Hé lộ thủ đoạn của đường dây chạy vào các trường đại học danh giá ở Mỹ

Vũ Hoàng 15/03/2019 10:47

Kẻ cầm đầu đường dây dùng tiền của các phụ huynh chuyển cho dưới danh nghĩa từ thiện để đi hối lộ và gian lận kết quả bài thi.

William Rick Singer rời khỏi tòa án ở Boston hôm 12/3. Ảnh: Reuters

Các công tố viên Mỹ cho biết đường dây chạy vào trường đại học danh giá của Mỹ bị phanh phui hôm 12/3 là phi vụ gian lận trong ngành Giáo dục lớn nhất họ từng truy tố từ trước tới nay. 50 người trên 6 bang bị buộc tội với hàng triệu USD tiền bất hợp pháp được đổ vào những trường đại học tốt nhất, theo CNN.

Về cơ bản, theo các chuyên gia, đường dây này hoạt động dựa trên 3 con đường khá đơn giản: Gian lận điểm trong các kỳ thi tiêu chuẩn; Hối lộ những người chịu trách nhiệm quyết định sinh viên nào được chọn và che đậy tiền hối lộ dưới mác từ thiện. Cầm đầu đường dây gian lận tuyển sinh lớn nhất nước Mỹ là William Rick Singer, sáng lập viên công ty dự bị đại học Edge College & Career Network.

"Về cơ bản, Singer thực hiện hai hành vi gian lận", công tố viên liên bang Andrew Lelling cho biết. "Thứ nhất là gian lận điểm SAT hoặc ACT, thứ hai là dùng mối quan hệ của mình với những huấn luyện viên đại học, hối lộ tiền để đưa các em học sinh vào trường với thành tích thể thao giả mạo".

SAT và ACT là các bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ.

Tổng cộng 50 người đã bị buộc tội trong vụ án. Những người bị bắt bao gồm 2 quản trị viên SAT/ACT, một giám thị, 9 huấn luyện viên tại các trường đại học hàng đầu, một nhà quản lý đại học cùng 33 phụ huynh.

Những sinh viên đạt điểm số cao trong các kỳ thi chuẩn hóa, chẳng hạn như ACT hay SAT, sẽ có nhiều cơ hội được nhận vào các trường đại học danh giá hơn. Nắm rõ được điều này, Singer tìm mọi cách để giúp con em của khách hàng gian lận nhằm đạt điểm cao nhất.

Theo cáo trạng, Singer sắp xếp để một bên thứ ba, thường là Mark Riddell, bí mật làm bài thi hộ các sinh viên hoặc tráo câu trả lời bằng kết quả do Riddell làm. Nhằm giúp Riddell làm bài thi hộ mà không bị phát hiện, Singer hối lộ các giám thị, công tố viên cho hay.

Igor Dvorskiy, người giám sát kỳ thi SAT và ACT ở Los Angeles, cùng Lisa "Niki" Williams, người giám sát kỳ thi tại một số trường trung học công lập ở Houston, đều bị cáo buộc nhận tiền hối lộ để tạo điều kiện cho Riddell làm các bài thi.

Những phụ huynh thuê Singer giúp con họ gian lận được cho là đã trả từ 15.000 USD tới 75.000 USD cho mỗi bài thi.

Nữ diễn viên Felicity Huffman phát biểu tại một sự kiện hồi năm 2018. Ảnh: Reuters

Felicity Huffman, nữ diễn viên nổi tiếng Mỹ, bị cáo buộc trả 15.000 USD cho Singer dưới danh nghĩa tiền từ thiện để Singer giúp con gái Huffman gian lận kỳ thi SAT.

Theo lời một nhân chứng, người này đã đi từ Tampa tới một trung tâm khảo thí ở Tây Hollywood để giám sát kỳ thi của con gái Huffman. Cô bé đạt 1.420 điểm, cao hơn 400 điểm so với bài kiểm tra PSAT được thực hiện 1 năm trước đó.

Các huấn luyện viên đại học không trực tiếp quyết định việc tuyển lựa sinh viên song họ lại có quyền đề nghị văn phòng tuyển sinh lựa chọn những vận động viên triển vọng vào trường. Những trường học ở Mỹ rất chú trọng đầu tư vào các bộ môn ngoại khóa và thể dục thể thao nhằm xây dựng danh tiếng.

Nhờ thực tế trên, phần thứ hai trong đường dây gian lận tuyển sinh của Singer là hối lộ các huấn luyện viên và những quan chức phụ trách thể thao tại trường đại học. Đổi lại, họ sẽ tiến cử những học sinh nhất định cho văn phòng tuyển sinh dù học sinh đó không chơi thể thao hoặc sở hữu thành tích thể thao giả mạo.

"Tôi hối lộ các huấn luyện viên để đổi những suất học. Điều này diễn ra rất thường xuyên", Singer khai tại tòa.

Nữ diễn viên Lori Loughlin. Ảnh: Page Six

Hành vi gian lận của nữ diễn viên Lori Loughlin là minh chứng rõ ràng nhất cho mánh khóe trên.

Loughlin và chồng, nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli, bị cáo buộc trả 500.000 USD tiền hối lộ để đưa 2 con gái vào Đại học Nam California thông qua con đường trở thành thành viên đội chèo thuyền của trường.

Hai cô con gái được nhận dù chưa từng tham gia các cuộc thi chèo thuyền. Loughlin và chồng gửi cho Singer các bức ảnh chụp con gái họ trên máy tập chèo thuyền. Singer sau đó đưa tiền hối lộ cho Donna Heinel - Phó Giám đốc phụ trách thể thao tại Đại học Nam California, người tuyển sinh viên vào trường qua diện vận động viên tài năng.

"Tôi muốn cảm ơn ông vì những việc làm tuyệt vời của ông với con gái chúng tôi. Con bé rất phấn khích. Tôi và Lori rất biết ơn những nỗ lực của ông để đạt được kết quả cuối cùng", Giannulli viết trong một email gửi Singer.

Đại học Nam California đã đình chỉ Heinel trước những cáo buộc từ công tố viên.

Nhằm che đậy các khoản chi từ khách hàng, Singer khoác lên chúng cái mác tiền từ thiện quyên góp cho Quỹ Chìa khóa Toàn cầu (KWF) do ông ta lập ra. Tiền từ KWF tiếp tục được dùng để hối lộ các huấn luyện viên và quan chức phụ trách thể thao.

"Quỹ của Singer đáng lẽ phải là một tổ chức từ thiện nhưng nó thực tế lại là bình phong giúp Singer rửa tiền mà phụ huynh trả cho ông ta", công tố viên Lelling nói.

Khi đã nhận được tiền, KWF sẽ gửi email tới khách hàng để cảm ơn họ về số tiền ủng hộ.

"Sự hào phóng của bạn sẽ giúp chúng tôi thúc đẩy các kế hoạch nhằm giáo dục cũng như cung cấp những chương trình lập nghiệp cho các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn", một bức thư có đoạn.

Bằng chứng về quỹ từ thiện bình phong được ghi nhận trong một cuộc điện thoại ghi âm giữa Giannulli và Singer vào ngày 25/10/2018.

Singer, hành động theo sự chỉ đạo của các quan chức thực thi pháp luật, đã làm rõ với Giannulli rằng số tiền họ gửi thực tế là để đưa con gái họ vào Đại học Nam California và Giannulli đồng tình.

Singer bảo Giannulli rằng cơ quan thuế đang kiểm toán quỹ từ thiện của ông và họ phải thống nhất điều cần nói với các nhà điều tra.

"Tôi muốn đảm bảo rằng câu chuyện của chúng ta giống nhau... và số tiền 400.000 USD ông chuyển tới quỹ của tôi là nhằm giúp giải quyết công việc cho lũ trẻ", Singer viết.

"Hoàn hảo", Giannulli trả lời.

Theo vnexpress.net
Copy Link

Mới nhất

x
Hé lộ thủ đoạn của đường dây chạy vào các trường đại học danh giá ở Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO