Bao vây Gaza có thể làm leo thang xung đột Israel-Hezbollah như thế nào?

Hoàng Bách 12/10/2023 14:01

(Baonghean.vn) - Theo DW, các nhà quan sát cho rằng, dù đang xảy ra giao tranh hẹp ở gần Liban, cả Hezbollah và Israel đều không muốn leo thang cuộc xung đột này. Tuy nhiên, việc Israel phong tỏa Gaza sau các cuộc tấn công của Hamas có thể nhanh chóng khiến tình hình xoay chuyển.

Israel đã tăng hiện diện quân sự gần biên giới với Liban sau một số cuộc tấn công của Hezbollah. Ảnh AFP.jpeg
Israel đã tăng hiện diện quân sự gần biên giới với Liban sau một số cuộc tấn công của Hezbollah. Ảnh: AFP

Hezbollah và vị thế ở Liban

Các tuyến đường cao tốc dẫn từ miền Nam Liban đến thủ đô Beirut đã chật kín ô tô ngay cả trước khi giao tranh giữa lực lượng quân sự Israel và tổ chức phiến quân Hồi giáo Hezbollah do Iran hậu thuẫn bùng phát gần biên giới Liban - Israel hôm 11/10.

Lynn Zovighian, giám đốc điều hành của The Zovighian Partnership, một nền tảng đầu tư xã hội thuộc sở hữu tư nhân ở Beirut, nói với DW hôm thứ 10/10: “Hàng nghìn người từ phía Nam đã rời khỏi khu vực này vì sợ hãi”.

Mariam Hoteit, một bà nội trợ, người mẹ của 5 đứa con đến từ thị trấn Shakra, chỉ cách biên giới với Israel 7 km, chia sẻ: “Trên đường đến Beirut, chúng tôi rất ngạc nhiên trước số lượng ô tô đang hướng tới đó. Nhìn dòng xe xếp thành những hàng dài trước các trạm xăng nhắc tôi nhớ lại cảnh tượng trong cuộc khủng hoảng thiếu xăng dầu hồi năm ngoái”.

Liban đã sa vào một loạt cuộc khủng hoảng, dẫn đến tình cảnh nền kinh tế suy sụp hoàn toàn, lạm phát lên tới 250% và một chính phủ lâm thời không có tổng thống. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phi chính phủ, gần 80% dân số Liban sống dưới ngưỡng nghèo khổ.

Trong khi đó, Hezbollah được chia thành các nhóm chính trị và quân sự. Nhóm quân sự đã bị Liên minh châu Âu, Pháp, Kosovo và các chính phủ khác liệt vào danh sách băng nhóm khủng bố. Toàn bộ Hezbollah đã bị Mỹ, Đức, Israel cùng một số chính phủ khác coi là tổ chức khủng bố.

Nhóm này có mối quan hệ sâu sắc với hoạt động chính trị và đời sống của người dân tại Liban. Trên thực tế, Hezbollah vẫn nắm giữ 12% số ghế trong quốc hội ở Liban và ngay cả sau khi rời khỏi chính phủ sau cuộc bầu cử năm 2022, Hezbollah vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các đảng cầm quyền. Nhóm này cung cấp tài chính cho các bệnh viện và điều hành các ngân hàng riêng có khả năng tiếp cận với đồng USD.

Với tầm quan trọng chính trị và quân sự ở Liban, cũng hết sức bình thường khi ban lãnh đạo của nhóm này đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện diễn ra ở Israel và Gaza sau khi Hamas - cũng là một tổ chức được Iran hậu thuẫn, bị EU, Mỹ, Đức và các chính phủ khác xem là nhóm khủng bố - thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel hôm 7/10.

Hàng nghìn người đã chạy khỏi khu vực biên giới với Israel. Ảnh AP.jpeg
Hàng nghìn người đã chạy khỏi khu vực biên giới với Israel. Ảnh: AP

“Sự can dự có kiềm chế”

Vào hôm 8/10, Hezbollah đã phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới với quy mô nhỏ nhằm vào khu vực Shebaa Farms không có người ở – nơi mà Liban và Israel đang tranh chấp chủ quyền.

Theo Heiko Wimmen, giám đốc dự án Liban tại tổ chức ngăn chặn xung đột phi chính phủ International Crisis Group, “đây là cách để báo hiệu rằng họ đã hiện diện mà không khơi mào động thái trả đũa ngay lập tức từ Israel”.

Wimmen nhận định: “Rõ ràng họ đang thể hiện rằng mình có khả năng tấn công nếu muốn”, đồng thời nói thêm, “Lập trường của Hezbollah hiện rất rõ ràng. Họ không quan tâm đến việc trực tiếp can dự vào cuộc xung đột này, miễn là không có cuộc tấn công nào từ phía Israel hoặc điều gì đó có thể bị coi là vượt qua lằn ranh đỏ".

Theo Wimmen, lằn ranh đỏ như vậy có thể là việc ép buộc một số lượng lớn người Gaza vào Ai Cập hoặc Hamas bị tiêu diệt hoàn toàn.

Trong khi đó, Kelly Petillo, nhà nghiên cứu Liban tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định rằng, "lằn đỏ đối với Hezbollah có thể là khi các cấp độ bạo lực của Israel tại Gaza trở nên quá dữ dội với bất kỳ cách định nghĩa nào của họ về tính dữ dội".

“Tuy nhiên, cho đến nay, tôi nghĩ chúng ta vẫn ở trong giới hạn của một sự can dự có kiềm chế và không vi phạm lằn ranh đỏ”, bà nói thêm, dựa trên đánh giá về loạt tên lửa mà Hezbollah bắn về phía Israel hôm thứ 10/10, cùng hỏa lực pháo binh trong động thái đáp trả của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), cũng như những căng thẳng đang gia tăng ở biên giới Israel-Syria.

Wimmen đánh giá: “Cả hai bên đều trả đũa tương ứng với cuộc tấn công của đối phương, vì vậy có vẻ như cả hai đều tiếp tục né tránh sự leo thang”.

Liban đã trong tình cảnh khủng hoảng kinh tế và chính trị nhiều năm qua. Ảnh Reuters.jpeg
Liban đã trong tình cảnh khủng hoảng kinh tế và chính trị nhiều năm qua. Ảnh: Reuters

Sự leo thang ở Trung Đông

Sự leo thang với Hezbollah có thể kêu gọi các đồng minh của nhóm này là Iran, Nga và Syria hành động, và điều đó có thể khiến toàn bộ khu vực rơi vào xung đột. Trong khi, Mỹ đã điều nhóm tàu chiến tới khu vực để thể hiện sự ủng hộ đối với đồng minh Israel.

“Nếu người em Hamas có thể thực hiện một cuộc tấn công như vậy, thì Israel có thể phải xem xét những gì người anh Hezbollah có thể làm” - Wimmen cảnh báo.

Chuyên gia này lấy ví dụ, Hamas đã bắn tới 5.000 quả tên lửa vào Israel vào cuối tuần qua, nhưng Hezbollah " cách đây 5 năm đã sở hữu kho vũ khí ít nhất 150.000 quả tên lửa, vậy ai biết bây giờ họ có bao nhiêu?".

Đặc biệt, số lượng tên lửa có khả năng tấn công chính xác trong kho vũ khí của Hezbollah vẫn là một ẩn số. Những tên lửa này có thể thay đổi quỹ đạo ngay trước khi chạm tới mục tiêu. Wimmen phát biểu: “Hệ thống phòng thủ hay bất kỳ ai khác đều không thể biết trong loạt tên lửa được bắn ra, cái nào là tên lửa có khả năng tấn công chính xác và cái nào là tên lửa thông thường”.

Nathan Brown, giáo sư khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington ở Mỹ, đồng thời là thành viên của Viện Nghiên cứu Cao cấp Hamburg ở Đức, nói với DW rằng, "Israel sẽ không khơi mào các hành động thù địch, nhưng nếu Hezbollah làm vậy, Israel có thể đáp trả rất mạnh mẽ vì tin rằng điều đó là cần thiết nhằm mục đích răn đe, do đó vẫn tồn tại khả năng leo thang".

Song theo Brown, cũng có cả “mối nguy trong dài hạn”: “Nếu Israel bắt đầu coi Hezbollah, Hamas và Iran là một mối đe dọa chiến lược thì nguy cơ leo thang cũng tăng lên”.

Trong khi đó, các nhóm và các lực lượng bán quân sự được Iran hậu thuẫn đã và đang chuẩn bị cho sự thay đổi nhận thức như vậy.

Cảnh khói lửa ở Liban nhìn từ Israel. Ảnh Reuters.jpeg
Cảnh khói lửa ở Liban nhìn từ Israel. Ảnh: Reuters

Mohanad Hage Ali, thành viên cấp cao tại viện nghiên cứu Malcolm H. Kerr, Trung tâm Carnegie Trung Đông có trụ sở tại Beirut cho biết: “Với sự tài trợ và hậu thuẫn của Iran, Hezbollah, Hamas, Thánh chiến Hồi giáo Palestine và các nhóm khác đã tạo ra Học thuyết Các mặt trận Thống nhất vài năm trước. Mục đích là tạo ra một học thuyết có tính răn đe Israel, đưa ra giả định rằng, bất cứ khi nào một bên đứng trước mối đe dọa hiện hữu thì các bên khác sẽ vào cuộc”.

Brown cho biết, kịch bản này hiện vẫn chỉ mang tính suy đoán. “Hành động của Hamas rất táo bạo và thành công đáng kinh ngạc về mặt chiến thuật, nhưng cho đến nay, hầu hết tiếng vang bên ngoài Gaza đều ở mức độ cảm xúc hoặc mang tính biểu tượng. Giao tranh vẫn chưa lan rộng và lý giải khả dĩ nhất là Hamas và Hezbollah coi nhau như đồng minh, nhưng mỗi bên đều có những tính toán riêng”.

Mới nhất

x
Bao vây Gaza có thể làm leo thang xung đột Israel-Hezbollah như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO