (cơ quan quản lý các vấn đề trong quan hệ Đài Loan - Trung Quốc).

Năm 2004, bà gia nhập DPP và trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của đảng này chỉ 4 năm sau đó. Năm 2012, bà từng tham gia tranh cử nhà lãnh đạo lãnh thổ Đài Loan song thất bại. Dù vậy, đó là bài học giúp bà nhận rõ ưu, khuyết điểm của bản thân và những thiếu sót của DPP.

Bà Thái Anh Văn được xem là người “vực dậy” DPP từ đống đổ nát sau những tai tiếng không nhỏ của đảng này trong giai đoạn 2000 - 2008.

Theo tôi, chính tư cách, năng lực và phẩm chất của bà cũng góp một phần nhỏ làm nên chiến thắng trong đợt bầu cử hôm 16/1 vừa qua của DPP.

P.V: Vậy đâu là nguyên nhân chủ yếu giúp đảng Dân Tiến lại giành thắng lợi trước Quốc dân Đảng trong các cuộc bầu cử vừa rồi, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về vấn đề này, hiện dư luận quốc tế đang chia ra nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tôi cho rằng có 2 nguyên nhân cơ bản.

Thứ nhất, về kinh tế, sau 8 năm cầm quyền của KMT, Đài Loan nhìn chung không có bước phát triển nào để lại ấn tượng trong lòng xã hội. Nhất là từ giữa năm 2015, nền kinh tế của vùng lãnh thổ này đã bắt đầu bước vào suy thoái.

Các đơn hàng xuất khẩu - trụ cột của nền kinh tế - giảm sút nghiêm trọng trong năm qua. Đa số người lao động phàn nàn về mức lương thấp (chỉ khoảng 600 USD/tháng), không đủ tài chính để sở hữu một căn hộ hay chăm sóc con cái, cha mẹ già.

Cũng trong 8 năm qua, KMT đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc về kinh tế, ký với nhau 22 thỏa thuận hợp tác. Nhưng xung quanh việc này, ngay trong xã hội Đài Loan cũng có nhiều ý kiến khác nhau.

Đa số người dân cho rằng, việc thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc chỉ có lợi cho một nhóm nhỏ bao gồm các công ty lớn gắn liền với nhóm lợi ích trong chính quyền KMT, đại bộ phận dân chúng chưa được hưởng lợi gì. Do đó, có thể nói người dân Đài Loan, nhất là lớp trẻ bất bình với chính sách kinh tế của KMT. Họ kỳ vọng vào sự thay đổi khi bỏ phiếu cho DPP.

Thứ hai, về chính trị, rõ ràng KMT ngày càng gắn chặt với Trung Quốc, khiến nhiều người Đài Loan không đồng tình. Họ lo ngại điều này sẽ thu hẹp những quyền công dân cơ bản.

Chủ tịch KMT Chu Lập Luân (trái) trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 5/2015 tại Bắc Kinh. Ảnh: THX.
Chủ tịch KMT Chu Lập Luân (trái) trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 5/2015 tại Bắc Kinh. Ảnh: THX.

Thêm vào đó, phong trào “Chiếm trung tâm” năm 2014 cho thấy người Hong Kong không hài lòng khi quyền tự do, dân chủ của họ trong thời thuộc địa Anh bị cắt xén khi được trao trả về Trung Quốc cũng là “hồi chuông cảnh báo” thức tỉnh hơn 23 triệu người Đài Loan phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề hội nhập với Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị.

Ngoài 2 nguyên nhân chính trên khiến cử tri Đài Loan nghiêng về DPP nhiều hơn, thất bại của KMT còn do trong 2 nhiệm kỳ vừa rồi họ đã không nêu gương, bộ máy manh nha tham nhũng, hình thành các nhóm lợi ích. Bộ máy quyền lực của KMT với những biểu hiện tha hóa, biến chất, xa rời lợi ích người dân khiến đảng này tự chuốc lấy thất bại trong đợt bầu cử 16/1.

Theo quan điểm của Trung Quốc, họ nghi ngờ có bàn tay nước ngoài can thiệp vào kết quả cuộc bầu cử. Tôi cho rằng những vấn đề này cần được nghiên cứu cẩn thận.

Xét cho cùng, yếu tố quyết định vẫn nằm ở người Đài Loan. Nếu chính quyền KMT có chính sách đối nội, đối ngoại đúng đắn, hợp lòng dân, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội thì không ai có thể tác động đến kết quả bầu cử.

P.V: Sau ngày 16/1, dư luận có nhiều phán đoán khác nhau về quan hệ giữa 2 bờ Eo biển Đài Loan. Thiếu tướng có nhận định như thế nào về vấn đề này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: DPP giành thắng lợi không phải là tin tốt đối với Trung Quốc. Dù không nói ra nhưng tôi cho rằng Trung Quốc mong muốn KMT cầm trịch tại đảo Đài Loan, thay vì DPP có truyền thống đòi độc lập.

Muốn hay không, Bắc Kinh vẫn phải chấp nhận hiện thực. Sau khi có kết quả bầu cử, Văn phòng Công tác Đài Loan và Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc đã khẳng định không thay đổi phương châm chính sách lớn đối với Đài Loan sau bầu cử, tiếp tục kiên trì nhận thức chung năm 1992 và phản đối hoạt động thúc đẩy “Đài Loan độc lập”.

Thái độ của Trung Quốc bộc lộ rất rõ, họ khẳng định dù ai thắng cử ở Đài Loan đi chăng nữa cũng không thay đổi nhận thức rằng Đài Loan là bộ phận của Trung Quốc.

Còn về phía dư luận, cũng có nhiều luồng ý kiến. Đa số cho rằng bà Thái Anh Văn sẽ theo đường hướng “Đài Loan độc lập”, khiến quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng. Cũng có người nhận định DPP cũng không khác KMT được, tiếp tục thắt chặt mối quan hệ với Trung Quốc…

Ở đây, tôi cho rằng từ trước đến nay Đài Loan phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về kinh tế. Đây là điều DPP không thể phủ nhận. Trước mặt bà Thái Anh Văn thách thức số 1 vẫn là về kinh tế. Nếu không giải quyết được nâng cao đời sống và an sinh xã hội cho người dân thì chắc chắn DPP sẽ bị tẩy chay.

Và như vậy, DPP không thể từ bỏ hay cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, chỉ có thể duy trì, điều chỉnh. Tất nhiên, bà Thái Anh Văn còn nhiều quyết sách khác với KMT, như mở rộng quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU,…

Nhiều người cho rằng bà Thái Anh Văn sẽ mở rộng quan hệ của Đài Loan với các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ,... Ảnh: CNA.
Nhiều người cho rằng bà Thái Anh Văn sẽ mở rộng quan hệ của Đài Loan với các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ,... Ảnh: CNA.

Về chính trị, bà cũng đã nghiền ngẫm quan hệ với Trung Quốc từ năm 1949 đến nay. Đủ thông minh và sắc sảo, chắc chắn bà hiểu rõ không thể tuyên bố Đài Loan độc lập. Dĩ nhiên, bà Thái Anh Văn không chính thức thừa nhận nhận thức chung năm 1992 nhưng cũng không phản đối, mà giữ thái độ yên lặng.

Tôi cho rằng để ngỏ vấn đề là lựa chọn khôn ngoan nhất đối với nhà lãnh đạo nữ trong bối cảnh hiện nay. Mở rộng quan hệ với các đối tác khác trong khi vẫn duy trì quan hệ với Bắc Kinh, cán cân chính trị - kinh tế dưới thời bà Thái Anh Văn sẽ bắt đầu cân bằng hơn, đem lại hy vọng vực dậy nền kinh tế và duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc.

P.V: Sự kiện bầu cử ở Đài Loan liệu có ảnh hưởng gì đến tình hình Biển Đông hay không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về ngắn hạn, bầu cử Đài Loan 2016 sẽ không đem lại nhiều ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông. Nhưng về lâu dài, vấn đề Eo biển Đài Loan và Biển Đông có quan hệ với nhau.

Ở Tây Thái Bình Dương - Đông Á có 4 điểm nóng: vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên, tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc - Nhật Bản, quan hệ căng thẳng Trung Quốc - Đài Loan và tranh chấp của Trung Quốc với các nước ASEAN trên Biển Đông.

Sau lưng các điểm nóng này đều có bóng dáng Trung Quốc và Mỹ, do vậy những biến động ở Đài Loan chắc chắc có tác động đến các khu vực khác.

Quan hệ giữa 2 bờ Eo biển Đài Loan sẽ có tác động đến các điểm nóng Tây Thái Bình Dương-Đông Á. Ảnh: Internet.
Quan hệ giữa 2 bờ Eo biển Đài Loan sẽ có tác động đến các điểm nóng Tây Thái Bình Dương-Đông Á. Ảnh: Internet.

Vì thế, cần cẩn trọng đánh giá bởi 4 điểm nóng trên có quan hệ móc xích với nhau. Không loại trừ khả năng Mỹ - Trung bắt tay hợp tác, nhân nhượng nhau trong trung hạn. Trong nghiên cứu chiến lược, phải đặt vấn đề Biển Đông vào bối cảnh rộng hơn là quan hệ Mỹ - Trung trong giải quyết 4 điểm nóng ở Tây Thái Bình Dương - Đông Á.

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Thu Giang

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Hậu bầu cử Đài Loan: Quan hệ 2 bờ Eo biển về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO